Người Việt luôn khát vọng

Là người có thâm niên trên 20 năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt chuyên sâu mảng thanh toán điện tử, ông Sean Preston (ảnh), Giám đốc VISA tại Đông Dương (Việt Nam, Campuchia và Lào) đã chia sẻ với ĐTTC khá riêng tư về nghề cùng những cảm nhận về đất nước, con người Việt Nam.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, là người thành công trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đưa ông đến với lĩnh vực này?

Ông SEAN PRESTON: - Khi còn là một sinh viên đại học, như bao người trẻ khác, tôi luôn khao khát tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mình thực sự muốn làm gì sau này. Trong một chuyến du lịch “phượt” tới châu Âu, ngồi trong một quán cà phê, tôi đã nhận ra rằng kinh doanh là lĩnh vực mà tôi muốn thử sức. Kinh doanh tạo ra tiền bạc và mang lại giá trị cho cuộc sống con người. Và khi điều hành một DN thành công, tôi có thể mang lại giá trị cho nhân viên, cho các khách hàng và ngược lại họ sẽ mang lại giá trị cho tôi.

Khi rời trường đại học, bước vào lĩnh vực kinh doanh nhưng vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, tôi lại nghĩ nếu làm việc tại một ngân hàng sẽ có thêm hiểu biết về kinh doanh tiền tệ. Tôi đã quyết định tham gia và nhận ra nó phát triển rất nhanh, thú vị và năng động. Sau 15 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, tôi chuyển sang lĩnh vực thanh toán và làm việc cho VISA từ năm 2009, sau đó đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành VISA tại khu vực Đông Dương vào tháng 4-2014. Thực tế sức mạnh của thanh toán đang dần biến đổi và nó thực sự mang lại giá trị cho cuộc sống con người.

- Theo kinh nghiệm của ông, điều gì quan trọng cho những người muốn thành công trong hoạt động tài chính ngân hàng - lĩnh vực được xem rất nhạy cảm?

Tôi quan sát thấy người Việt Nam rất có hứng thú về công nghệ, được thể hiện không chỉ qua cách nhanh chóng cập nhật những thiết bị di động hiện đại, mà còn là cách ứng dụng vào thương mại điện tử và mua hàng qua điện thoại. Tuy nhiên với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thị trường thanh toán điện tử vẫn còn rất non trẻ nên cần cải thiện hạ tầng thanh toán.

- Điều quan trọng nhất là khả năng xây dựng các mối quan hệ, bởi nó sẽ tạo nên lòng tin. Khách hàng cần có 100% lòng tin ở bạn mới sẵn sàng giao cho bạn trách nhiệm quản lý tiền bạc của họ. Vì thế, tạo dựng mối quan hệ tốt trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau là vô vùng quan trọng. Khi bạn cam kết điều gì, hãy đảm bảo rằng bạn có thể thực hiện được nó. Một điều quan trọng nữa là tinh thần cầu thị và khả năng thích ứng tốt, bởi ngành tài chính - thanh toán là một lĩnh vực rất năng động và liên tục thay đổi. Chúng ta cần học hỏi và cập nhật về các công nghệ mới và lợi ích mà chúng mang lại. Hơn nữa, sẽ là lợi thế nếu bạn có khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường quốc tế, cũng như nhiều nền văn hóa khác nhau, hiểu biết về nhu cầu của người sử dụng, kể cả người trẻ lẫn người già. Thí dụ như yếu tố công nghệ đang rất phát triển trong lĩnh vực tài chính - thanh toán, với người trẻ họ nắm bắt rất nhanh những xu hướng và ứng dụng công nghệ, nhưng người già lại quen với những gì truyền thống hơn.

- Vậy điều gì khiến ông tự hào nhất trong hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và thanh toán điện tử?

- Điều khiến bản thân tôi tự hào nhất là trải nghiệm công việc đang có ở Việt Nam. Đến một đất nước hoàn toàn mới và lạ lẫm, được đóng một vai trò nhỏ trong sự phát triển của nền kinh tế mà tôi tin sẽ mang lại sự khác biệt lớn với cuộc sống người tiêu dùng. Một trong những điều yêu thích về công việc này là tôi thật sự tin tưởng thanh toán điện tử sẽ mang lại những giá trị quý báu cho cuộc sống của người tiêu dùng, cho các DN và nền kinh tế nói chung. Là một phần của quá trình cải cách thị trường tài chính Việt Nam, chứng kiến sự thay đổi từng ngày trong những năm qua có lẽ là điều khiến tôi tự hào nhất.

- Theo ông thách thức và cơ hội đối với thanh toán điện tử ở Việt Nam là gì?

- Tôi nghĩ thách thức lớn nhất hiện nay là niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt là đảm bảo an ninh, an toàn khi thanh toán. Do đó sẽ còn nhiều việc phải làm để thay đổi nhận thức này và khuyến khích chuyển từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử, bởi thanh toán điện tử tiện lợi, nhanh và an toàn hơn so với sử dụng tiền mặt. Một thách thức nữa là làm thế nào để người Việt Nam thấy được những tiện ích của việc thanh toán qua thẻ. VISA sẽ cải thiện điều này qua nhiều chương trình với các ngân hàng đối tác tại Việt Nam để phổ cập kiến thức. Tôi còn nhớ khi làm việc ở Singapore năm 1998-1999, lúc đó người dân Singapore không ủng hộ thanh toán điện tử với lý do quen với văn hóa sử dụng tiền mặt, thanh toán thẻ chỉ làm mất thời gian. Nhưng hiện tại Singapore đã trở thành một trong những nước có lượng giao dịch thanh toán điện tử nhiều nhất trên thế giới.

Còn về cơ hội, với tỷ lệ 55% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng thành thạo smartphone như hiện nay, việc mở rộng thanh toán điện tử cho mọi đối tượng và đưa mọi người đi sâu hơn vào hệ thống tài chính được xem là cơ hội tốt không chỉ cho thanh toán điện tử mà còn cho cả nền kinh tế.

- Ông cảm nhận như thế nào về Việt Nam khi sống và làm việc ở đây?

- Đầu tiên, thực sự ấn tượng khi mình được chào đón vô cùng nồng hậu. Là người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, tôi có nhiều đặc quyền và quan trọng hơn là có cơ hội để hòa mình vào nền kinh tế cũng như hiểu được những điều đang dần thay đổi trong đời sống xã hội, con người Việt Nam. Nói chung, người Việt Nam rất lạc quan và nhiều khát vọng, luôn nhìn về tương lai và phấn đấu cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Năm ngoái, trong một chuyến đi dài 500km đến vùng biên giới phía Bắc, tới những ngôi làng hẻo lánh, tôi đã được truyền cảm hứng rất nhiều bởi sự yêu đời và tinh thần vui vẻ của người dân nơi đây.

Song, nếu để chọn ra điều ấn tượng nhất đó là tinh thần sẵn sàng đón nhận và trải nghiệm những điều mới mẻ. Tại một cuộc khảo sát mới đây của VISA về việc sử dụng thiết bị di động trong thương mại điện tử, có tới 60% người tham gia khảo sát đã từng mua sắm online qua điện thoại di động. Đây thực sự là một con số lớn, bởi cách đây 16 năm mới chỉ có 200.000 người tại Việt Nam có kết nối với internet.

- Xin cảm ơn ông.

ĐỖ DOÃN (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161005/nguoi-viet-luon-khat-vong.aspx