Người 'truyền lửa' đam mê nghệ thuật múa

Đó là tình cảm trân quý, yêu mến mà biết bao thế hệ học trò và công chúng yêu nghệ thuật múa dành cho biên đạo múa Trần Thị Minh Ngọc (SN 1972). Hơn 25 gắn bó với nghệ thuật múa, trải qua nhiều vị trí công tác, chị Minh Ngọc hiện giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Thực hành biểu diễn Văn hóa - Nghệ thuật (Trường Đại học Hạ Long). Dù ở cương vị nào thì tình yêu, niềm say mê với nghệ thuật múa của nữ nghệ sĩ Minh Ngọc vẫn luôn tràn đầy, trọn vẹn.

Biên đạo múa Minh Ngọc hướng dẫn học sinh luyện tập các tiết mục múa tại Trường Đại học Hạ Long.

Biên đạo múa Minh Ngọc hướng dẫn học sinh luyện tập các tiết mục múa tại Trường Đại học Hạ Long.

Chị Minh Ngọc sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật múa. Bố chị là nghệ sĩ Trần Minh Nhứ, ông vốn là sinh viên khóa I của Trường Múa Việt Nam và cũng thuộc lớp thế hệ biên đạo múa đầu tiên của Quảng Ninh. Song chưa bao giờ ỷ lại vào lợi thế ấy, biên đạo múa Minh Ngọc đã coi đó là động lực để nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động nghệ thuật nghiêm túc nhằm khẳng định tài năng của mình, không ngừng phát huy truyền thống gia đình và góp sức cho nghệ thuật múa của tỉnh ngày càng phát triển xứng tầm.

Chị Minh Ngọc trưởng thành từ Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Quảng Ninh (nay là Đại học Hạ Long), cái nôi đào tạo nghệ thuật của tỉnh. Sau khi tốt nghiệp, chị được giữ lại làm giáo viên tại trường nhưng bằng niềm đam mê với nghề múa và khát khao sáng tạo, đổi mới nghệ thuật, chị quyết tâm theo học tiếp chuyên ngành múa tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh (khóa 1998-2002), được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Sau đó, chị trở về quê hương Quảng Ninh, tiếp tục theo đuổi con đường giảng dạy, huấn luyện và biên đạo múa chuyên nghiệp.

Cùng với việc tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, chị Ngọc còn dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa lịch sử truyền thống của địa phương, các vùng miền trong tỉnh. Chị luôn tâm niệm, những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, sức sống lâu bền với thời gian khi nó được gắn liền với cội nguồn truyền thống, phát triển từ những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc. Bởi vậy, hình ảnh về biển, về than, về vẻ đẹp vùng đất, con người quê hương luôn là nguồn đề tài phong phú, cảm hứng bất tận chị đưa vào mỗi tác phẩm múa của mình.

Từ đây, chị đã biên đạo nhiều tác phẩm, tham dự nhiều chương trình, hội diễn, hội thi, liên hoan, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn ở cả trong và ngoài tỉnh và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc như: Lễ hội hoa Anh Đào - Mai Vàng Yên Tử; chương trình Carnaval Hạ Long qua các năm; Diễn đàn du lịch Asean; khai mạc năm Du lịch quốc gia 2018 Hạ Long - Quảng Ninh... Nhắc tới Minh Ngọc là khán giả nhớ ngay tới những tác phẩm múa đã tạo nên tên tuổi của chị như: “Dáng xuân”, “Giai điệu quê hương”, “Tình suối và núi”, “Biển quê hương”, “Vườn xuân”...

Biên đạo múa Minh Ngọc cùng ê kíp tham gia biên đạo, dàn dựng các tiết mục, hoạt động diễn diễu tại Carnaval Hạ Long 2019. Ảnh: Đỗ Quang

Chia sẻ về những kỷ niệm trong hơn 25 gắn bó với nghệ thuật múa, biên đạo múa Minh Ngọc, tâm sự: Những năm tháng hoạt động, công tác gắn với nghệ thuật múa luôn là dấu ấn đẹp đẽ trong suốt cuộc đời tôi. Ngay từ những ngày còn đi học chính nghệ thuật múa đã cho tôi sự trưởng thành, bản lĩnh bởi đặc trưng của nghề đòi hỏi sự khổ luyện nghiêm túc trong thời gian dài. Đến khi thành nghề, được đi biểu diễn khắp nơi từ khai trường than, đồn biên phòng ở biên giới, hải đảo đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Càng ở những địa bàn khó khăn, càng thôi thúc người nghệ sĩ sáng tạo mạnh mẽ và đó cũng là cơ hội giúp tôi tích lũy thêm kiến thức, vốn hiểu biết để phản ánh, khái quát hóa vẻ đẹp của cuộc sống đời thường trong mỗi tác phẩm múa của mình.

Không chỉ là một cán bộ văn hóa, một biên đạo giỏi, đến nay chị Ngọc còn là người giảng viên tận tâm trong sự nghiệp “trồng người” cho nghệ thuật múa. Với trách nhiệm của một người nghệ sĩ, một người thầy, ngày ngày chị Ngọc vẫn trăn trở, đau đáu không nguôi về khát vọng đào tạo thế hệ sinh viên trẻ có niềm đam mê với nghệ thuật múa, mong muốn tạo ra môi trường hoạt động chuyên nghiệp để cống hiến cho nền nghệ thuật Quảng Ninh ngày càng vươn xa, tạo được dấu ấn gắn với phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa. Từ chính tâm huyết ấy và tinh thần lao động nghệ thuật chân chính ấy chị luôn được đồng nghiệp nể phục, học trò yêu quý, kính trọng.

Bằng những cống hiến không mệt mỏi với nghề, với nghệ thuật múa, biên đạo múa Trần Thị Minh Ngọc đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các hội thi, hội diễn nghệ thuật ở trong và ngoài tỉnh. Chị đã vinh dự nhận kỷ niệm chương của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017, và được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tham gia tổ chức, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh...

Nguyễn Dung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201910/nguoi-truyen-lua-dam-me-nghe-thuat-mua-2458106/