Người viết chuyện cổ tích giữa đời thường

Suốt 10 năm qua, biên tập viên Hồng Thúy là người dẫn dắt chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt - Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH). Nhiệt huyết, lạc quan, mạnh mẽ; luôn đau đáu nỗi đau của người khác và rất kiệm lời khi nói về mình - đó là điều dễ nhận thấy và cảm nhận được khi gặp gỡ Hồng Thúy.

Nhà báo Hồng Thúy và những đứa trẻ vùng cao. Ảnh: Bích Nhàn

Nhà báo Hồng Thúy và những đứa trẻ vùng cao. Ảnh: Bích Nhàn

Chị là nhà báo đầu tiên dưới 40 tuổi được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2019 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội từ thiện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

* Hành trình của nước mắt và nụ cười

Hơn 20 năm trước, Trương Thị Hồng Thúy (quê Quảng Bình) chọn học ngành báo chí vì đam mê. Chị ước muốn với nhiệt huyết của tuổi trẻ, những điều tốt - xấu trong xã hội sẽ được phân định bằng ngòi bút. Sau đó, chị về thực tập tại Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và trở thành phóng viên chính thức, chuyên viết mảng xã hội. Cái tên Hồng Thúy dần được khẳng định với những đề tài về cuộc sống dân sinh. Tuy nhiên, bước ngoặt trong nghề lẫn cuộc sống của nữ nhà báo này là vào thời điểm tháng 6-2011 khi chị được chọn là người dẫn dắt chương trình phát thanh thực tế Sát cánh cùng gia đình Việt.

“Tôi bắt đầu kể về cuộc đời của những nhân vật mà mình thực hiện bằng âm thanh. Và nước mắt cũng bắt đầu rơi. Tôi cũng nhận ra rằng, điều khắc nghiệt nhất của nghề phát thanh là giọng đọc. Trong khi giọng của mình chưa chuẩn, còn trọ trẹ” - chị Hồng Thúy nhớ lại.

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM chia sẻ: “Đồng cảm, thấu hiểu và phải hành động như là sự thôi thúc của trái tim - đó là thành công của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt. Hồng Thúy là một trong những linh hồn của chương trình, đã đem lại sức sống và thành công cho chương trình đó”.

Chỉ sau vài chương trình, có thính giả đã gọi điện thoại đến Đài phản ánh gay gắt, nếu còn nghe giọng Hồng Thúy nữa thì họ sẽ... chuyển kênh. Những tưởng lời góp ý ấy sẽ khiến Hồng Thúy tổn thương rồi từ bỏ vì ai cũng biết - không dễ gì để thay đổi một chất giọng. Nhưng không, Hồng Thúy đã lau nước mắt, xin được nói chuyện với vị thính giả đó và bắt đầu hành trình chinh phục thính giả. Chị Hồng Thúy nhớ lại: “Tôi đã khóc nức nở sau lời góp ý của vị thính giả đó nhưng không phải để bỏ cuộc mà là cố gắng thay đổi. Mình đã tập đọc mọi lúc mọi nơi. Những từ không chuẩn, mình cứ lẩm bẩm suốt ngày. Bởi yếu tố làm nên một chương trình phát thanh thực tế hay, thu hút chính là sức mạnh của giọng nói”.

Vậy là sau 10 năm, không chỉ vị thính giả khó tính ấy mà bao thính giả nghe đài khác đã bị chinh phục bởi chất giọng của biên tập viên Hồng Thúy, một chất giọng vẫn chưa chuẩn nhưng chạm đến trái tim người nghe, khiến họ phải thổn thức. Từ đó, Hồng Thúy và chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

* Sẽ dừng lại khi nào... không còn người nghèo nữa!

Trung bình mỗi năm, nhà báo Hồng Thúy và ê-kíp của mình có gần 200 chuyến đi khảo sát đến mọi vùng miền của Tổ quốc. Tròn 10 năm qua, hiếm hoi lắm chị mới có được những ngày nghỉ cuối tuần. Đơn giản, vì những lá thư, những cuộc gọi của người nghèo khắp nơi gửi đến. Nhiều người thường gọi chị là “cô tiên của người nghèo” nhưng biên tập viên Hồng Thúy chưa từng nhận danh xưng đó.

Chị Hồng Thúy (thứ 2 bên trái) cùng ê-kíp chương trình khảo sát xây cầu ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Bích Nhàn

Quả thực, Hồng Thúy không phải là cô tiên vì không có cô tiên nào lại miệt mài livestream bán gấu, bán mũ bảo hiểm và cả bán nhớt... để có thêm quỹ giúp đỡ cho người nghèo. Công việc đó, chính chị cũng không ngờ rằng mình sẽ làm và đã làm rất tốt. Và cũng nhiều lần chị mất ngủ vì lo cho an toàn của mọi người trong suốt những chuyến xe đi đến vùng bão lũ, vùng núi cao mà đường lại sạt lở...

Anh Hoàng Thông (TP.HHCM) - một thính giả và cũng là tình nguyện viên của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt chia sẻ: “Tôi trực tiếp cùng chị Hồng Thúy và ê-kíp lội bộ hàng chục km trên những con đường rừng xa xôi, hẻo lánh. Tôi rất cảm phục cô ấy và luôn tự hỏi: Tại sao một cô gái chân yếu tay mềm như vậy lại có thể vượt qua được những gian khó, lại còn động viên mọi người cố gắng vượt qua những khó khăn. Tôi nghĩ điều đó xuất phát từ tình thương giữa con người với con người”.

Bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân, nguyên giám đốc Trung tâm y tế H.Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) nhận xét, Hồng Thúy đã chọn một nghề thật đặc biệt. Cô ấy biết nén cảm xúc để hoàn thành công việc, cho đến khi bài lên sóng, cảm xúc ấy mới ùa ra theo giọng đọc. Người ta hay dùng chữ “nghề nghiệp”. Cái nghề làm nên một Hồng Thúy. Nhưng sống được lâu dài và nhiều người mến mộ, ắt cô ấy phải sống trải lòng với nhân vật, dõi theo bước thăng trầm trong cuộc sống của người đó, gia đình đó sau khi phỏng vấn và giúp đỡ.

40 tuổi, 19 năm theo nghề báo, trong đó có 10 năm dành trọn những tháng ngày thanh xuân cho người nghèo trên khắp mọi vùng miền của đất nước. Nhiều người từng hỏi nhà báo Hồng Thúy có mệt mỏi không khi những chuyến đi liên tục và đầy gập ghềnh? “Tôi biết mệt chứ! 10 năm ròng rã ấy đã lấy đi của tôi không ít, nhất là sức khỏe. Nhiều lần bác sĩ có chỉ định tôi cần nghỉ ngơi vì chân bị giãn tĩnh mạch nghiêm trọng. Và tôi cũng nghe lời bác sĩ với lý do cho chân nghỉ ngơi… trên tàu hỏa vì phải đến với trường hợp rất cấp bách” - nhà báo Hồng Thúy cười nói.

Nhưng theo suy nghĩ của chị Thúy thì trường hợp nào gọi đến Đài cũng cấp bách. Chị không thể dửng dưng hay thờ ơ vì ai đó tha thiết: “Cô ơi, xin cô hãy cứu giúp gia đình tôi!”. Đã có khi, chỉ sau một ngày mổ nội soi, nhiều người lại thấy Hồng Thúy nén đau để quay trở lại với công việc...

Với sự dẫn dắt của nhà báo Hồng Thúy trong 10 năm qua, chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã để lại những dấu ấn trong chăm lo cho người nghèo trên cả nước. Trong đó, hơn 150 tỷ đồng được đóng góp; hơn 30 ngàn bệnh nhân nghèo được mổ mắt miễn phí; hơn 1 ngàn căn nhà tình thương được xây; gần 140 cây cầu nông thôn bằng bê tông vững chắc nối nhịp bờ vui, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các xã nghèo…

Những con số này chắc chắn sẽ không dừng lại khi nhà báo Hồng Thúy cùng ê-kip Sát cánh cùng gia đình Việt vẫn tiếp tục rong ruổi đến mọi miền quê nghèo khó của đất nước.

Bích Nhàn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202106/nguoi-viet-chuyen-co-tich-giua-doi-thuong-3062473/