Người Việt không có thói quen đọc sách?

Với một đất nước hơn 90 triệu dân mà mỗi năm người dân chỉ đọc 100 triệu bản sách ngoài sách chuyên môn là điều rất đáng quan ngại.

Tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?” do Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 19/4, nhiều đại biểu cho rằng đã đến lúc cần nhìn nhận lại của người Việt. Với một dân tộc hơn 90 triệu dân mà mỗi năm người dân chỉ đọc 100 triệu bản sách ngoài sách chuyên môn là điều rất đáng quan ngại.

Các diễn giả tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ"

Các diễn giả tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ"

Theo số liệu do Cục Xuất bản Việt Nam thống kê trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách. Trong số này có trên 300 triệu bản (75%) là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho 2,2 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước. Như vậy, 90 triệu dân của Việt Nam mỗi năm đọc chừng 100 triệu cuốn sách.

Thêm một thông tin đáng chú ý mà tọa đàm đưa ra là hiện nay Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Trong khi khối Đông Nam Á có 3 nước là Singapore, Malaysia và Indonesia thuộc top này.

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM cho hay, theo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, có tới 44% người Việt thi thoảng mới đọc sách tới 26% người không đọc sách. Điều này cho thấy văn hóa đọc của người Việt đang còn quá thấp.

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, thực trạng này phần chính là do người Việt không được tạo môi trường để hình thành thói quen đọc từ nhỏ. Tại các trường học, giờ đọc sách chưa thực sự được chú trọng, nguồn sách đa phần chưa phù hợp hay đủ độ hấp dẫn để cuốn hút học sinh.

“Tại các nước phát triển trong khu vực, tiết đọc sách cho học sinh đã được đưa vào chương trình chính khóa trong khi ở Việt Nam chúng ta điều này mới chỉ xuất hiện nhỏ lẻ và đa phần do các trường tự làm. Theo tôi, Bộ GĐ-ĐT cần nghĩ đến việc sớm đưa giờ đọc sách vào chương trình chính khóa để giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách”, ông Lê Hoàng nói.

Nhiều diễn giả cho rằng, muốn thay đổi tình thế, cả gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo môi trường để trẻ hình thành thói quen đọc sách càng sớm càng tốt. Nguồn sách tại thư viện cũng cần đa dạng, hấp dẫn hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học sinh.

Người giáo viên, thủ thư phải là người tạo chất xúc tác giúp việc đọc sách của trẻ thực sự hiệu quả và giờ đọc bao giờ cũng thú vị chứ không phải là hoạt động đối phó cho xong./.

Mỹ Dung/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-viet-khong-co-thoi-quen-doc-sach-900086.vov