Lời của người già trong nhà

Lời của người già có khi là những câu chuyện lặp đi lặp lại, cũng có lúc là những lời được nói ra để quên đi rất nhanh. Nhưng hãy ngồi cạnh họ, nhìn vào khóe mắt nhăn nheo và nghe thêm về những gì họ nói....

Người già hỏi khách

Mùng năm tết, một người bạn “cũ” của bố tôi đến chúc tết. Tôi gọi bạn của bố là “bác”, gọi cậu bé con của bác (kém tôi gần chục tuổi) là “anh”. Bác trách bố tôi dạo này sao ít xuống nhà bác chơi.

Chuyện của người lớn, tình cảm đôi khi dựa trên quan hệ công việc. Có những tình bạn từng được nâng lên thành tình cảm gia đình rồi một ngày bỗng khiến con người ta mệt mỏi, chán ghét hoặc ái ngại khi nhắc đến. Đó là bởi vì công việc của ai đó trong số hai người đã không còn được thuận lợi, là bởi vì trong lúc khốn khó, họ đã chẳng giúp được nhau như kỳ vọng ban đầu. Hoặc có khi là vì thời thế nay đã khác.

Mọi thứ trên đời có đều có thể nhanh chóng đổi khác, nhưng lời của người già thì không. Bác nhắc với bố tôi rằng bà dạo này hay hỏi bố, sao bố không xuống thăm. Hóa ra, lời của người già chính là câu nói về lòng chung thủy.

Mỗi lời nhắc là chất chứa yêu thương. (ảnh minh họa: B.T)

Người già “mắng yêu”

Bà ngoại tôi là người nhiều tuổi nhất trong họ. Đối với tôi, ngồi cùng bà đôi khi chỉ là để nghe những lời “mắng yêu”. Với nhiều người già, những tháng ngày sống của họ gắn liền với những nỗi lo dành cho hậu thế. Lo cho cuộc sống của các con, có điều gì không may không? Lo cho các cháu, bước vào đời gặp những gì, học hành thế nào.

Tôi dần lớn và hiểu về những “sai lầm” và “cạm bẫy” mà người già nhắc tới. Họ đã đi một đời, trải đủ những mất mát. Họ bây giờ chỉ còn những chân thành. Khi lòng chân thành đi cùng những nỗi lo thì người già sẽ “mắng” người trẻ. Mỗi lời mắng là một sự quan tâm theo dõi. Mỗi lời nhắc là chất chứa yêu thương.

Người già nhắc chuyện quá khứ

Tôi thấy những người lớn tuổi hay ôn chuyện quá khứ. Nhờ lời của bà ngoại và các bác mà tôi biết tới “cụ Còng”. Cụ còng mất khi tôi còn chưa sinh ra. Nhờ có lời kể của người già mà tôi biết được những chuyện từ thời bố tôi còn đi đóng gạch, tiền công vài nghìn một trăm viên gạch. Từ trong lời kể của người già về chuyện quá khứ, đó là những kết nối nguồn cội.

Chúng ta được xem bộ phim Người phán xử với câu nói nổi tiếng của ông trùm Phan Quân: Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn tất cả những thứ khác, có hay không không quan trọng.

Và hình như người trẻ sẽ hiểu được câu nói ấy, sẽ thấm được lời kể của người già về chuyện quá khứ theo thời gian. Bon chen với cuộc sống, có lúc mình khao khát về nhà. So đòn đánh gậy với cuộc đời, rồi có lúc mình nghĩ về mấy hạnh phúc giản đơn, như là nụ cười của một đứa trẻ mới trong họ. Đứa trẻ ấy phải gọi mình là “ông” cơ đấy, thật là oai!.

Lời người già nhắc chuyện quá khứ là những lời cho ta trân quý thêm những giá trị về gia đình.

Diệp Anh

Nguồn Lao Động: http://laodongthudo.vn/loi-cua-nguoi-gia-trong-nha-69393.html