Người về từ mặt trận Khe Sanh

Trên con đường lầy lội sau cơn mưa, một người đàn ông một tay cầm túi ni lông đựng cuốn vở, tay còn lại xách dép, xăm xăm tiến về phía những nóc nhà sàn cheo leo trên vách núi để động viên con em của các gia đình tới trường học cái chữ. Đó là ông Hồ Văn Xang (ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị), một người lính 'Bộ đội Cụ Hồ' đã nhiều năm gắn bó với vùng đất Khe Sanh.

Ông Hồ Văn Xang với những kỷ niệm một thời cùng đồng đội giải phóng Khe Sanh. Ảnh: Trúc Hà

Ông Hồ Văn Xang với những kỷ niệm một thời cùng đồng đội giải phóng Khe Sanh. Ảnh: Trúc Hà

Ký ức lửa

Có thể nói, cuộc đời của ông Hồ Văn Xang gắn trọn với Khe Sanh. Theo cách mạng làm liên lạc từ năm 13 tuổi. Bước chân ông Hồ Văn Xang từng in dấu khắp các vùng rừng Đắkrông, Hướng Hóa. Năm 18 tuổi, Hồ Văn Xang lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh. "Hồi đó, tôi có mặt ở hầu hết các cứ điểm chủ chốt như đồi Không tên, đồi 500, đồi Động Tri, cho đến làng Vây, sân bay Tà Cơn...". Ông kể chuyện ngày xưa mà như thể hôm qua, tay vung lên, hạ xuống, ánh mắt lâu lâu lại rực sáng khi kể về một trận đánh giáp lá cà khiến kẻ thù phải kinh hồn bạt vía. Những năm 1967, 1968, một lượng lớn quân tinh nhuệ của Mỹ-ngụy được điều động đến đóng chốt ở Khe Sanh, nhằm phong tỏa biên giới Việt - Lào, cô lập hai miền Nam - Bắc. Lúc bấy giờ, Mỹ-ngụy đóng ở 3 cụm cứ điểm chính, gồm: Làng Vây, Khe Sanh và sân bay Tà Cơn. Cùng với vũ khí tối tân, chốt giữ tại hàng trăm cứ điểm bao quanh Hướng Hóa, nhằm tạo nên hàng rào phòng thủ bất khả xâm phạm. Trong đó, cứ điểm đồi 500, đồi Động Tri vừa trực tiếp bảo vệ sân bay Tà Cơn, vừa để kiểm soát các cứ điểm khác trên toàn địa bàn. "Chúng có vũ khí tối tân thì ta chiến đấu bằng tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Quân và dân mình có những tay súng thiện xạ bắn máy bay, bao vây bắn tỉa, chặn đánh giao thông với chiến thuật lúc ẩn, lúc hiện, gây nhiều thiệt hại cho quân địch, làm cho tinh thần của chúng bị dao động. Thời điểm khoảng tháng 2-1968, ta đánh chiếm được nhiều cứ điểm khiến địch phải co cụm tại sân bay Tà Cơn, mặt đất lúc đó nham nhở hố bom, không còn một gốc cây, bụi cỏ". Thế nhưng, ông và đồng đội đã đi qua chiến tranh như một phép màu, bởi: "Thời ấy, cầm súng đánh giặc để giành tự do, độc lập, để được gặp Bác Hồ. Hình ảnh Bác Hồ luôn hiện hữu như động lực thôi thúc tôi tiến lên phía trước. Và dường như, với niềm tin ấy, tôi đi qua mọi lằn ranh giữa cái chết và sự sống một cách nhẹ nhàng cho đến ngày chiến thắng" - Ông bộc bạch tâm trạng.

Chống "giặc đói", "giặc dốt"

45 năm sau ngày Khe Sanh giải phóng, không ít những người lính từng xông pha lửa đạn năm xưa giờ phần lớn đã khuất núi và ông Hồ Văn Xang là một trong số rất ít người cầm súng còn gắn bó với Khe Sanh đến tận bây giờ. Hòa bình, ông chọn mảnh đất cheo leo bên bờ suối, gần thị trấn Khe Sanh - nơi có nhiều kỉ niệm gắn bó máu thịt trong những năm kháng chiến để sinh sống. Trong ngôi nhà của mình, ông dành nơi trang trọng nhất đặt một chiếc tủ gỗ cũ cất giữ những kỉ vật chiến tranh. "Mấy năm trước, tôi tiếp rất nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Khe Sanh, có cả phóng viên nước ngoài đến thăm. Tôi đã dẫn họ đi khắp Khe Sanh. Đến đâu, người ta cũng ngạc nhiên về sự hồi sinh nhanh chóng của mảnh đất này. Người ta hỏi sức mạnh nào để chiến thắng, tôi nói đó chính là niềm tin của người lính Cụ Hồ".

Tượng đài chiến thắng Khe Sanh. Ảnh: Internet

Cả cuộc đời, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đến năm 1985, Hồ Văn Xang nghỉ hưu với cấp bậc Đại úy. Dẫu tuổi cao, sức yếu, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát, nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thôn, xã cho đến huyện. Ông cứ suy nghĩ mãi về hoàn cảnh của nhiều đứa trẻ bị thất học, cứ quanh quẩn vòng đời khổ cực như cha mẹ: "Lớn lên trong nghèo đói, lấy vợ, dựng một mái nhà tre, làm đôi ba sào ruộng rẫy khô cằn, rồi sinh con, rồi lại lớn lên trong nghèo đói". Ông hiểu rằng, muốn giúp họ, trước hết, mình phải làm cho kinh tế của mình khấm khá. Khấm khá mới giúp được mọi người và mọi người mới tin điều mình nói. Nghĩ là làm, ông bắt tay vào làm giàu từ việc trồng tre măng, lúa nước, chăn nuôi gia súc... Chục năm quần quật với nương rẫy, hai vợ chồng ông cũng có của ăn của để và cơ ngơi để "người ta trông vào". Từ đó, ông bắt đầu tham gia giúp đỡ người nghèo, trẻ em khuyết tật do di chứng chất độc da cam. Ông không chỉ động viên, mà còn hỗ trợ các em tới trường. Câu cửa miệng của ông mỗi lần nhắc các cháu học hành là: "Thời ông cầm súng đuổi giặc xong rồi, thời các con cháu phải cầm bút để xây dựng quê hương giàu mạnh. Chỉ có cái chữ mới mang lại sự đổi thay toàn diện và bền vững". Vào đầu năm học mới, bà con dân bản lại thấy ông tất bật đến tận từng nhà nhắc nhở, động viên các cháu tới trường. Gia đình nào khó khăn, ông cho mượn tạm ít tiền sắm sửa quần áo cho con đến lớp. Ông làm mà không tính toán thiệt hơn.

Ở vào tuổi 69, ngày ngày, ông Hồ Văn Xang vẫn lên rẫy cuốc đất trồng lúa, trồng tre lấy măng. Ông bảo, bây giờ hết chiến tranh rồi, bên cạnh việc phát triển kinh tế, phải phủ xanh những khoảnh rừng trơ trụi, dày đặc hố bom. Đó chính là lý do nhiều năm nay, ông xuôi bản ngược rừng, vừa cần mẫn lao động, vừa động viên bà con dân bản tích cực tham gia bảo vệ rừng, cho con cái tới trường học chữ. 45 năm trước, Khe Sanh có nhiều nơi bị địch rải chất độc hóa học khiến cây cổ thụ cũng chỉ trơ gốc thì nay đã được phủ lên một màu xanh ngát. Cuộc sống hồi sinh ngày càng hiện rõ trên mảnh đất từng được coi là tọa độ chết, bởi chất lính Khe Sanh trong những con người như Hồ Văn Xang chưa bao giờ tắt.

Trúc Hà - Vĩnh Yên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-ve-tu-mat-tran-khe-sanh/