Người Việt tại Séc coi trọng chữ hiếu với đấng sinh thành

Hơn 400 Phật tử và bà con người Việt tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc và các vùng phụ cận đã tham dự Đại lễ Vu Lan báo hiếu 2018.

Dù trời mưa, tối 2/9 (tức ngày 23/7 âm lịch) hơn 400 Phật tử và bà con người Việt tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc và các vùng phụ cận đã tham dự Đại lễ Vu Lan báo hiếu 2018, để chiêm nghiệm và bày tỏ lòng đạo hiếu với các đấng sinh thành.

Đại lễ Vu Lan báo hiếu của cộng đồng người Việt tại Praha, CH Séc.

Đã từ lâu lễ Vu Lan đã trở thành đại lễ của Phật giáo nói riêng và nét văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là dịp để các thế hệ con cháu tưởng nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, và nguyện báo đáp lại công lao trời biển đó. Đối với người Việt sống xa tổ quốc, trong đó có tại Cộng hòa Séc, nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc đó luôn được coi trọng, gìn giữ và phát huy cho các thế hệ con cháu sau này.

Trong dòng người tới Trung tâm tổ chức sự kiện Đông Đô ở thủ đô Praha tối mùng 2/9 để tham dự Đại lễ Vu Lan có rất nhiều người có vị trí xã hội, lứa tuổi, ngành nghề khác nhau, nhưng họ có chung một mục đích: chiêm nghiệm và răn dạy con cháu mình về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của ông cha ta.

Cụ Hoàng Văn Liên, năm nay 86 tuổi quê ở Thanh Hóa, có bảy người con, trong đó ba người sống định cư tại Cộng hòa Séc và bốn người còn lại vẫn ở Việt Nam. Sang sống cùng con cháu tại thủ đô Praha được 20 năm, cụ cho biết cụ luôn cảm thấy mãn nguyện khi thấy các con có công việc ổn định, các cháu đều ngoan, học giỏi, và đặc biệt luôn quan tâm chăm sóc, hỏi thăm ông bà.

Cụ Hoàng Văn Liên, 86 tuổi, mãn nguyện khi nhận được sự quan tâm chăm sóc của con cháu ở cả Séc và Việt Nam.

“Nói chung đến cái tuổi này thì tôi thấy con cái ăn ở với bố mẹ rất là tốt, đi về đều thưa hỏi, các cháu học hành giỏi giang, tôi rất là phấn khởi. Ở bên này thì năm nào tôi cũng đi tham dự lễ Vu Lan, nhắc nhở con cháu phải nghĩ đến cha mẹ, ông bà, giữ lấy đạo lý trong nhà. Khi sang bên này rồi các con, cháu ở Việt Nam cũng thường xuyên thăm hỏi, điện đi điện lại nên tôi cảm thấy thỏa mãn tấm lòng”, cụ Hoàng Văn Liên chia sẻ.

Sống định cư tại Séc được 30 năm, chị Nguyễn Kim Anh, đau đáu một điều trong lòng muốn đón mẹ hay đau yếu sang để chăm sóc lúc tuổi già, và ước nguyện đó trở thành hiện thực cách đây 10 năm. Từ ngày đón được mẹ sang và theo học Phật pháp, chị càng thấu hiểu triết lý của lễ Vu Lan là giáo dục con người lòng hiếu thảo, biết đền ơn, đáp nghĩa với đấng sinh thành. Chị chia sẻ:

“Tôi nghĩ một người con muốn báo hiếu cho cha mẹ thì cách tốt nhất là chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, gần gũi cha mẹ, ngắm nhìn cha mẹ, nếu có thời gian thì mình ở gần, nếu ở xa thì mình có thư từ điện để hỏi thăm các cụ. Hai là về vấn đề tinh thần, các cụ già rồi kiểu như trẻ con nên mình cần chiều theo như thế, những cái gì không hợp lý thì mình cố gắng làm các cụ vui, cố gắng chăm sóc cha mẹ hiện tiền, khi cha mẹ hiện tiền an lạc thì khi ra đi họ sẽ về cực lạc được”, chị Nguyễn Kim Anh cho biết.

Đại lễ Vu Lan không chỉ là dịp để những người tham dự thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với ông bà, cha mẹ, mà còn là dịp để giáo dục các thế hệ con cháu về nét đẹp, ý nghĩa nhân văn của phong tục truyền thông dân tộc này. Mang theo hai con đến tham dự sự kiện, anh Vũ Đại Nghĩa, quê ở Nghệ An, mong muốn các con hiểu được suy nghĩ, kỳ vọng của những bậc làm cha mẹ và luôn nhớ về cội nguồn của mình.

Anh Vũ Đại Nghĩa muốn các con biết về đạo lý Uống nước nhớ nguồn qua ngày lễ Vu Lan.

“Tôi rất vui khi đưa con tới tham dự Đại lễ Vu Lan tại đây, mục đích chính của tôi là cho cháu biết được truyền thống của người Việt Nam mình và sau này khi lớn lên tại Cộng hòa Séc này cháu cũng biết được cội nguồn của chúng ta. Tôi luôn mong cháu học tập tốt hơn, lao động tốt hơn, biết mình là người Việt Nam, biết truyền thống tốt đẹp của chúng ta là kính trọng cha mẹ”, anh Vũ Đại Nghĩa nói.

Chương trình diễn ra mang đậm nghi lễ Phật giáo. Xen kẽ với đó là các tiết mục biểu diễn văn nghệ diễn tả tình thương yêu vô bờ bến của người mẹ dành cho người con, gây xúc động cho người xem. Một lần nữa hình ảnh bông hồng cài áo lại được tái hiện trên sân khấu, thể hiện sự kính trọng của các con cháu với đấng sinh thành. Với họ, chữ hiếu không chỉ được thể hiện trong suy nghĩ và hành động trong ngày lễ Vu Lan mà sẽ được lan tỏa trong 365 ngày trong năm./.

Hữu Bình, Văn Huy/VOV-Praha

Nguồn VOV: http://vov.vn/nguoi-viet/nguoi-viet-tai-sec-coi-trong-chu-hieu-voi-dang-sinh-thanh-808185.vov