Người 'vẽ' lại miền ký ức bằng… thơ

'Khúc hát của cha, lời hát ru của bà nội, những giai điệu lời ca: Thiên thai, Suối mơ… vang lên và hòa quyện vào tâm hồn tôi ngay từ khi còn là một đứa bé. Nó chính là nguồn năng lượng thôi thúc tôi cất lên tiếng ca, viết nên một điều gì đấy để lại cho cuộc đời và cho chính những đứa con của mình…' - đó là những trải lòng về nghiệp thơ ca của nhà thơ, nhà báo Trần Nhật Minh (bút danh Khánh Văn) hiện anh đang công tác tại kênh VTC14- Đài Truyền hình kỹ thuật VTC.

Đúng vào rằm tháng Giêng năm nay, tập thơ đầu tay của Trần Nhật Minh mang tên “Khúc hát cánh đồng” đã ra mắt độc giả tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16, diễn ra ở sân thơ trẻ Văn Miếu. Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp thi ca của Trần Nhật Minh. Tập thơ đánh dấu một bước ngoặt trong bút pháp của Khánh Văn “chuyển từ tài hoa sang mê sảng” - như lời của nhà ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ từng nhận xét về anh.

Nhà thơ, nhà báo Trần Nhật Minh

Ban đầu, tập thơ có tên là “Cánh chim Mặt Trời”, tên một vở ba lê mà năm xưa mẹ của anh đã biểu diễn. Tập thơ gồm gần 50 bài thơ được anh ấp ủ trong suốt 10 năm cầm bút của anh. Những bài thơ đầu tiên anh viết sau khi cha anh mất được vài tháng. Trong suốt 10 năm cho đến nay, số lượng bài thơ anh sáng tác lên tới cả nghìn bài nhưng anh chọn lọc và đưa vào tập “Khúc hát đồng xanh” chỉ 5 bài thơ mỗi năm.

Tập thơ được nhận sự quan tâm của các nhà thơ, nhà phê bình văn học với lời tựa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và lời bình của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Hầu hết những bài có trong tập này được viết theo thể tự do, ngôn ngữ hiện đại nhưng cũng rất truyền thống. Một đặc điểm chung nữa khi nói đến những bài thơ trong đây đều không dễ thuộc và không dễ cảm nhận ngay nhưng lại dội vào và ám ảnh vào tâm trí người đọc. Nội dung tập thơ gồm 3 phần: phần thứ nhất là ký ức về tuổi thơ gắn với cha và mẹ; phần thứ hai chính là những suy tưởng, linh cảm của nhà thơ; phần kết là cái tôi, cái nhìn về cuộc đời. Anh tâm sự về tác phẩm đầu tay này của mình: “Khúc hát cánh đồng” là chọn lọc một tiếng thơ riêng biệt.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ rằng “Những câu thơ đã làm tan biến mọi biên giới của không gian địa lý và mọi biên giới của cảm xúc thông thường. Những câu thơ làm tôi thực sự thấy lạnh người. Tâm hồn và trí tưởng tượng của tác giả đã vụt mở ra vô tận”.

Nhà thơ, nhà báo Trần Nhật Minh đọc thơ tại Sân thơ trẻ Ngày thơ Việt Nam

Với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì “Đọc tập thơ này của anh, tôi hiểu thêm hai chữ “thơ” và “ca”. Thơ Minh là những tiếng ca, lời ca vì tính nhạc phát ra trước hết từ trong lòng tràn vào câu chữ, hình ảnh, âm thanh. Thơ Minh nhiều cảm xúc, dòng tình cảm lan chảy trong những câu thơ có khi thừa thãi, tràn trề”

Chất thơ trong Trần Nhật Minh lấy nguồn cảm hứng để sáng tác chính là vùng đất xứ Đoài quê anh. Hình ảnh về con người, vùng đất Hà Tây hiện hữu trong tâm trí anh luôn đẹp đẽ và nên thơ. Đó là những triền đê ven sông Đáy, sông Nhuệ, chùa Hương linh thiêng, những làng nghề truyền thống và đặc biệt là những cánh đồng. Cánh đồng chính là tuổi thơ của Trần Nhật Minh. Tất cả những hình ảnh diễn ra trên một cánh đồng là những miền ký ức tuyệt đẹp. Ấy là những đứa trẻ đi theo chân cha ra đồng, những đứa bé đi mót lúa, tát cá, mùa gieo mạ, mùa lúa đòng đòng, mùa gặt thơm nức mùi rơm. Có lẽ chính tất cả những ký ức đẹp đẽ về làng quê theo anh và luôn thường trực trong anh, để bất chợt một lúc nào đó nó đã vang lên trong thơ Trần Nhật Minh.

Bìa sách Khúc hát cánh đồng

Sinh ra ở miền quê Hà Sơn Bình cũ, nay là ngoại thành Hà Nội, nhà thơ, nhà báo Trần Nhật Minh luôn da diết với cảnh vật, con người và cuộc sống nơi miền thôn quê. Gia đình có truyền thống làm nghệ thuật nên có lẽ Trần Nhật Minh được hưởng những tố chất nghệ sĩ từ cha và mẹ anh. Những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ được gắn liền với cánh đồng lúa, với con sông Đáy, sông Nhuệ đã bồi đắp cho anh một tình yêu quê hương sâu sắc. Trong thơ của anh, người ta dễ dàng nhận ra một chất thơ rất Trần Nhật Minh. Ấy là những ngôn từ hết sức bình dị, mộc mạc và hào sảng như chính con người anh hay như nhà báo Anh Vũ đã nhận xét về thơ và con người anh “Người hào sảng và thơ mê sảng”.

Nhà thơ, nhà báo Trần Nhật Minh cùng một số bạn bè trong ngày ra mắt tập sách

Ấp ủ đứa con tinh thần của mình trong suốt 10 năm trời, Trần Nhật Minh cũng như bao người nghệ sĩ khác mong tác phẩm của mình sẽ đến với tay công chúng nhiều hơn và được những những người yêu thơ đón nhận, chia sẻ. Với bản thân anh, tập thơ “Khúc hát cánh đồng” chính là lời cảm ơn với quê hương nơi mình đã sinh ra và cho anh vốn liếng ký ức đẹp đẽ, trong trẻo và tuyệt diệu. Qua “Khúc hát cánh đồng", anh cũng muốn khép lại cho mình một miền ký ức trong tuổi thơ có cả buồn vui, có cả mất mát, có cả những tin yêu và hy vọng. Những điều này với anh ở thời điểm cận kề “tứ tuần” chính là món quà vô giá mà ký ức đã ban tặng cho mình. “ “Khúc hát cánh đồng”, tên của bài thơ về miền quê, về tuổi thơ Minh, lấy làm tên tập thơ đầu tay, đã hàm chứa khá đầy đủ thơ Minh – thơ như một bản năng sống”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét.

Mỗi một chuyến đi công tác trong nghề báo của anh tới các vùng đất khác nhau chính là một “tín hiệu” khám phá, là một điều bí mật khiến anh tò mò tìm hiểu. Đó cũng chính là những dữ liệu anh cóp nhặt “trao” vào trong thơ. Trải lòng của một nhà báo về niềm đam mê thơ, Trần Nhật Minh chia sẻ “Có chuyến công tác dài tới nửa tháng trời nhưng nửa tháng đó cũng chính là dành cho những chuyến đi để được gặp những mảnh đất, những con người và thơ nằm ở trong những chuyến đi đó.”

Nếu không có gì thay đổi thì vào cuối mùa thu năm nay, tập thơ thứ 2 của anh mang tên “Gần hết mùa thu” sẽ ra mắt độc giả. Tập thơ mới sẽ mang một giọng điệu trong trẻo, một nỗi buồn man mác và đẹp cả về ngôn ngữ thể hiện cũng như tình cảm trong thơ.

Bảo Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/nguoi-ve-lai-mien-ky-uc-bang-tho-42061