Người Việt đón Tết xa nhà: 'Thương nhau là thấy Tết'

Đối với nhiều người Việt xa quê hương, Tết truyền thống mang một 'phong vị' đặc biệt không thể thay thế.

“Tôi còn nhớ như in Tết năm đầu tiên xa Việt Nam. Chúng tôi - mấy anh em người Việt trong ký túc xá phải tính toán rất sớm rằng sẽ chuẩn bị những gì, chuẩn bị như thế nào...

Trong suốt buổi tối ngày hôm ấy, tiếng bài hát Happy New Year của ABBA cứ được tua đi tua lại trên chiếc laptop cũ của một người anh trong nhóm chúng tôi. Đồng hồ kêu điểm 12 giờ, mọi người nâng ly chúc mừng năm mới nhau. Hai cô bạn gái sang cùng với tôi năm ấy đã ôm nhau khóc.”

Đó là lời kể của Kristina Trần, khi được hỏi lần đầu tiên đón Tết xa nhà thì thấy thế nào. Là du học sinh tại Cuba suốt 7 năm, giống như nhiều người Việt xa xứ, cô thường xuyên không đón tết truyền thống cùng người thân.

Nhớ mùi Tết, nhớ không khí gia đình sum họp

Các du học sinh Việt Nam đón năm mới ở Cuba. (Ảnh: NVCC)

Các du học sinh Việt Nam đón năm mới ở Cuba. (Ảnh: NVCC)

Kristina nói thêm: “Dần dần những năm sau, tôi đã có khái niệm thế nào là Tết xa nhà. Không ở Việt Nam thì khó nhìn thấy đào quất, hay cờ Tổ quốc treo khắp đường phố. Nhớ nhất là không khí bên gia đình, khoảnh khắc đếm ngược sang năm mới. Vì cách nhau nửa vòng trái đất nên ở nhà đã xúng xính váy áo sang năm mới rồi thì đến 12h trưa ngày hôm sau chúng tôi mới được tập trung đếm ngược... Cảm giác kì lạ và có phần hụt hẫng”.

Đối với Lê Thị Thanh, du học sinh tại Hàn Quốc, Tết Việt Nam là những ngày tất niên tắm lá mùi với niềm tin gạt bỏ vận đen rủi, đón 1 năm mới nhiều may mắn. “Mùi thơm của cây cỏ đem lại cảm giác rất dễ chịu và khiến tôi nhớ, vì ở một đất nước xa lạ thì việc kiếm ra đồ ăn quê hương còn khó nữa là loài cây này.”

“Em nhớ cảm giác bận rộn dọn nhà, làm cơm cúng, sắm sửa trang hoàng nhà cửa. Nhớ không khí đông vui trước cửa nhà, khi khu nhà em họp chợ tết. Nhớ ông bà, bố mẹ. Thương bố mẹ Tết đông khách, không có em ở nhà phụ việc” – Quỳnh Anh, Thạc sĩ kinh tế tại trường RUDN, Nga cho biết.

Với Thanh, câu chuyện Tết xa xứ gắn với biến cố lớn. “Sang Nga du học được một ngày thì mẹ mình bị tai nạn và phải cấp cứu ở viện. Bố mình đã mất trong lần mình đi học trước đó, nên rất lo sợ mất đi người thân, muốn bỏ về luôn ngay lập tức. Nhưng mọi người trong gia đình không ai đồng ý. Tết năm đó lại xa nhà và khóc một mình.”

Thanh nói trong thâm tâm lúc nào cũng chỉ muốn ở nhà ăn Tết cùng gia đình, được nấu những món ăn ngày Tết, đi chúc Tết. “Mình nghĩ ngày Tết là ngày của gia đình, dành riêng cho gia đình.”

Đối với nhiều người Việt xa quê hương, Tết truyền thống mang một “phong vị” đặc biệt không thể thay thế.

Mọi thứ đều được đơn giản hóa

Nhóm sinh viên Việt đón Tết tại nước bạn. (Ảnh: NVCC)

Nếu không phải ở những nước cũng đón Tết âm lịch, người Việt ở nước ngoài “tranh thủ” đón Tết trong khi vẫn phải đi học, đi làm. Bận rộn, thiếu vắng gia đình và sống ở nơi khác biệt về văn hóa, họ cùng tập hợp nhau làm nên những cái Tết giản dị và ý nghĩa.

“Mọi người cùng nhau chuẩn bị một vài món ăn ngày tết cho mâm cỗ giao thừa theo giờ Việt Nam, tự gói bánh chưng, nguyên liệu thì mua ở chợ người Việt khá đầy đủ. Rồi rủ nhau làm vài món liên hoan… Gần tới giao thừa ở Việt Nam, mình hay gọi điện về cho gia đình để hỏi thăm và cùng mọi người chúc Tết. Xa nhà, mình vẫn làm những gì mình thích vào dịp lễ này, nhưng giản dị hơn” – Kim Ngân, du học sinh tại Australia cho biết.

Dù nguyên liệu nấu ăn cũng như những thành phần khác để làm “Tết cho ra Tết” không phải ở nước nào cũng sẵn có, hoặc giá thành đắt đỏ, sự chia sẻ và hướng về nguồn cội của cộng đồng người Việt vẫn giúp họ có những cái Tết xa nhà đặc biệt.

Hoàng Yến, du học sinh tại Nga cho biết các đơn vị trường đại học ở đây cũng quan tâm tổ chức các chương trình Tết để du học sinh bớt nhớ nhà, với nhiều hoạt động phong phú và kỳ công. “Đó là một không khí thực sự rất Tết, rất Việt Nam. Được tạo nên bởi những con người nhỏ bé nhưng tràn đầy sự lạc quan và trách nhiệm.”

‘Thương’ nhau là thấy Tết

“Em cảm thấy Tết ở đâu cũng thật vui và ấm áp nếu ở đó có những con người cùng nguồn cội, cùng hòa nhập với nhau, cùng nhau nâng ly rượu mừng năm mới, cất vang khúc hát giao thừa và trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp” – Yến nói thêm.

Theo cô, ai xa nhà cũng đều thèm cảm giác đón tết ở quê hương mình. Nhưng những người xa nhà, như du học sinh, không phải cứ muốn là về được, và “cần mạnh mẽ và bản lĩnh nhất là trong thời khắc tết đến xuân về”.

Quỳnh Anh ở xứ xở Bạch Dương cùng chia sẻ cảm giác tủi thân, “vì ở nhà đón tết còn em vẫn ngày ngày lóc cóc lội tuyết đi học”.

“Nhưng mình cũng có những người bạn thân luôn đồng hành với mình, có người yêu thương chăm sóc nên cảm giác cái Tết xa nhà nhưng cũng không xa xôi. Chúng mình cùng nấu những món ăn truyền thống ngày tết, cùng đi chợ Việt, cùng tụ tập để xem Táo quân đón giao thừa. Chỉ vậy thôi là đủ vơi những người con xa xứ rồi” – Yến nói.

Những người xa xứ cùng nhau đón Tết. (Ảnh: NVCC)

Nhóm PV

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/nguoi-viet-don-tet-xa-nha-thuong-nhau-la-thay-tet-ar523026.html