Người Việt ở Châu Âu 'thích ứng' với dịch bệnh Covid-19

'Dù đã bỏ lỡ giai đoạn vàng để ngăn dịch bệnh Covid-19 nhưng châu Âu hiện đang nỗ lực trong công tác phòng chống, ngăn ngừa dịch. Người Việt ở châu Âu đang phải 'thích ứng' với dịch bệnh' – các ý kiến người Việt sống ở châu Âu chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị.

Châu Âu bỏ lỡ giai đoạn vàng

Chị Thanh Quyên Gavoye (40 tuổi, sống ở Besancon, Pháp) cho hay, chị đã sống 18 năm ở Pháp. Do tính chất nghề nghiệp là chuyên viên văn hóa TP Besancon, chị làm việc trong môi trường gần như 100% là người bản địa nên thấu hiểu tâm lý của người Pháp.

 Đường phố ở TP Besancon (Pháp) vắng người qua lại trong ngày 16/3

Đường phố ở TP Besancon (Pháp) vắng người qua lại trong ngày 16/3

“Có thể nói do tình hình chính trị và tâm thế của người dân trước đại dịch ở mỗi nước khác nhau, nên nhìn từ bề ngoài, nhiều người nghĩ châu Âu thờ ơ với dịch bệnh. Sống ở Pháp lâu năm, tôi có thể khẳng định, người Pháp không chủ quan trước đại dịch. Dù đã bỏ lỡ giai đoạn vàng để ngăn dịch bệnh nhưng châu Âu hiện đang làm tốt công tác phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19” - chị Thanh Quyên Gavoye khẳng định.

Theo chị Thanh Quyên Gavoye, Việt Nam là lãnh thổ có đường biên khép với các nước láng giềng. Trong khi đó, cả đại lục Châu Âu, đường biên hành chính bị xóa bỏ. Việc kiểm soát biên giới như ở Việt Nam là điều không tưởng, trừ khi đó là mối nguy cơ tức thời. Trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố đại dịch, không nước nào trong EU có đủ luật để kiểm soát biên giới. Tuy nhiên, ngay khi WHO tuyên bố, nước Pháp đã hành động ngay lập tức.

“Chồng tôi do tính chất công việc, thường xuyên phải đi dọc các nước từ Bỉ, Đan Mạch... xuống đến miền Nam nước Pháp, thì gần 2 tuần nay đã phải ở nhà và làm việc qua màn hình. Còn tôi, mỗi ngày phải tiếp xúc khoảng 500 người, ngay từ đầu đã được hướng dẫn cách phòng tránh và thay đổi cách làm việc (dù vẫn duy trì công việc như trước). Như vậy, có thể nói nước Pháp không hề chủ quan” - chị Thanh Quyên Gavoye thông tin.

Mặt khác, tâm thế đối diện dịch bệnh, đối diện tử thần của mỗi cá nhân một khác nhau, mỗi dân tộc một khác nhau. Phần đông người Pháp coi đây như một dịch bệnh thêm vào những dịch bệnh đã có sẵn nên họ ít hoang mang. Đối diện với bệnh tật, đối diện với cái chết, ai cũng lo lắng. Vì thế, họ cũng có ý thức hơn, không đứng quá gần nhau khi nói chuyện, không ôm hôn...

TP Besancon (Pháp)

“Chúng tôi đã dừng mọi cuộc gặp gỡ (sinh nhật, đám cưới, lễ đặt tên thánh...). Ở châu Âu, những buổi gặp gỡ như thế này thường lên lịch từ 6 tháng đến 1 năm để mọi người bố trí lịch. Tuy vậy, chúng tôi sẵn sàng hủy hẹn để tránh tiếp xúc. Thời gian này hàng năm gia đình tôi đều đi du lịch. Chúng tôi đã đặt vé đi Italia 2 tuần, đi Barcelona (Tây Ban Nha) 1 tuần mà hiện đang phải hủy chuyến đi, không được bồi thường” - chị Thanh Quyên Gavoye chia sẻ.

Theo chị Thanh Quyên Gavoye, người Italia cũng đang nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, số lượng người chết ở Italia cao vì dân số đang ở độ già. Tuổi thọ trung bình những bệnh nhân chết ở Italia khoảng 80 - 81 tuổi, hầu hết đều có bệnh nền. “Để chứng minh Pháp hay châu Âu đang làm làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tôi có thể nói, văn hóa Pháp là văn hóa của biểu tình. Người dân thấy cái gì không hợp lý là có thể biểu tình. Nếu thật sự nước Pháp làm không tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tôi nghĩ, người dân đã xuống đường từ lâu” - chị Thanh Quyên Gavoye nhận định.

Các nước nỗ lực phòng, chống dịch

Sống và làm việc ở TP Broumov (CH Czech) – anh Nguyễn Văn Bình (35 tuổi) cho hay, CH Czech đã có lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ ngày 16/3. Theo đó, CH Czech yêu cầu người dân hạn chế tự do di chuyển ở ngoài, không được tụ tập ở ngoài đường. Những trường hợp ngoại lệ được đi lại ở ngoài là khi có việc, như đi làm, đến công sở, đi kinh doanh buôn bán, mua thực phẩm, mua thuốc chữa bệnh, đi thăm người thân nếu cần thiết...

Cơ quan chức năng đã tiến hành cách ly các thành phố Unicov, Cervenka và Litovel ở vùng Olomouc (CH Czech) vào sáng 16/3 để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Xe cảnh sát kiểm soát tại một tuyến đường ở khu vực này

Từ sáng 16/3, Cơ quan dịch tễ đã tiến hành cách ly nhiều thành phố, khu vực để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Nhiều TP, khu vực đang trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Ngoài ra, Chính phủ CH Czech cũng khuyến cáo các chủ lao động đưa việc về nhà cho nhân viên làm, hạn chế số lượng công việc tại công sở, văn phòng. Khuyến khích người lao động xin nghỉ phép (ăn lương) theo điều lệ hợp đồng lao động; tạm dừng các hoạt động lao động nếu không cấp bách. Đồng thời, khuyến cáo người dân đứng xa ít nhất 2 mét khi giao tiếp với người khác ngoài công cộng như khi đi mua hàng và nên thanh toán tiền bằng thẻ.

“Trước đó, từ ngày 7/3, khi CH Czech mới có hơn 10 ca nhiễm Covid-19, chính phủ nước này đã yêu cầu công dân từ Italia về nước phải liên lạc với bác sĩ và tự cách ly 14 ngày. Bất cứ người nào vi phạm lệnh tự cách ly đều có thể sẽ bị phạt tới 130.000 USD, tương đương 3 tỷ đồng” - anh Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Khung cảnh Quảng trường TP Broumov (CH Czech) vắng người trong ngày 16/3

Trong khi đó, anh Nguyễn Khánh Nguyên (37 tuổi, sống ở bang Hessen, Đức) tỏ ra lo lắng vì đang làm việc trong một nhà hàng ăn uống, mỗi ngày tiếp xúc với khoảng 200 – 300 khách hàng. Trong khi đó, người Đức không có thói quen đeo khẩu trang, nếu ai đeo khẩu trang sẽ bị kỳ thị, được coi là người bị bệnh, thậm chí có thể bị đánh.

“Ở Đức, số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh. Trong khi đó, thời điểm này ở Đức đang là mùa lạnh – cơ hội cho virus, dịch bệnh lây lan, và các chuyên gia Đức nhận định, dịch bệnh này ở Đức có thể kéo dài. Gia đình tôi chưa biết xoay sở thế nào trong mùa dịch này khi con nhỏ nghỉ học, vợ phải nghỉ phép ở nhà trông con, nhưng thời gian nghỉ phép cũng chỉ được 8 ngày. Bố mẹ tôi sống ở CH Czech không thể sang hỗ trợ. Trong ngày 16/3, nước Đức đã kiểm soát tất cả biên giới nhằm ngăn ngừa dịch bệnh” - anh Khánh Nguyên chia sẻ.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguoi-viet-o-chau-au-thich-ung-voi-dich-benh-covid-19-377931.html