Người Việt khởi xướng giải thưởng khoa học trị giá 4,5 triệu USD

Thông tin trên được đưa ra tại Chương trình Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo giải thưởng khoa học VinFuture ngày 18/1 tại Hà Nội. Cũng tại buổi giao lưu, nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đã góp mặt chia sẻ câu chuyện về niềm đam mê, những thành tựu và sự hi sinh của người làm khoa học.

Tại buổi giao lưu, Giáo sư vật lý Sir Richard Henry Friend (Đại học Cambridge, Anh Quốc), là người sở hữu khoảng hơn 20 bằng sáng chế, với hơn 164.000 trích dẫn khoa học trong các công bố khoa học uy tín trên thế giới và là tác giả/đồng tác giả hơn 1.000 ấn phẩm khoa học, là một trong các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới và là thành viên Hội đồng Giải thưởng của nhiều giải thưởng uy tín quốc tế bày tỏ rõ niềm vui khi được mời tham gia Hội đồng chấm giải giải thưởng khoa học VinFuture của Việt Nam.

Chương trình giao lưu ngày 18/1.

Chương trình giao lưu ngày 18/1.

“Ban đầu tôi nghĩ chỉ có khoảng 200 đề cử tham gia giải thưởng. Thế nhưng, vượt qua kỳ vọng của tôi, đã có 599 hồ sơ tham dự. Điều này cho thấy giải thưởng có sức hút và sự ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới”, Giáo sư Friend chia sẻ. Còn Giáo sư Albert P.Pisano (Đại học California Hoa Kỳ), đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo của giải thưởng VinFuture, cho hay: “Tôi hi vọng cả thế giới sẽ hiểu được sự khác biệt của giải thưởng này. Cả thế giới đã có ghi nhận với người Việt Nam. Giải thưởng đã thể hiện ở các hạng mục tinh tế, thu hút sự quan tâm của mọi người. Giải thưởng này cũng không chỉ dừng lại ở khoa học mà còn đưa khoa học đến thực tiễn. Đó cũng là cách tiếp cận nhân văn”.

Cũng tại buổi giao lưu, những vị giáo sư người Việt nổi tiếng thế giới đã chia sẻ câu chuyện ít người biết về hành trình đến với nghiên cứu đỉnh cao. Đó là những câu chuyện đời thường, về sự hy sinh, vượt qua khó khăn tưởng chừng như không thể để đi đến thành công. Đơn cử, là cuộc đời làm khoa học của Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, vị đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo giải thưởng VinFuture. Hành trình của nữ giáo sư gốc Việt từ miền quê nghèo, sang Mỹ với vốn từ tiếng Anh gần như bằng con số 0 đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, Khoa Hóa và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, từng được bình chọn là Trí tuệ khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới nhiều năm liền và thuộc Top 1% nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics. Con đường theo đuổi đam mê nghiên cứu của bà là cả mồ hôi và nước mắt khi phải vượt qua quá nhiều ánh mắt ác cảm và thậm chí coi thường.

Từ một người rửa dụng cụ thí nghiệm, bằng ngọn lửa đam mê, nhà khoa học gốc Việt đã trở thành Giáo sư tại Đại học California (Santa Barbara, Mỹ) với những công trình nổi tiếng thế giới như vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ. Trong buổi nói chuyện, nữ giáo sư đã phần nào nhắc về lý do bà và nhiều giáo sư tham gia Hội đồng Sơ khảo đến với giải thưởng trước đó thế giới chưa từng biết đến. Trong nhiều nguyên do, bà Quyên muốn thực hiện sứ mệnh tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trên Trái đất hưởng lợi từ giải thưởng này.

Quỹ VinFuture là quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương. Quỹ có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.

Vào Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại – 20/12/2020, Quỹ đã thành lập Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu Vinfuture. VinFuture ghi nhận sự tham gia của 60 quốc gia ở 6 châu lục, trong đó số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm một tỷ trọng lớn 52,6%. Việt Nam cũng có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án.

Giải thưởng tiếp nhận 599 dự án tham gia tranh giải. Những vấn đề mà các dự án tập trung giải quyết bao gồm công nghệ y sinh để ứng phó với đại dịch, ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, sáng tạo vật liệu mới để lưu trự và sản xuất năng lượng sạch và giá rẻ, nông nghiệp bền vững, công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn nước sạch cho các nước nghèo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh hiểm nghèo và tạo ra các cơ hội bình đẳng trong giáo dục.

Hệ thống giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó giải thưởng chính - trị giá 3 triệu USD - và là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới; 3 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn USD dành cho các nhà khoa học nữ; các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới. Đây là điểm khác biệt nhân văn của VinFuture trong bối cảnh có rất ít giải thưởng tầm cỡ, giá trị lớn tôn vinh và cổ vũ cho các nhà khoa học ở những “vùng trũng” hoặc phải đối diện với nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/nguoi-viet-khoi-xuong-giai-thuong-khoa-hoc-tri-gia-4-5-trieu-usd-i641997/