Người 'truyền lửa' cho Chèo cổ

Mê hát Chèo từ khi còn nhỏ nên cứ nghe thấy hát Chèo ở đâu là bà Bùi Thị Nhàn (phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cũng phải đi xem cho bằng được. Đến nay, dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn 'một lòng, một dạ' với nghệ thuật hát Chèo truyền thống của cha ông.

Bà Nhàn xem lại các làn điệu chèo để chuẩn bị diễn vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Long Vũ

Bà Nhàn xem lại các làn điệu chèo để chuẩn bị diễn vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Long Vũ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở xã Hiệp Hòa (thị xã Quảng Yên), lên 7 tuổi, bà Nhàn theo cha mẹ chuyển về phường Nam Khê, thành phố Uông Bí sinh sống. Bà tâm sự: "Hồi nhỏ, tôi được mẹ hát ru bằng những làn điệu Chèo. Khi lên 14, 15 tuổi, tôi thường được xem hát Chèo do các đoàn văn công tới địa phương lưu diễn. Cứ thế, các làn điệu Chèo ngấm vào máu tôi lúc nào không hay...".

Không chỉ đến với Chèo bằng tình yêu, bà Nhàn còn được các “liền anh”, “liền chị” giàu kinh nghiệm trong làng Chèo Quảng Ninh truyền dạy. Nhờ đó, bà Nhàn đã thuộc làu các vở Chèo cổ: Lưu Bình - Dương Lễ, Phạm Công - Cúc Hoa, Kim Nham, Trương Viên... Những ngày tháng sau này, mặc dù bận rộn với cuộc sống mưu sinh, những lúc rảnh rỗi, bà Nhàn lại tự viết kịch bản, nhẩm lại các làn điệu Chèo để khỏi quên.

Năm 2010, từ việc mấy người bạn nhờ bà dạy và luyện hát chèo, bà đã nảy ý tưởng tập hợp những chị em đam mê hát Chèo thành lập câu lạc bộ (CLB) dành cho những người đam mê Chèo. Để duy trì hoạt động, các thành viên CLB đã tự đóng góp để mua sắm quần áo, nhạc cụ, thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ bà con trong khu phố.

Từ “nhóm lửa” ban đầu, đến nay, CLB do bà thành lập đã phát triển thành CLB Đàn và hát dân ca thành phố Uông Bí với 30 thành viên, hoạt động rất sôi nổi. Nhiều tiết mục biểu diễn của CLB được bà Nhàn lên kế hoạch dàn dựng và luyện tập rất công phu. Thậm chí, bà còn lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ và cụ thể cho từng người, từng điệu múa..., nhờ thế, các thành viên trong CLB đều thuộc, hiểu rõ từng làn điệu chèo và trình diễn các tiết mục.

Bà Nhàn cho biết thêm: “Hát Chèo không dễ, để hát hay càng khó, vì ngoài chất giọng, cần phải có kỹ thuật để tiết chế, điều chỉnh hơi, nhả chữ, đúng âm điệu... Để có một tiết mục hát Chèo hoàn hảo, ngoài hát phải có đầy đủ các loại nhạc cụ. Có 7 loại nhạc cụ thường được sử dụng trong hát Chèo, đó là: Trống, đàn nhị, đàn líu, đàn tam thập lục, đàn bầu, phách, thanh la.

Trong đó, nhạc cụ được đánh giá quan trọng nhất là trống và đàn líu. Tiếng trống Chèo nghe như thúc giục gọi mời, giúp lời hát Chèo thêm bay bổng. Đàn líu có vai trò làm chủ làn điệu Chèo. Tiếng đàn líu hỗ trợ người hát lúc lấy hơi, giữ hơi và dẫn dắt hát đúng nhịp, đúng điệu và lẩy được cái hồn cho người hát”.

Bà Nguyễn Thị Thước, Chủ nhiệm CLB Đàn và hát dân ca thành phố Uông Bí, cho biết: “Bà Nhàn là một trong số hạt nhân văn nghệ rất năng nổ của CLB. Ngoài thời gian biểu diễn, bà Nhàn cùng các thành viên CLB tập luyện rất tích cực và còn đi giao lưu hát Chèo với nhiều địa phương trong tỉnh như Đông Triều, Quảng Yên, hay một số CLB ở tỉnh ngoài như Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội... Hiện, chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận bà Nhàn là Nghệ nhân dân gian".

Bà Nhàn (ở giữa) trong một tiết mục chèo. Ảnh: Long Vũ

Ông Nguyễn Văn Năng, Chi hội trưởng Hội Văn nghệ dân gian thành phố Uông Bí, đánh giá: “Bà Nhàn không chỉ là hội viên rất tích cực của chi hội văn nghệ dân gian mà bà còn là người rất tâm huyết, sở hữu được chất giọng rất truyền cảm, “ngọt ngào và đằm thắm”, đảm nhiệm được nhiều vai diễn. Không chỉ là người nhiệt tình trong việc truyền dạy cho nhiều người thích hát Chèo, bà còn đến “vận động”, kết nối những người đam mê nghệ thuật Chèo để cùng hòa chung với sở thích truyền thống này. Bà Nhàn không chỉ hát được Chèo, bà còn hát rất hay cả Xẩm và Ca trù”.

hông chỉ truyền dạy các tiết mục Chèo cổ cho các thành viên trong CLB, bà Nhàn còn khéo léo lồng ghép các vở Chèo truyền thống hay dựng các vở Chèo đương đại mang tính hơi thở của cuộc sống. Những vở Chèo ngắn gọn, đan xen tính thời sự ca ngợi về sự đổi mới của quê hương, đất nước...

Tin tưởng rằng, với đam mê cháy bỏng của bà Nhàn và những thành viên trong CLB Đàn và hát dân ca thành phố Uông Bí, nghệ thuật Chèo truyền thống ở đây không chỉ được bảo tồn, mà nó còn phát triển hơn nữa trong tương lai. Chính những người tâm huyết như bà Nhàn đã và đang “truyền lửa” niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, để những làn điệu Chèo mãi ngân xa.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-truyen-lua-cho-cheo-co/