'Người vác tù và' cùng hành trình giữ gìn văn hóa - Kỳ 2: Lưu giữ hồn phố…

Theo các chuyên gia văn hóa, TP được kiến tạo nên bởi những con người. Con người với nhận thức, tâm hồn, tính cách và văn hóa ứng xử thế nào sẽ tạo nên một TP như thế… 20 năm trước, ngày 16-7-1999, Hà Nội được UNESCO vinh danh là 'TP vì hòa bình'. Trong suốt chiều dài phát triển với hơn một nghìn năm lịch sử, Hà Nội cũng luôn tự hào và xứng đáng là 'Thủ đô nghìn năm văn hiến'.

Nét văn hóa Tràng An xưa trong con người Hà Nội hôm nay

Hà Nội đang những ngày chớm Thu – khoảng thời gian mà đối với rất nhiều người được xem là đẹp nhất. Đây cũng là mùa mà lượng khách du lịch tìm đến với Hà Nội nhiều nhất trong năm. Trong đó Hoàn Kiếm - quận thuộc “vùng lõi” của Thủ đô, với những khu phố cổ luôn là điểm đến hấp dẫn, điểm dừng chân không thể thiếu của rất nhiều du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.

Ở nơi đây ngoài vẻ đẹp của kiến trúc, truyền thống sinh hoạt đặc trưng trong những không gian bình dị của phố phường thì nét đẹp trong văn hóa ứng xử, nét thanh lịch của người Tràng An là nét đẹp riêng có đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Dĩ nhiên, văn hóa ấy - không phải chỉ riêng ngày một, ngày hai mà có, nét đẹp đấy không phải chỉ một người dựng xây mà thành. Văn hóa ấy đã phải trải qua cả một chặng đường dài lịch sử với sự chung tay góp sức của rất nhiều con người, rất nhiều thế hệ, trong đó có nỗ lực của các hòa giải viên.

Hà Nội đất chật người đông, “tấc đất” được ví như “tấc vàng”, thế nên dù không muốn, người ta vẫn phải cùng nhau chung sống trong từng khoảng không chật chội. Cũng bởi sự chật chội đó mà việc lấn chiếm, cơi nới để có thêm không gian sinh hoạt nhiều lúc đã không còn xa lạ với người dân phố cổ.

Tùy từng trường hợp mà các hòa giải viên lại vận dụng linh hoạt các cách thức giải quyết khác nhau để hòa giải. Với những trường hợp cố tình vi phạm thì một mặt hòa giải viên tuyên truyền, phân tích rõ ngọn ngành các quy định pháp luật liên quan, vừa kiên trì vận động, thuyết phục. “Có trường hợp đã có quyết định ngày mai tiến hành cưỡng chế tháo dỡ phần cơi nới, lấn chiếm, vi phạm thì buổi tối hôm nay, các hòa giải viên vẫn cố gắng đến nhà một lần nữa để vận động, thuyết phục người dân tự nguyện chấp hành mà không cần phải cưỡng chế.

Rồi cũng có trường hợp, một hộ dân lấn chiếm không gian sinh hoạt chung để ngồi bán gói thuốc, chén trà nhưng qua tìm hiểu, hòa giải viên biết được nguyên nhân là do hoàn cảnh khó khăn đưa đến. Quá trình hòa giải, ngoài việc phân giải đúng sai, hòa giải viên lại động viên, an ủi đồng thời vận động các hộ dân khác, trong cùng con ngõ tạo điều kiện giúp người ta trong cảnh khó khăn, hoạn nạn”, bác Nguyễn Huy Hùng, hòa giải viên phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm chia sẻ. Có lẽ chính từ cách hòa giải thấm đẫm chữ tình đó, cách đối xử với nhau đầy lòng bao dung, nhân ái đó nên ở phường Hàng Bạc, nhiều vụ tranh chấp, có vụ kéo dài nhiều năm đã được các hòa giải viên hòa giải thành công trong không khí hòa bình.

Nhấn mạnh đặc thù “đất chật người đông” của quận Hoàn Kiếm so với các khu phố khác của Hà Nội, hòa giải viên Vũ Thị Chi (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) cho hay, các sinh hoạt đời thường diễn ra hàng ngày, hàng giờ và rất dễ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn. Công việc của những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” bởi thế là công tác trong dân và rất cần sự sát sao kịp thời. “Có những câu chuyện rất nhỏ thôi, ví như chuyện gia đình nhà này nhóm bếp than, khói theo chiều gió hắt sang nhà bên cạnh, thế là cãi nhau. Rồi chuyện vứt rác, trước đây trên địa bàn phường cứ lúc nào có kẻng, thì các hộ mang rác ra xe rác đổ, bây giờ thay đổi mô hình, rác được đổ vào các thùng rác cố định. Nhiều nhà vứt rác tùy tiện, gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan chung nhưng khi có nhắc nhở thì đều không chịu nhận rác của nhà mình dẫn đến tranh cãi”, hòa giải viên Vũ Thị Chi kể.

“Những lúc như vậy, hòa giải viên lại vào cuộc phân giải đôi bên, động viên hộ gia đình chuyển sang dùng bếp điện để vừa bảo đảm cho sức khỏe gia đình mình, vừa không làm ảnh hưởng đến gia đình hàng xóm, ảnh hưởng đến môi trường sống. Còn đối với việc vứt rác tùy tiện, tổ hòa giải vừa thường xuyên nhắc nhở, góp ý, vừa tuyên truyền những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người dân phố cổ, vừa triển khai việc chụp hình ảnh làm dẫn chứng… Cứ thế kiên trì mỗi ngày một chút, mọi việc rồi dần cũng đi vào nề nếp”, hòa giải viên Vũ Thị Chi bày tỏ.

Hòa giải viên của quận Hoàn Kiếm chia sẻ kinh nghiệm hòa giải các vụ tranh chấp mâu thuẫn ở phố cổ với Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Lào.

Hòa giải viên của quận Hoàn Kiếm chia sẻ kinh nghiệm hòa giải các vụ tranh chấp mâu thuẫn ở phố cổ với Đoàn công tác của Bộ Tư pháp Lào.

Văn hóa ứng xử - Bắt đầu từ những việc nhỏ

PGS. TS Phạm Văn Tình trong một bài viết “Tiếng nói người Hà Nội” đã đưa ra nhận định rằng: “Cái lề của văn hóa giao tiếp từ ngàn năm Thăng Long vẫn còn đó. “Nó không hiển hiện như các di tích vật chất khác, như Văn Miếu, Tháp Rùa, tranh Hàng Trống hay Hoàng Thành Thăng Long mà ẩn chứa giá trị tiềm tàng như một di sản “hóa thạch” trong tâm khảm và nối truyền qua bao thế hệ”.

Cái lề ấy một phần được biểu hiện qua sự văn minh, thanh lịch trong cách con người ta ứng xử, đối đãi với nhau mỗi ngày.

Theo hòa giải viên Vũ Thị Chi, “văn minh, thanh lịch không phải là tiêu chí gì đó xa vời, quá tầm với mà ngược lại rất đỗi dung dị, đời thường. Sự văn minh, thanh lịch đó được biểu hiện trong muôn mặt của những sinh hoạt hàng ngày, từ lời ăn tiếng nói, từ cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình trong cùng khu phố. Vai trò của hòa giải viên không phải chỉ dừng lại ở việc là trung gian hòa giải khi có các tranh chấp, mâu thuẫn. Mà qua các vụ việc, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, các quy định của TP, tuyên truyền về quy tắc ứng xử, khơi dậy nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Tràng An”.

Tại quận Hoàn Kiếm, ngay từ năm 2009, Đề án “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” đã được quận xây dựng, triển khai. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong, “khơi dây nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ chính là khơi dậy cốt cách, cái hồn của phố cổ Hà Nội với nét văn hóa ứng xử thanh lịch đặc trưng trong giao tiếp, sinh hoạt”. Trong đó chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử gắn với văn minh thương mại, phù hợp với điều kiện một địa phương có nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng phục vụ khách du lịch.

Trong 10 năm qua, đặc biệt là từ sau khi TP Hà Nội ban hành thêm 2 bộ quy tắc ứng xử, những quy tắc, chuẩn mức về ứng xử đã tiếp tục lan tỏa, thấm sâu, trở thành nếp nghĩ, nếp hành động thường xuyên của mỗi người dân Thủ đô nói chung, mỗi người dân khu phố cổ nói riêng. Những mâu thuẫn, tranh chấp đã ít dần hơn sau mỗi năm. Người dân ngày càng tự giác hơn, đẹp hơn trong cách sống, cách ứng xử. Đặc biệt đối với địa bàn quận Hoàn Kiếm, sự tương tác giữa văn hóa và kinh tế là biểu hiện rõ nét nhất. Những cách thức ứng xử như "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi" đã dần đi vào cuộc sống; những cam kết không "chặt chém" khách hàng được các hộ kinh doanh trên địa bàn ký kết và thực hiện...Những nét ứng xử đẹp được hình thành tỷ lệ thuận với lượng khách du lịch đến với khu phố cổ. Ứng xử đẹp cũng là điều đọng lại rất đậm, rất sâu, rất lâu sau khi người ta rời TP.

Với mỗi người dân phố, có thể cuộc sống mưu sinh với những lo toan thường nhật là mối quan tâm chung và cũng có thể là lý do mà nhiều người chọn về TP ngụ cư. Nhưng văn hóa của vùng đất, trong đó có văn hóa ứng xử mới là điều khiến cho mỗi người thêm yêu, thêm gắn bó với TP. Để rồi chính mỗi người bằng những ứng xử văn minh của mình lại làm đẹp, làm nên tên tuổi cho TP. Trong hành trình đó, những hòa giải viên chính là một trong những sự gắn kết không thể thiếu…

Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm Ngô Thị Hồng Thủy: Toàn quận Hoàn Kiếm hiện có 163 tổ hòa giải với 797 hòa giải viên, trong đó 100% tổ đạt tiêu chí “Tổ hòa giải 5 tốt”. Là quận có mật độ dân cư đông, diện tích chật hẹp, các mâu thuẫn phát sinh chủ yếu liên quan đến mâu thuẫn về sử dụng diện tích đất, xây dựng, cơi nới cải tạo nhà ở giữa các hộ liền kề, trong cùng biển số nhà, về địa điểm kinh doanh. Quá trình hòa giải vì vậy đòi hỏi rất nhiều ở sự đầu tư thời gian, công sức của hòa giải viên.
Tuy nhiên, với sự tâm huyết, nhiệt tình, có trách nhiệm, các hòa giải viên của quận đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hạn chế xích mích trong cộng đồng dân cư, giúp khơi dậy, phát huy và lan tỏa những nét đẹp trong ứng xử của người dân phố cổ”

(Còn nữa)

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-vac-tu-va-cung-hanh-trinh-giu-gin-van-hoa-ky-2-luu-giu-hon-pho-158176.html