Người Việt bốn phương

Chương trình 'Gặp gỡ Việt Nam' lần thứ 14, với trọng tâm Hội thảo 'Khoa học để phát triển', đã thu hút 150 nhà khoa học danh tiếng trên thế giới.

“Gặp gỡ Việt Nam” - kết nối các nhà khoa học người Việt

Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14, với trọng tâm Hội thảo “Khoa học để phát triển”, đã thu hút 150 nhà khoa học danh tiếng trên thế giới, các nhà khoa học người Việt ở trong và ngoài nước tham dự. Theo Giáo sư Trần Thanh Vân, Việt kiều Pháp, Việt Nam rất cần sự giúp sức của cộng đồng khoa học quốc tế. Ông hy vọng các nhà khoa học chia sẻ những nghiên cứu, phát hiện mới đồng thời truyền tải tri thức khoa học, niềm say mê sáng tạo đối với cộng đồng khoa học trong nước.

Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập, suốt 25 năm qua đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với giới khoa học quốc tế, đồng thời hỗ trợ cho sự giao lưu, hợp tác quốc tế nhằm phát triển nền khoa học và giáo dục của Việt Nam. Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” đã phối hợp chặt chẽ với Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp để xây dựng 3 Làng trẻ em SOS tại Đà Lạt năm 1974, Huế năm 2000 và Đồng Hới năm 2006 và thành lập Quỹ học bổng “Gặp gỡ Việt Nam - Vallet”.

Hội thảo “Nhà khoa học trẻ Việt Nam” tại Hàn Quốc

Hội thảo nhà khoa học trẻ Việt Nam (ACVYS) năm 2018 do Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) tổ chức đã thu hút gần 100 công trình nghiên cứu đến từ các nhà khoa học Việt Nam tại Hàn Quốc. Theo VSAK, 2018 là năm đầu tiên Ban tổ chức trao giải thưởng cho nhà khoa học trẻ xuất sắc (VYSK Awards) để tôn vinh các cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc. Điểm nhấn của ACVYS 2018 là workshop về “Lưu trữ và chuyển đổi năng lượng” quy tụ các giáo sư đầu ngành, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phát triển và ứng dụng năng lượng xanh bền vững.

ACVYS 2018 bao gồm các công trình nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học trẻ, với tính ứng dụng thực tiễn cao trong các lĩnh vực: khoa học đời sống, y sinh, hóa học và kỹ thuật hóa học, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật xây dựng và môi trường, công nghệ thông tin - điện tử viễn thông, khoa học vật liệu... Hội đồng Khoa học, các nhà khoa học đầu ngành đã thẩm định và tuyển chọn các bài báo chất lượng sắc nhất của mỗi một lĩnh vực để trao giải Best Presentation.

Ba người Việt được Nhật hoàng tặng huân chương Thụy Bảo

Nhật hoàng năm 2018 đã trao huân chương Thụy Bảo cho 140 người nước ngoài. Việt Nam có 3 người được nhận huân chương này. Giáo sư Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, được tặng huân chương Thụy Bảo Vàng vì những đóng góp cho sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Nhật và Việt Nam, thúc đẩy sự hiểu biết về Nhật tại Việt Nam. Hai người Việt Nam khác được trao huân chương Thụy Bảo Bạc (Silver Rays) là ông Nguyễn Hữu Tài và bà Ngô Phương Lan. Cả hai từng là cán bộ Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam.

Huân chương Thụy Bảo được trao từ năm 1888, là tặng thưởng của Nhật hoàng dành cho những cá nhân nước ngoài (học giả, nhà giáo dục, người nước ngoài làm việc lâu năm tại Nhật) có đóng góp vào sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội Nhật, đóng góp cho sự phát triển quan hệ giữa Nhật với quốc gia của người được trao huân chương.
Giáo sư Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam. Năm 1967, ông sang Nhật du học. Sau khi lấy bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi, ông ở lại Nhật và làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật. Sau đó, ông trở thành Phó Giáo sư và Giáo sư Đại học Obirin. Từ năm 2000 đến nay, ông là Giáo sư Kinh tế Đại học Waseda (Tokyo). Mặc dù sống ở Nhật hơn 40 năm, ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Ông Thọ tham gia Tổ tư vấn kinh tế và Ban nghiên cứu chính sách thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Ông là sáng lập viên Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Ngày 28.7.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ định Giáo sư Trần Văn Thọ là 1 trong 16 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

Lần thứ 2, Hội Người Việt Nam ở Ibaraki dự Lễ hội Giao lưu văn hóa

Cộng đồng người Việt Nam ở Nhật và rất đông người dân Nhật đã cùng thưởng thức các màn biểu diễn thời trang áo dài, các món truyền thống của Việt Nam, tại Lễ hội Giao lưu văn hóa, tại thành phố Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật. Lễ hội Giao lưu văn hóa được tổ chức hơn 30 năm qua tại thành phố Tsukuba. Đây là lần thứ 2, Hội Người Việt Nam khu vực Ibaraki tham gia lễ hội này. Nhiều năm qua, bằng các hoạt động giao lưu, văn hóa đã góp phần không nhỏ cho tình hữu nghị giữa Việt - Nhật.

Trưởng Ban Liên lạc hội người Việt khu vực Ibaraki, ông Cao Sỹ Luân, được TTXVN dẫn lời, đã hoan nghênh sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban tổ chức, đã dành cho Việt Nam 1/200 gian trưng bày, giới thiệu văn hóa, cùng tiết mục biểu diễn tại sân khấu chính của lễ hội. Gian trưng bày của Việt Nam thu hút rất đông người dân Nhật, khách nước ngoài tới tham quan, thưởng thức các món ăn truyền thống. Văn hóa Việt Nam ngày càng được người dân Nhật đón nhận. Hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa của hội người Việt Nam khu vực Ibaraki đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế tại Tsukuba, “Thành phố Khoa học của Nhật”, nơi tập hợp nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu của thế giới.

Sứ quán Việt Nam tại Algeria khai giảng lớp dạy tiếng Việt

Một lớp dạy tiếng Việt đã được Sứ quán Việt Nam tại Algeria khai giảng tại Thủ đô Algiers, với khoảng 30 học viên, từ 10-50 tuổi theo học. Mục đích của việc mở lại lớp học tiếng Việt lần này là giúp cho con em các gia đình người gốc Việt tại Algeria và những võ sinh môn Võ cổ truyền Việt Nam có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Sứ quán hy vọng, thông qua ngôn ngữ, các thành viên lớp học sẽ thêm hiểu về văn hóa và gắn bó hơn với đất nước Việt Nam.

Hiện lớp học do cán bộ Đại Sứ quán Việt Nam tại Algeria luân phiên đứng lớp. Giáo trình cũng được chuẩn bị gồm tài liệu dạy tiếng Việt thực hành cho người nước ngoài kèm hình ảnh, rất dễ học và hiểu cho đối tượng mới bắt đầu học tiếng Việt.

Hơn 1.000 kiều bào và người dân Campuchia được khám bệnh miễn phí

Đoàn thiện nguyện gồm các bác sĩ người Việt và người Campuchia của bệnh viện Chak Angre, đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho hơn 1.000 bà con Việt kiều và người dân nghèo trên địa bàn tỉnh Kép.

Hoạt động thiện nguyện do một số doanh nghiệp, cơ quan Việt Nam và doanh nghiệp Việt kiều tài trợ. Việc đoàn thiện nguyện giúp chăm lo sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo tỉnh Kép ghi nhận và coi đây là hành động ý nghĩa, thể hiện tình hữu nghị, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia.

Ngành y tế Campuchia đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn. Một tin vui cho cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia, đầu tháng 5.2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia, Mam Bun Heng đã ban hành thông báo công nhận bằng bác sĩ do Việt Nam cấp. Trong thông báo mới này, Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia Mam Bun Heng, cho biết, sau khi rà soát và sửa đổi với sự đồng ý của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Bộ Y tế đã quyết định công nhận bằng bác sĩ được các tổ chức pháp lý trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam chứng nhận.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-583-3324087