'Người Việt Nam thông minh từ gốc rễ, cội nguồn!'

'Thực sự người Việt Nam thông minh từ gốc rễ, từ cội nguồn chứ không phải đến bây giờ những điều đó mới được khơi dậy và phát huy'.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, phát biểu như trên tại hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam” sáng 24-9 tại Hà Nội.

Ông Thắng cũng nhấn mạnh truyền thống dân tộc rất đáng giá và phong phú, trong đó trước hết là truyền thống đấu tranh giữ nước, truyền thống lao động sản xuất để tạo nên những văn minh Việt cổ.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo.

Đề cập đến việc nghiên cứu về lịch sử, ông Thắng cho rằng phải nuôi dưỡng được niềm say mê rồi mới có được nhiệt huyết trong nghiên cứu để liên tục làm sâu sắc hơn, vững chãi hơn nền tảng của lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, nhiệt huyết xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

“Chúng ta làm rất nhiều thứ về giáo dục lịch sử, về truyền thống như biên soạn giáo trình, tổ chức nghiên cứu... nhưng có vẻ lúc nào đó, chỗ nào đó chưa thực sự hiệu quả” - ông Thắng nhận định.

PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định nếu lấy Đền Hùng làm tâm, trong vòng bán kính khoảng 10km quanh khu vực núi Nghĩa Lĩnh (TP Việt Trì, Phú Thọ) nơi được coi là kinh đô đầu tiên của nhà nước Việt Nam, đến nay đã có 40 di tích khảo cổ thời đại kim khí.

"Một chuỗi di tích, di vật thu được tạo thành một hệ thống văn hóa kế tiếp nhau. Đó là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có giá trị lịch sử - văn hóa như truyền thuyết “Con rồng cháu tiên”, “Bánh chưng bánh dày”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”…. Là những lễ hội với các nghi lễ, diễn xướng dân gian độc đáo, là những dân ca lễ nghi tín ngưỡng, mà cụ thể là hát xoan, món ăn tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng dân cư Phú Thọ" - ông Nhuệ dẫn chứng.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu, các nhà khoa học.

TS Đỗ Quang Tuấn thì đưa đến luận điểm, hiếm có dân tộc nào trên thế giới có ông tổ chung như dân tộc Việt Nam. “Ý thức dân tộc, tình yêu nước Việt Nam không trừu tượng mà rất cụ thể, có giá trị cao hơn hết mà có nhà nghiên cứu đã gọi là “Tổ quốc luận”. Nó biểu hiện thành một thứ sức mạnh để đoàn kết dân tộc cả trong dựng nước và giữ nước mà người ta vẫn gọi là sức mạnh Việt Nam hay văn hóa Việt Nam” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, tổ quốc, quốc gia, dân tộc luôn luôn gắn liền với dân. “Dân là dân nước, nước là nước dân”. Ngay từ thời các vua Hùng, những vị vua anh minh đều sống hòa mình với dân, hết lòng chăm lo cho dân, biết phát huy sức mạnh của dân cả trong dựng nước và giữ nước. Do đó, mặc dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến mấy, kẻ thù xâm lược có hùng mạnh đến mấy cuối cùng phải lùi bước.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/nguoi-viet-nam-thong-minh-tu-goc-re-coi-nguon-860041.html