Người vẽ 'mặt nạ thời gian'

Về Hội An, lang thang trên những con phố, du khách không thể bỏ qua một nét đẹp vô cùng đặc biệt, đó là gian hàng 'mặt nạ thời gian' của ông Phong Hội An. Mỗi chiếc mặt nạ không chỉ lưu giữ một nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc mà còn vẽ nên một thông điệp về một cuộc sống muôn màu.

Về Hội An, lang thang trên những con phố, du khách không thể bỏ qua một nét đẹp vô cùng đặc biệt, đó là gian hàng "mặt nạ thời gian" của ông Phong Hội An. Mỗi chiếc mặt nạ không chỉ lưu giữ một nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc mà còn vẽ nên một thông điệp về một cuộc sống muôn màu.

Mỗi một chiếc "mặt nạ thời gian" đều có một câu chuyện và thông điệp của riêng ông.

Mỗi một chiếc "mặt nạ thời gian" đều có một câu chuyện và thông điệp của riêng ông.

Giữ hồn văn hóa Việt

Căn nhà nhỏ nằm trên đường Bạch Đằng ở phố cổ Hội An đã trở thành một không gian đầy màu sắc dưới bàn tay trang trí của ông Bùi Quý Phong (1956), người dành cả đời cho những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống. Khi được hỏi về cơ duyên với "mặt nạ thời gian", ông Phong chia sẻ, ông bén duyên với nghề làm mặt nạ giấy và đầu lân đất từ khi còn trẻ. Gắn bó với nghề hơn 20 năm, ông bước vào một thử thách mới, làm đạo diễn sân khấu kịch tuồng cổ. "Se duyên" với nghệ thuật sân khấu được hơn 20 năm, trăn trở với nghệ thuật truyền thống và tâm huyết giữ hồn văn hóa Việt, ông Phong quyết định từ bỏ nghề đạo diễn để quay về với chặng đường còn đang dang dở: "mặt nạ dân gian". "Mặt nạ thời gian" là kết hợp tuyệt vời giữa hai niềm đam mê đã từng của ông là vẽ mặt nạ và sân khấu tuồng.

"Đất nước nào cũng có văn hóa mặt nạ, và chính văn hóa mặt nạ đó nó giới thiệu đến du khách nước ngoài một cách nhanh chóng nhất về hình ảnh văn hóa của người dân Việt. Quảng bá văn hóa mặt nạ là cách đưa văn hóa gần gũi nhất với con người, mỗi chiếc mặt nạ được đưa đến tay du khách là một nét văn hóa được quảng bá đi một lần". Ông Phong chia sẻ bằng chất giọng Quảng Nam chân chất.

Hơn nửa đời người, ông Phong luôn tâm niệm mình sẽ là một người kể lại những sắc thái của mặt nạ tuồng, mặt nạ dân gian Việt Nam theo cách truyền thống của con người Việt, không bị lai căn, không na ná, không bị ảnh hưởng với những mặt nạ Kinh kịch đang đầy rẫy ngoài kia. Mỗi chiếc mặt nạ là một "đại sứ" cho văn hóa Việt, mộc mạc, đơn giản, để mỗi người xem, dù biết nhiều hay ít về nghệ thuật tuồng, nhìn vào đó cũng có thể dễ dàng cảm nhận được cái hồn của nét văn hóa Việt.

Vẽ câu chuyện thời gian qua mặt nạ

Mặt nạ của ông Phong rất đa dạng, từ mặt nạ tuồng, mặt nạ truyền thống cho đến những phong cách mới được ông học theo những họa sĩ nổi tiếng trên thế giới.

Tuy mang phong thái mặt nạ khác nhau, nhưng chúng đều có một điểm chung, được ông Phong gọi là "mặt nạ thời gian". Bởi nhìn vào đó ta có thể thấy được thời gian. Thời gian có thể hôm qua, hôm nay, ngày mai với những ước vọng về một nét văn hóa còn đang được lưu giữ, nhưng cũng có thể là vô cùng, vô tận, xa như những câu hát tuồng, hát bội ngân lên ở mảnh đất này thời xưa vọng về. Mỗi chiếc mặt nạ đều lưu giữ cho mình một tâm trạng, một câu chuyện, một linh hồn chính là khoảnh khắc thời gian mà chúng được hình thành bởi tâm trạng của nghệ nhân.

"Tôi bán mặt nạ chính là bán câu chuyện về số phận của mỗi mặt nạ cho du khách. Mỗi chiếc mặt nạ đều có một câu chuyện và thông điệp của riêng chúng. Như câu chuyện về chiếc mặt nạ "Cuộc đời" với 4 con cá từ lớn đến bé đang cố gắng ăn thịt lẫn nhau. Hay như chiếc mặt nạ "Chịu đựng" với nửa khuôn mặt là nam, nửa khuôn mặt là nữ, với hai màu trái ngược nhau, đang cùng vun đắp cho một trái tim đang căng tràn hạnh phúc ở giữa, mọi thứ đang kể lên một câu chuyện về cuộc hôn nhân cần có sự chịu đựng lẫn nhau thì mới hòa hợp thành một hạnh phúc viên mãn...", ông Phong luận giải.

Căn nhà cổ trên đường Bạch Đằng hiện giờ đang có hơn 300 chiếc mặt nạ khác nhau, làm bằng giấy bồi do chính tay ông Phong thể hiện. Và cũng tại đây, có rất nhiều chiếc mặt nạ đã theo du khách về những vùng đất khác nhau trên thế giới, để sống một cuộc đời, để kể về một số phận, một câu chuyện trong một không gian, thời gian hoàn toàn mới.

Ông Phong chăm chút từng sản phẩm.

Nỗi niềm 5 năm cuối chặng đường

Đến năm 70 tuổi, ông Phong dự định sẽ tạm gác lại những nét vẽ thời gian trên những chiếc mặt nạ để dành cho mình một khoảng ký ức tuổi già với con cháu. Nói vậy, nhưng trên khuôn mặt còn đang dính một chút màu sơn, còn vương vấn điều gì đang trăn trở, 5 năm nữa ông có thể thực hiện được tâm huyết gìn giữ nét văn hóa cổ truyền này hay không?

"Bây giờ, nói tôi nghỉ, tôi nghỉ liền. Nhưng tôi buồn một chuyện, khi tôi nghỉ thì không còn ai vẽ mặt nạ thời gian, mặt nạ văn hóa nữa. Lúc đó nét văn hóa một thời sẽ đi về đâu? Trong hơn 10 học trò của tôi, tôi luôn dặn dò chúng rằng, ngày tôi rời khỏi "mặt nạ thời gian", tôi sẽ không mang bất cứ vốn liếng gì mang theo cả, chỉ mang đúng một thứ đó là khát vọng... Khát vọng những người học trò hãy phát huy nét đẹp văn hóa của mặt nạ Việt Nam...".

Được biết tháng 8 sắp đến, ông Phong sẽ gửi 5 chiếc mặt nạ tuồng cổ đến Huế để đi diễu hành đường phố trong Festival Huế 2020, 5 chiếc mặt nạ này được ông vẽ theo 5 sắc thái ngũ hành của đất trời. Và theo ông Phong, trong tháng 9 ông dự định sẽ vẽ chiếc mặt nạ tuồng để lập kỷ lục Việt Nam về chiếc mặt nạ có kích thước lớn nhất từ trước đến nay.

HOÀI SƠN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_226939_nguoi-ve-mat-na-thoi-gian-.aspx