Người Việt Nam chưa có văn hóa xếp hàng vì thiếu niềm tin

Chiều 22/3, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra tọa đàm 'Xếp hàng qua góc nhìn văn hóa'.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả: PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh – Giảng viên cao cấp tại Đại học Ngoại Thương, Hà Nội; PGS.TS Ngô Văn Giá – Nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí - Đại học Văn hóa, Hà Nội; Nhà văn, nhà báo Kim Ngân và MC Lê Thắng - Giám đốc sáng tạo Đài truyền hình VTV7.

Các diễn giả tại tọa đàm. Ảnh: qdnd.vn

Các diễn giả tại tọa đàm. Ảnh: qdnd.vn

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã nói về gốc rễ của văn hóa xếp hàng trên thế giới và đặt câu hỏi Việt Nam có hay không văn hóa xếp hàng. Và điều khá bất ngờ là dù cô Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng khái niệm xếp hàng của Việt Nam xuất hiện ở miền Bắc ở thời kỳ tem phiếu, còn ở miền Nam sau năm 1975 nhưng điều đó vẫn chưa đủ để được coi là văn hóa xếp hàng. Đồng tình với quan điểm này, nhà lý luận phê bình Văn Giá cũng khẳng định: Người Việt Nam chưa có văn hóa xếp hàng.

Bên cạnh đó, các diễn giả còn nói về thực trạng xếp hàng ở Việt Nam, gốc rễ của văn hóa xếp hàng. Từ đó so sánh văn hóa xếp hàng ở Việt Nam và các nước trên thế giới từ góc nhìn văn hóa. Các diễn giả cũng đưa ra ví dụ để có thể cắt nghĩa vì sao người Việt Nam chưa có văn hóa xếp hàng. Đó là hình ảnh một cậu bé người Nhật, dù vừa phải qua một trận động đất, thực phẩm khan hiếm, người ta phải xếp hàng để có được thực phẩm. Thấy cậu bé còn khá bé nên đã có một người lớn hơn chìa chiếc bánh mì ra nhường cho cậu, nhưng cậu cảm ơn và từ chối nhận. Bởi cậu tin rằng mọi người đều bình đẳng và chắc chắn việc cậu đợi sẽ nhận được thứ mình muốn. Câu hỏi được các diễn giả đặt ra là, ở Việt Nam dường như còn có những sự ưu tiên, bất bình đẳng và thiếu niềm tin. Rằng nếu không chen lấn, một người đến sau nhưng có thể vì một lý do nào (quen biết, đút lót, khôn lỏi, nhanh chân…) đó lại được đứng trước, hoặc tuân thủ xếp hàng thì rất có thể đến lượt mình mọi thứ đã hết.

Các diễn giả cũng đưa ra những yếu tố tác động đến ý thức và hành vi xếp hàng của người Việt Nam. Mặc dù có không ít quan điểm còn tranh cãi, thậm chí trái ngược nhau, nhưng chị Kim Ngân – người đi nhiều nơi trên thế giới vẫn tin rằng: "Sau 10 năm, việc xếp hàng ở Việt Nam" đang tốt lên từng ngày". Đây cũng là cơ sở để nhiều người tin rằng tương lai chúng ta sẽ có văn hóa xếp hàng.

Cuối cùng buổi tọa đàm cũng đưa ra giải pháp để văn hóa xếp hàng trở thành thói quen của người Việt Nam, đồng thời tin tưởng giới trẻ hôm nay sẽ là người đặt nền móng cho văn hóa xếp hàng để một vài năm tới chúng ta sẽ thực sự có văn hóa xếp hàng.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nguoi-viet-nam-chua-co-van-hoa-xep-hang-vi-thieu-niem-tin-20190322212259125.htm