Người Việt chi tiền cho y tế ở mức 'thảm họa'?

Vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam tổ chức Hội thảo Cơ chế tài chính, nhằm tăng cường tiếp cận các giải pháp công nghệ mới trong chăm sóc sức khỏe.

Người dân vẫn phải chi trả khá nhiều tiền cho các dịch vụ y tế.

Người dân vẫn phải chi trả khá nhiều tiền cho các dịch vụ y tế.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, cùng với mức tăng trưởng kinh tế cao trong ba thập kỷ qua, hệ thống y tế của Việt Nam liên tục phát triển. Đồng thời, đạt được những thành tựu quan trọng, đáp ứng thách thức mới về nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân.

Các chỉ số sức khỏe, chỉ số chất lượng y tế công cộng đã thể hiện rõ kết quả của sự phát triển này, như tuổi thọ trung bình ngày càng cao. Thậm chí, tỷ lệ này cao hơn nhiều với các nước có cùng điều kiện về kinh tế - xã hội. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm, việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngày càng được cải thiện, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt trên 90% dân số vào năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Chính phủ và Bộ đang có nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời, đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ thống y tế.

Lãnh đạo ngành Y tế nhấn mạnh, một trong những thách thức hiện nay là tỷ lệ chi tiền túi từ người sử dụng dịch vụ y tế còn cao. Theo báo cáo, tỷ lệ chi tiền túi chiếm khoảng 43% tổng chi tiêu y tế trong năm 2017. Điều này là minh chứng cho thấy, quỹ BHYT không bảo đảm bao phủ toàn bộ nhu cầu. Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và mức độ bao phủ về tài chính còn hạn chế.

Ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện tại, 90% dân số đã có thẻ BHYT. Song, chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm 43%.

Theo ông Khảm, đây là tỷ lệ khá cao so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tại các nước phát triển, tỉ lệ này là 14%. Trong khi đó, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vấn đề này là khoảng 20%. Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế nhận định, tình trạng này khiến nhiều gia đình bị nghèo hóa hoặc tái nghèo sau khi điều trị.

“Mục tiêu của Việt Nam là giảm tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ xuống còn 35% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Song, đây là thách thức rất lớn”, ông Khảm cho biết.

Theo ông Khảm, để giảm tỷ lệ chi tiền túi, người dân phải tăng mức đóng để mở rộng phạm vi chi trả, tăng quyền lợi khi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tăng lên bao nhiêu phần trăm lương cơ sở, tăng nhóm nào trước… là những việc đòi hỏi nghiên cứu, tính toán thận trọng theo lộ trình. Trong năm nay, Việt Nam chưa điều chỉnh mức đóng BHYT. Mức đóng hiện tại là 4,5% lương cơ sở.

Ông Lê Văn Khảm cho biết, Bộ Y tế cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan đang xây dựng dự án sửa đổi Luật BHYT. Trong đó, đề xuất quỹ BHYT chi trả cho một số hoạt động khám sàng lọc như bệnh tiểu đường, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và một số bệnh ung thư nếu có hiệu quả cao khi can thiệp sớm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Kim Phương - chuyên gia của WHO tại Việt Nam, nhận định, so với các nước tiên tiến, mức chi tiêu cho y tế từ túi tiền của người dân Việt Nam đang ở mức rất cao. Theo chuyên gia này, khi khoản chi cho y tế từ túi tiền của người dân bằng hoặc lớn hơn 40% khả năng chi trả của hộ gia đình, đó là điều “mang tính chất thảm họa”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/nguoi-viet-chi-tien-cho-y-te-o-muc-tham-hoa-TUgFlllMR.html