Người vẽ mỹ nữ trên vải hoa hiếm thấy ở Việt Nam

Ở triển lãm cá nhân tới đây, diễn ra từ ngày 23/11-22/12, tại TP Hồ Chí Minh, họa sỹ Nguyễn Minh Nam sẽ trình làng một phong cách mới, hiếm thấy ở Việt Nam: Vẽ trên vải hoa. Qua đó, anh chủ trương khai thác yếu tố văn hóa cung đình hòa quyện dòng chảy văn hóa hiện đại.

Cung tần mỹ nữ

Cung tần mỹ nữ

Triển lãm có chủ đề: “Sự tồn tại”. “Tồn tại mang ý nghĩa rộng lớn. Tôi muốn nói về sự tồn tại của những cái đã tồn tại, đang tồn tại và tiếp tục tồn tại”, Nguyễn Minh Nam chia sẻ. Anh có tham vọng đi vào cả những tồn tại vô hình, tồn tại âm - dương. Thí dụ, ở bức tranh tâm đắc “Sự tồn tại của hoàng hậu Nam Phương”, Nguyễn Minh Nam muốn chuyển thông điệp: Hoàng hậu đã lìa xa trần thế từ rất lâu nhưng bà vẫn tồn tại trong ký ức của nhân gian, thấp thoáng đâu đó trong không gian bao la này... 15 bức tranh trình làng đều nhằm đưa ý đồ nghệ thuật của tác giả: “Tôi muốn chuyển tải cả sự vô hình trong nghệ thuật. Nghệ thuật ẩn hiện chập chờn lúc có, lúc không”. Khán giả đừng thắc mắc vì sao những bức tranh sơn dầu trên vải hoa của Nguyễn Minh Nam từ “Giấc mơ”, “Vườn tiệc”, “Truyện kể”, “Tâm sự”, “Dòng thời gian 2”... đều không rõ ràng, hư hư, thực thực.

Họa sỹ khẳng định: Việc vẽ trên nền vải hoa khá mới mẻ ở Việt Nam, “hầu như chưa có ai làm”. Trong triển lãm lần trước, Nguyễn Minh Nam đã thử sức vẽ trên nền vải trơn. So với vẽ trên nền vải trơn thì vẽ trên nền vải hoa khó khăn hơn nhiều: “Vải hoa lùng nhùng, khi dựng hình lên khó nhìn, rối mắt, tôi phát huy trí tưởng tượng nhiều mới quản lí được chúng”. Nguyễn Minh Nam muốn những bông hoa trên vải góp phần làm nên diện mạo bức tranh, không muốn chúng bị phủ kín bởi sự sáng tạo của người nghệ sỹ: “Phức tạp ở chỗ, làm sao vừa nhìn thấy vải hoa, vừa nhìn thấy tranh của mình”, họa sỹ tâm sự.

Vẽ trên vải hoa là công cuộc sáng tạo cực kỳ tốn kém thời gian. Ngay khâu chọn vải đã đòi hỏi sự công phu, những tấm vải tham gia trong triển lãm “Sự tồn tại” lần này được lựa chọn tại Hà Nội. “Nhưng tôi không bao giờ vào chợ chọn vải, vải được bán trong chợ quá mỏng, không phù hợp với yêu cầu của tôi. Tôi hướng tới vải rèm nên thường vào các cửa hàng lựa chọn”, Nguyễn Minh Nam kể. Những tấm vải được anh lựa thường là vải nhập khẩu với giá thành khá cao từ dăm trăm đến triệu đồng/m2. Sau khi lựa chọn được những tấm vải ưng ý, họa sỹ tiếp tục công đoạn thứ 2: Dùng các loại hóa chất dành cho hội họa để xử lý vải, sao cho hai mặt đều có khả năng ngăn màu, khi họa sỹ cầm cọ vẽ lên, màu “đứng” hoàn toàn: “Không thể vẽ ngay lên vải hoa được, để nguyên vậy, màu sẽ bị vải “nuốt chửng”. Lượng màu sau khi lên vải chỉ còn 30 phần trăm. Vải chưa xử lý giống như miếng đất khô cực kỳ háo nước”, Nguyễn Minh Nam lí giải.

Đến nay họa sỹ đã có 6 triển lãm cá nhân. Triển lãm lần thứ 5 mới diễn ra đầu năm, tại Đức. Mỗi một triển lãm, Nguyễn Minh Nam đều cố gắng để mình trở nên mới mẻ, không gây nhàm chán: “Tính tôi thích khác người, cứ “giống người” tôi không chịu”, anh nói vui. Ý tưởng ra đời triển lãm “Sự tồn tại” bắt đầu từ mùa thu năm ngoái. Nguyễn Minh Nam vào Hội An vẽ 2 tháng. Bức cuối cùng anh viết chữ linh tinh lên nền toan, sau đó bắt đầu vẽ. Bức tranh hoàn thành, Nguyễn Minh Nam ngồi ngắm và nhận thấy: “Chẳng có gì mới mẻ, hình thức này cũng đã được những nhà thiết kế thời trang lẫy lừng sử dụng rồi”. Bỗng anh bật ra ý nghĩ: Tại sao không thay thế nền toan bằng cái gì có sẵn trong cuộc sống, thí dụ vải hoa chẳng hạn. Vui mừng vì ý tưởng độc, lạ Nguyễn Minh Nam trở ra Hà Nội, bắt tay ngay vào công cuộc săn lùng vải hoa.

Họa sỹ Nguyễn Minh Nam

Trong “Sự tồn tại” Nguyễn Minh Nam vẫn tiếp nối ám ảnh về sự đối lập về văn hóa giữa quá khứ và hiện tại. Bức tranh có tên gợi đời sống cung đình “Cung tần mỹ nữ”, Nguyễn Minh Nam vẽ 4 người phụ nữ, hậu cảnh là 3 người phụ nữ ăn mặc truyền thống, trung tâm là một cô gái hiện đại ngồi trên ngai vàng, tất cả hòa nhập trong không gian vàng son của cung điện. Thông điệp của Nguyễn Minh Nam: Văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại luôn đan xen, cùng tồn tại. Nếu quan sát bức tranh “Sự tồn tại của hoàng hậu Nam Phương” hay “Cung tần mỹ nữ”, khán giả sẽ nhận thấy vải hoa phát huy tác dụng tích cực thế nào trong tái tạo khung cảnh xa hoa của một thời.

15 bức tranh, chủ yếu ở khổ 160cmx120cm, sẽ đưa người xem vào cõi nửa thực, nửa mơ, nhập nhòe trong không gian vô định. Nhưng chỉ cần tỉnh táo bạn sẽ nhận ra, phần lớn nhân vật trong tranh Nguyễn Minh Nam là đàn bà. Qua 6 triển lãm tranh cá nhân, họa sỹ này đã chứng tỏ phát ngôn của mình có sức nặng thực tế: “Tôi yêu
phái đẹp”.

Sự tồn tại của Hoàng hậu Nam Phương

[ Đào Nguyên ]

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nguoi-ve-my-nu-tren-vai-hoa-hiem-thay-o-viet-nam-1344539.tpo