Người Việt chi tiêu hoang phí: Nhất thời hay bản tính?

Con số hơn chục nghìn tỉ đồng mỗi năm chi cho đồ cúng, vàng mã dường như vẫn chưa ngừng tăng và càng không phản ánh hết thói quen tiêu tiền trời ơi đất hỡi đang ngày một khó hiểu của người Việt.

Chưa bao giờ chúng ta lại chứng kiến sự hiện diện ê hề của tiền bạc ở một xứ mà vừa mới đây thôi, chiến tranh và nghèo đói còn đeo đẳng đến ám ảnh.

Dành 12% thu nhập để... ăn sáng

Không chỉ đồ cúng, vàng mã trong những dịp lễ Tết, người Việt vẫn đang mạnh tay chi tiêu cho hàng trăm thứ việc, vừa có tên vừa không tên, vừa mới vừa cũ: Ma chay hiếu hỉ, nhà lầu xe hơi, thời trang hàng hiệu, tiệc tùng ăn uống, vui chơi giải trí… Dĩ nhiên, sức mua phục vụ tiêu dùng và các nhu cầu vật chất thường ngày một tăng cao cho thấy một nền kinh tế đang lên, xã hội phát triển, người dân lắm tiền nhiều của hơn. Nhưng nhiều tiền và cách tiêu tiền của một dân tộc còn tiết lộ các phẩm chất khác, trong đó có văn hóa, có chiều sâu ứng xử và sự trưởng thành, chín chắn nhận thức.

Người Việt đang mải dành tiền cho việc ăn uống. Đứng hàng đầu thế giới về uống rượu bia, thuộc tốp cao các nước sử dụng thuốc lá, dành khoảng 12% thu nhập để ăn sáng…, người Việt, nhất là ở các đô thị, không hề kém cạnh các quốc gia khác khi muốn “ăn chơi xả láng”. Ở Hà Nội, như tôi thấy, không gì dễ dàng hơn là mở một quán ăn uống và cũng không nơi nào ồn ào tấp nập cho bằng các quán bia hơi, lẩu, nướng… Từ quán ốc bình dân cho đến các nhà hàng sang trọng, từ cánh gà rán vỉa hè và mới đây là đồ ăn nhanh, từ phố cổ nức tiếng các món ăn truyền thống đến các khu phố ẩm thực hiện đại, giờ nào và lúc nào cũng rặt người. Nếu chỉ vào nhu cầu ăn, quán ăn, khách ăn thôi, tôi tin không một ai dám bĩu môi chê người Việt tiết kiệm đến mức nhịn ăn nhịn uống.

Người Việt cũng đang vung tiền cho cưới xin, tang ma. Những đám cưới “khủng” liên tục xuất hiện. Hàng trăm cỗ bàn, cả ngàn khách mời không còn lạ ngay cả với đám cưới ở làng quê nông thôn. Riêng trong giới “showbiz”, đám cưới còn là dịp để trưng cho thiên hạ thấy tiếng tăm, uy thế của bộ cánh mới, kiểu tóc mốt, thậm chí cả thắt lưng và đồng hồ xịn. Tại sao showbiz Việt, vốn đi sau và học đòi rất nhiều chiêu trò từ các nước khác, trong đó có Hàn Quốc, lại chưa có một ai dùng đám cưới của mình như là dịp để khuyến khích người khác hướng đến một ý niệm cưới xin tinh giản, nhẹ nhàng như cách hai nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng Bi Rain và Kim Tae Hee từng thực hiện vào đầu năm 2017?

Phải chăng chúng ta giàu có hơn hay vì chúng ta có một tập tục cưới xin nhiêu khê, phức tạp hơn? Tôi nghĩ, có thể, chúng ta đang sĩ diện hão nhiều hơn, đang chăm chút quá mức cho vẻ ngoài “bằng chị bằng em”, cho tâm lí kì quặc “miếng giữa làng bằng sàng trong bếp”, cho thói a dua “hơn bạn hơn bè”. Phung phí cưới xin và tang ma, vì thế, không nhằm tới niềm vui, hạnh phúc hay nỗi buồn đau thực sự của đời sống, mà chủ yếu để thỏa mãn cái tôi hợm hĩnh, phô trương.

Trong chừng mực nào đó, chính ở các địa phương, nơi dễ bị cái mới thao túng, lại là khu vực mà sự tiêu pha rất khó kiểm soát. Không khó để bắt gặp các lễ hội cấp địa phương, các sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng kéo dài suốt trong năm. Những đồng tiền chắt bóp nhanh chóng chuyển vào đồ lễ, vàng mã, vào chuyện bói toán, cầu may, vào cái gọi là thành tâm cúng dường… Trong khi không ngừng than thở về các khoản phí gia tăng, người lao động lại mặc nhiên coi hiện tượng trên là cần thiết. Có lẽ, tự bản chất, họ không đủ nhận thức thấu đáo rằng đâu mới là nỗ lực đáng kể để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bàn tay nào đủ sức can thiệp?

Đồ cúng và tục đốt vàng mã được viện cớ do truyền thống sinh ra. Nhưng cái cách “chế tạo” truyền thống bằng việc vẽ vời muôn hình vạn trạng thì chỉ gần đây mới có. Đồ vàng mã hiện nay không thiếu một thứ gì theo kiểu “trần sao âm vậy”. Bi hài hơn, tính cách trọng thần, đa thần và quan niệm vạn vật duy linh cổ xưa đã biến tướng trở thành sự mê tín, mê muội đến rồ dại. Chuyện “rắn thần”, “cá thần” gây xôn xao dịp Tết vừa qua là biểu hiện của một tâm tính bất thường, thiếu tỉnh táo, suy xét. Một xã hội trọng duy lí, đang dự sẵn quyết tâm bước vào thời đại công nghệ 4.0 mà sức nặng thần linh, thần thánh vẫn váng vất trong đầu thì khó mà chung đường văn minh cho tất cả.

Sự bất an, bất ổn về sinh kế liệu là căn nguyên khiến người Việt đánh mất đức tính tiết kiệm như sách vở vẫn ca ngợi? Những rủi ro thị trường, nhu cầu tìm kiếm vận may, hay sâu xa hơn, cảm giác bất lực trong việc chế ngự bệnh tật, đau ốm; cảm giác thua cuộc, bỏ rơi, ngoài lề trong chuyện mưu sinh khiến chúng ta phải tìm đến sự bảo trợ của các sức mạnh siêu hình? Dù gì đi nữa, chính xã hội thị trường đang tiếp sức cho một số hình thức tiêu dùng quá đà trỗi dậy. Bởi thế, sẽ phải xem xét các “nguồn cung”: giữa hàng ngàn địa điểm hành hương và lễ hội, đâu là nơi chốn kinh doanh tâm linh trá hình? Một hệ thống quản lí văn hóa dày đặc từ cấp xã đến tỉnh như hiện nay hẳn phải nhìn thấu thay vì thả lỏng ?

Kinh doanh vàng mã, thực tế, không có gì sai nhưng nếu mặt hàng này luôn bị kích cầu thì cần nghĩ cách vận hành phù hợp. Rất có thể phải đánh thuế cao mặt hàng này, như thuốc lá và bia rượu, để người tiêu dùng cũng biết giật mình khi quẳng chúng vào lò đốt. Rộng hơn, để một cộng đồng dồn sức hơn với bảo hiểm y tế, với các khoản phí tạo phúc lợi xã hội, với phí giáo dục, với phí bảo vệ môi trường, tóm lại, với những gì tất yếu cho một xã hội lành mạnh, an toàn thì nhất thiết phải kiểm soát đầu tư vào việc phục dựng truyền thống. Bởi trong sự trở lại của các giá trị truyền thống, không ít chỉ là vỏ bọc cho tệ lậu lỗi thời chen vào. Chúng ta cũng phải tự thấy việc phân tán tiền của cho người chết và thần linh, rõ ràng, không thể là một phép tính khôn ngoan. Còn quá nhiều thứ cần đến tiền bạc để hiện tại và tương lai không bị vênh lệch, thiếu thốn, ấu trĩ.

Thực ra, đã và sẽ có những thế hệ hành động khác đi. Tôi đang chứng kiến khá nhiều người trẻ lựa chọn lối sống tối giản, trọng tự nhiên, thích chia sẻ, nhường bớt hơn là chú mục vật chất, thụ hưởng. Kiến thức, hiểu biết và việc làm của họ đang truyền cảm xúc, cảm hứng thay đổi cho bao người. Họ khiến tôi thêm hi vọng rằng tiếng nói của những người biết chi tiêu có văn hóa sẽ làm mờ đi bao cảnh tượng tiêu xài vô độ đang bày chật trước mắt. Đó chắc chắn là sự can thiệp hữu ích và hiệu quả nhất.

Mai Anh Tuấn

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/kham-pha/nguoi-viet-chi-tieu-hoang-phi-nhat-thoi-hay-ban-tinh/201803220911511p1c879.htm