Người Việt ở châu Âu kể chuyện chống dịch COVID-19

Một số độc giả đã viết cho Pháp Luật TP.HCM, kể về câu chuyện chống dịch COVID-19 đang diễn ra ở những điểm nóng tại châu Âu.

Người Ý thiếu kinh nghiệm phòng dịch, lại quá chủ quan

Theo quan điểm cá nhân tôi, việc lây nhiễm nhanh và tăng mạnh số ca tử vong ở Ý là do chính quyền và người dân chưa có kinh nghiệm phòng những bệnh lây nhiễm như thế này trong quá khứ. Về mặt chính quyền, họ chưa có những chỉ đạo và biện pháp phòng dịch đúng đắn và kịp thời. Về phía người dân, chưa thực sự nhận thấy tầm nguy hiểm của bệnh dịch COVID-19 và chưa áp dụng biện pháp phòng dịch đúng mức.

Dịch đã bùng phát ở Trung Quốc (TQ) rất lâu, đặc biệt dịp tết âm lịch, có rất nhiều người TQ và châu Á quay trở về quê hương ăn tết, sau đó quay trở lại Ý. Tuy nhiên, vào thời điểm đó Ý vẫn chủ quan chưa áp dụng biện pháp kiểm tra y tế, thân nhiệt của hành khách sau khi họ từ TQ trở lại Ý. Đây là chia sẻ được rút ra từ trường hợp của một giáo sư trở về từ TQ, đã qua hải quan mà không hề được kiểm tra y tế.

Mặc dù có dấu hiệu dịch bệnh nhưng hoạt động văn hóa tập trung đông người như lễ hội hóa trang vẫn diễn ra bình thường. Ví dụ, ngày 16-2 lễ hội diễn ra tại quảng trường San Marco (được xem là trái tim du lịch của TP Venice - PV) và chỉ bị hủy khi dịch thực sự đã bùng phát vào ngày 21-2.

Về phía người dân, dù được khuyến cáo là hạn chế đến chỗ đông người nhưng mọi người vẫn đi bar, lễ hội. Trường học đóng cửa nhưng chỉ sinh viên được nghỉ, các nhân viên hành chính vẫn làm việc, các viện nghiên cứu, nhóm dự án vẫn làm việc. Hơn nữa, người dân không có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường nên việc lây lan dễ dàng hơn.

Giới trẻ thì suy nghĩ là dịch bệnh COVID-19 chỉ tác động đến người già là chủ yếu nên vẫn thản nhiên tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Họ nghĩ rằng chỉ cần không gặp ông bà, bố mẹ (để không lây bệnh nếu không may mắc phải) là được. Ghi nhận của tôi đến ngày 6-3 cho thấy các quán bar, quán cà phê vẫn đông người vào buổi tối.

Anh PHẠM HÙNG VƯƠNG, nghiên cứu sau tiến sĩ tại TP Venice, Ý

Đức không quyết liệt chống dịch và hành động chậm chạp

Ở Đức, tình hình gia tăng ca nhiễm mạnh quá. Tôi thấy chính quyền sở tại không làm quyết liệt và cũng không truyền thông quyết liệt ngay từ đầu như ở Việt Nam. Lý do vì sao thì tôi không rõ nhưng tôi đoán họ xem nhẹ dịch bệnh này, nghĩ COVID-19 cũng như cúm mùa, sẽ không gây thiệt hại nghiêm trọng.

Vì vậy nên nửa cuối tháng 2 vừa qua, Đức vẫn cho phép tổ chức lễ hội Carnival (lễ hội hóa trang đường phố). Người dân tham gia quá đông. Sau thời gian lễ hội diễn ra không lâu, số ca nhiễm COVID-19 ở Đức bắt đầu tăng chóng mặt. Các ca bệnh bị lây từ nguồn bệnh cá nhân thì còn biết khoanh vùng, cách ly chứ lây qua lễ hội thì không biết đường nào mà ngăn cản. Lẽ ra chính quyền tuyên truyền mạnh, cấm tổ chức lễ hội thì mọi chuyện tốt hơn.

Đã vậy, khẩu trang bên này hầu như không có, dù tìm ở khắp nhà thuốc hay siêu thị. Người dân cũng không có thói quen đeo khẩu trang phòng bệnh. Vì không ai đeo nên thiểu số (trong đó có người Việt) cũng không dám đeo vì ngại. Đa số người Đức quan trọng chuyện rửa tay sát khuẩn hơn là đeo khẩu trang.

Trong giao tiếp, mọi người chỉ hạn chế ôm, hôn hay bắt tay với người lạ. Với người thân quen, bạn bè hay người yêu thì họ vẫn cư xử như bình thường. Mặt khác, thời tiết ở Đức vẫn đang trong mùa lạnh nên dịch có cơ hội lan nhanh. Người dân đang trông chờ cuối tháng 4-5 để tiết trời nóng lên, may ra đỡ lây nhiễm.

Tôi thấy dường như bây giờ, sau hàng trăm ca nhiễm và tử vong thì châu Âu, trong đó có Đức mới bắt đầu vào cuộc chống dịch. Dẫu vậy, thà muộn còn hơn là không bao giờ hành động. Người châu Âu vẫn có một thái độ tích cực (mà nhiều người Việt nên học hỏi họ), đó là họ rất bình tĩnh trong xử lý khủng hoảng như cơn bùng phát dịch lần này.

Chị BÙI THỊ MINH CHÂU, quản lý dự án tại
Viện Gustav-Stresemann, CHLB Đức

Châu Âu đang có giải pháp gì?

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong họp báo ngày 5-3 cho rằng vai trò của EU là phối hợp hành động của các quốc gia thành viên để ngăn chặn dịch bệnh chứ không phải áp đặt các biện pháp phòng dịch. Mỗi nước thành viên sẽ có biện pháp phòng dịch riêng. Hiện EU đã nâng mức cảnh báo dịch từ trung bình hồi tháng 2 lên mức cao.

Ngoài ra, Bộ Y tế các nước thành viên được khuyến cáo tập trung đặc biệt vào các biện pháp phòng và chống dịch như: (i) đảm bảo dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, các phòng xét nghiệm, các công tác nghiên cứu về virus để bào chế thuốc và vaccine phòng bệnh; (ii) triển khai các điểm kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài trước khi vào châu Âu; (iii) đẩy mạnh công tác truyền thông về dịch bệnh tới người dân và nhân viên y tế.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ kinh tế của khối. Nhà hoạch định chính sách của ECB Francois Villeroy de Galhau cho biết chính sách tiền tệ của ECB đã mang tính thích ứng và giúp ổn định nền kinh tế khu vực đồng euro. ECB sẽ cấp các khoản vốn vay lãi suất cực thấp cho các công ty. Các quan chức tài chính nhóm G7 cũng tuyên bố sẵn sàng áp dụng các biện pháp tài chính và tiền tệ phù hợp.

Chị TRẦN TRÚC QUỲNH, nhà báo tại Thời Báo Việt Đức, CHLB Đức

ĐẠI THẮNG ghi

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/nguoi-viet-o-chau-au-ke-chuyen-chong-dich-covid19-895090.html