Người viết cho tuổi 13+

Văn học thiếu nhi ở ta còn né những xúc cảm giới tính. Nhưng có một nhà phê bình văn học 8x lại quyết đi vào con đường người khác ngại đi. Bởi Thanh Tâm Nguyễn tin rằng sử dụng văn học như một phương tiện để giáo dục giới tính là hướng đi hợp lí và ý nghĩa.

Nhà nghiên cứu, TS Thanh Tâm Nguyễn

Bí mật tuổi trăng non” là tác phẩm mới chào đời của Thanh Tâm Nguyễn (tên thật Nguyễn Thanh Tâm). Đặc biệt, tác phẩm phê bình văn học này có ghi chú: Dành cho lứa tuổi 13+, khảo sát ở những tác phẩm văn xuôi ra đời từ đầu thế kỷ xx đến nay (năm 2018).

Ngay từ lời mở đầu cô đã khiến người khác giật mình khi khẳng định luôn: “Trong không gian rộng rãi của tình yêu, xúc cảm giới tính là “hốc kín” không phải ai cũng nhìn thấy và chấp nhận khi đã nhìn thấy. Nhưng đó là một phần tâm hồn tất yếu mà mỗi đứa trẻ mang theo trong hành trình làm người. Ý nghĩa của việc hiểu biết và thừa nhận rung động đầu đời của trẻ không hề nhỏ, vì qua mỗi đứa trẻ, “có thể chúng ta sẽ tìm thấy chìa khóa dẫn đến sự tiến bộ, và biết đâu đấy đến cả cuộc khởi đầu của một nền văn minh mới nữa”.

Nhà nghiên cứu, tiến sỹ sinh năm 1982 cho rằng, nếu người lớn chỉ nghĩ về trẻ em theo nghĩa trong trắng, tinh khôi, bé bỏng là chưa đủ, “chưa chạm tới chân tơ kẽ tóc thế giới xúc cảm của lứa tuổi này”. Để chứng minh cho điều mình nói, cô vin ngay câu thơ Hoàng Cầm: “Em mười hai tuổi đi theo chị/Qua cầu Bà Sấm, bến Cô Mưa”. Không ai có thể chối cãi trước lí luận của cô: “Hình ảnh cậu bé con lẽo đẽo theo chị qua vườn ổi và biểu tượng ám ảnh của chiếc lá diêu bông là sự ghi nhận và cũng là lời tự thú chân thành của trái tim sớm đập theo nhịp rung giới tính”.

Ngay chính người được lòng lứa tuổi học trò nhất, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng xác nhận: “Trong bộ sách 23 cuốn vẫn được gọi là “bộ sách dành cho tuổi mới lớn” của tôi, có khá nhiều tác phẩm liên quan đến đề tài này, bởi các nhân vật chính trong bộ sách hầu hết là học sinh cấp ba (Mắt biếc, Đi qua hoa cúc, Hoa hồng xứ khác, Trại hoa vàng, Những cô em gái…) hoặc sinh viên (Còn chút gì để nhớ, Phòng trọ ba người…). Ngay cả trong bộ Kính vạn hoa chủ yếu viết về học sinh cấp hai cũng thấp thoáng những tình cảm đó”.

Đọc “Bí mật tuổi trăng non” mới thấy Thanh Tâm Nguyễn là một nhà phê bình văn học trẻ tuổi nhưng không ngại va chạm. Cô nhận định, văn xuôi thiếu nhi Việt Nam là mảng sáng tác “vốn dĩ đã “bất ổn” ngay từ tên gọi”.

Thanh Tâm Nguyễn đi thẳng vào câu hỏi: “Thế nào là văn học thiếu nhi?”. Cô thống kê một số đáp án thường thấy: Văn học thiếu nhi là văn học cho thiếu nhi/về thiếu nhi rồi phân tích để thấy sự bế tắc của chúng. Từ đó, cô đưa ra đề xuất nên quan niệm văn học thiếu nhi một cách cởi mở hơn để “thiếu nhi có cơ hội đứng trước nhiều lựa chọn thị hiếu đọc của mình. Bản thân nhà văn cũng sẽ sáng tác với sự bung tỏa của cảm hứng sáng tạo…”.

Cũng thông qua khảo sát của mình, Thanh Tâm Nguyễn cho thấy học trò Việt chịu nhiều thiệt thòi, giai đoạn 1930-1945 rất ít tác giả sáng tác cho thiếu nhi. Giai đoạn 1945-1975 xuất hiện nhiều tên tuổi viết cho bạn nhỏ như Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Tô Hoài, Đoàn Giỏi… nhưng “tìm sự hiện diện của xúc cảm giới tính trong văn học thời này là điều khó khăn”. Đến nay, dù có nhiều thuận lợi trong sáng tạo nghệ thuật nhưng Thanh Tâm Nguyễn đánh giá: Vẫn còn quá ít nhà văn Việt “dám thừa nhận tính khách quan và sự phát triển sinh động đang diễn ra hàng ngày trong từng cá thể trẻ là vấn đề cần xem xét”.

Tập sách “Bí mật tuổi trăng non”

Tuy nhiên, Thanh Tâm Nguyễn ghi nhận một cách thành thực những đóng góp, những thành công của một số tác giả/ tác phẩm ở đề tài xúc cảm giới tính trẻ bằng những phân tích, khảo sát nghiêm túc ẩn dưới những tựa bài dễ thương: “Bắt hình những cơn gió vàng mười của tuổi ngọc”; “Nơi mùa gieo hạt tương tư”; “Muôn mặt trăng non”…

Theo nhà văn Trần Đức Tiến đề tài xúc cảm giới tính trẻ ít nhận được sự quan tâm của các nhà văn Việt bởi: “Có lẽ trước hết vì khó. Ranh giới giữa cái đẹp, sự trong sáng với cái dung tục ở đây rất mong manh. Viết cho hay một đề tài nhạy cảm, đòi hỏi sự tinh tế như thế thật không dễ”.

Vì sao Thanh Tâm Nguyễn vẫn quyết cày xới ở một mảnh đất kém màu mỡ, thậm chí người ta còn ngại ngần thừa nhận? Bởi ngoài tình yêu văn chương, cô còn mang trên mình trọng trách trồng người.

Hiện tại, Thanh Tâm Nguyễn đang là Phó trưởng khoa Giáo dục Mầm non- ĐH Sư Phạm Huế: ““Tôi mượn thuật ngữ “trăng non” trong tứ thơ của Targore để nói về trẻ em, và hẳn nhiên những rung động đầu đời của các em sẽ làm nên những mùa trăng xanh vừa xa xôi vừa gần gũi”.

Đào Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-nghe/nguoi-viet-cho-tuoi-13-1328905.tpo