Người Việt sính ngoại khiến doanh nghiệp công nghệ khó phát triển thị trường nội địa

Theo chia sẻ của Giám đốc Kỹ thuật Công ty MK Smart, mặc dù đã đưa được sản phẩm ra thị trường quốc tế song đơn vị này gặp khó khăn trong việc phát triển thị trường trong nước do người dùng Việt nặng tâm lý thích sử dụng hàng ngoại.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Người Việt vẫn nặng tâm lý chuộng sản phẩm ngoại

Trong trao đổi với các chuyên gia, đại diện cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tại phiên chuyên đề “Chia sẻ giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ” trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức ngày 9/5/2019, ông Lê Minh Quốc – Giám đốc Kỹ thuật Công ty MK Smart nhấn mạnh, doanh nghiệp chuyên sản xuất thẻ chip này cũng mong muốn làm chủ thị trường trong nước trước khi đưa sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong khoảng 3 năm trở lại đây, doanh số xuất khẩu sản phẩm của MK Smart từ các thị trường nước ngoài như Nhật, châu Phi, Đông Nam Á… thường chiếm tới 60-70% tổng doanh số của công ty.

“Chúng tôi cũng rất mong muốn làm được nhiều hơn ở thị trường Việt Nam. Hiện nay, các cơ quan, tổ chức và người dùng tại Việt Nam vẫn có tâm lý thích sử dụng sản phẩm ngoại nhiều hơn. Tâm lý này tôi không biết bao giờ mới có thể xóa bỏ được. Ví dụ như, ngay với sản phẩm hệ điều hành con chip, thẻ SIM, thẻ ngân hàng… của MK Smart, làm ra rất vất vả nhưng khi tiếp cận, tìm cách bán cho các đơn vị trong nước gặp nhiều khó khăn, rào cản. Chúng tôi hy vọng khó khăn này sẽ được tháo gỡ, giải quyết bằng các cơ chế, chính sách của nhà nước trong thời gian tới, hỗ trợ phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ trong nước”, ông Quốc cho hay.

Nói đến tình trạng ưu đãi ngược, doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi nhiều hơn các doanh nghiệp Việt Nam, đại diện MK Smart chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong đó có MK Smart được cạnh tran bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài”.

Tâm lý “sính ngoại” của người Việt đang là rào cản, gây khó khăn cho việc phát triển thị trường nội địa các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế này thời gian qua đã được nhiều doanh nghiệp CNTT, an toàn thông tin phản ánh.

Đơn cử như, với Công ty CP Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS), CEO Công ty này cho biết, cũng do tâm lý “sinh ngoại” của nhiều người dùng Việt Nam mà đến nay VNCS và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin của Việt Nam vẫn đang phải triển khai hoạt động kinh doanh theo cả 2 hướng, tức là vừa phân phối các sản phẩm, giải pháp bảo mật quốc tế và vừa phát triển sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin nội địa.

Doanh nghiệp công nghệ mở rộng thị trường nội địa cách nào?

Chia sẻ kinh nghiệm của CMC, ông Lương Tuấn Thành - Giám đốc Công nghệ CMC đã dẫn ra việc CMC tặng 1.000 bộ sản phẩm phần mềm diệt virus CMC Cyber Security cho các đại diện dự Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể dùng thử. “Việc CMC tặng sản phẩm phần mềm diệt virus CMC Cyber Security là một gợi ý về việc doanh nghiệp có thể cho khách hàng của mình sử dụng thử, khi họ thấy sản phẩm của mình tốt thì chính họ sẽ là người tham gia đi bán hàng cho doanh nghiệp thông qua việc giới thiệu sản phẩm tốt đó cho những người xung quanh”, ông Thành nói.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, tâm lý “sính ngoại” của người Việt đang là rào cản, gây khó khăn cho việc phát triển thị trường nội địa các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong nội dung trao đổi, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp tại Diễn đàn vào chiều ngày 9/5, đưa ra gợi ý cho các doanh nghiệp đối với việc tiếp cận nhóm khách hàng là cơ quan nhà nước, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất phương án doanh nghiệp bỏ kinh phí đầu tư để triển khai thí điểm tại cơ quan nhà nước, nhà nước không bỏ tiền nhưng bỏ tri thức, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thử nghiệm để hoàn thiện sản phẩm.

Bộ trưởng dẫn ra trường hợp Viettel, doanh nghiệp này trước đây đã áp dụng cách làm là tặng sản phẩm cho cơ quan nhà nước dùng thử, sau khi có sản phẩm tốt thì mang sản phẩm đó triển khai ở thị trường nước ngoài.

Bộ trưởng cũng gợi ý, để thử nghiệm sản phẩm công nghệ mới, các doanh nghiệp nên đến những tỉnh thành nhỏ như Điện Biên hoặc những khu vực xa xôi. Bởi lẽ, những nơi như vậy có quy mô nhỏ hơn, ít rủi ro hơn, ít có cái để mất hơn nên sẵn sàng chấp nhận cái mới hơn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng khuyến nghị các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nên tập trung “tấn công” khu vực doanh nghiệp tư nhân và người dân. Theo phân tích của Bộ trưởng, mặc dù khu vực nhà nước là hộ chi tiêu lớn, song thị trường Việt Nam còn có hơn 700.000 doanh nghiệp và gần 100 triệu người Việt Nam. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép, doanh nghiệp được làm những gì mà luật pháp không cấm. Khu vực doanh nghiệp luôn năng động, trong khi nhà nước lại bảo thủ hơn. “Vì thế, các doanh nghiệp nên tập trung tấn công vào doanh nghiệp khu vực tư nhân, vào người dân trước. Sauk hi đã có được những thành công rõ ràng, việc triển khai áp dụng vào khu vực nhà nước sẽ dễ hơn rất nhiều.

Từ trường hợp hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ ung bướu đưa ra các lựa chọn phác đồ điều trị IBM Watson for Oncology được thử nghiệm thành công bước đầu tại Bệnh viện Phú Thọ, Bộ trưởng cho rằng, để thử nghiệm sản phẩm công nghệ mới, các doanh nghiệp nên đến những tỉnh thành nhỏ như Điện Biên hoặc những khu vực xa xôi nhất. Những nơi như vậy có quy mô nhỏ hơn, ít rủi ro hơn, ít có cái để mất hơn nên sẵn sàng chấp nhận cái mới hơn.

Ngọc Minh - Thái Khang

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/chuyen-doi-so/nguoi-viet-sinh-ngoai-khien-doanh-nghiep-cong-nghe-kho-phat-trien-thi-truong-noi-dia-182382.ict