Người truyền cảm hứng phát triển chè Thái

Dù chỉ học hết lớp bốn, nhưng chủ cơ sở sản xuất chè Thắng Hường ở xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) Trần Văn Thắng luôn trăn trở, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, nhằm nâng giá trị chè Thái Nguyên nói chung, chè Tân Cương hay còn gọi là chè Thái nói riêng.

Anh Trần Văn Thắng sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc cho chè.

Anh Trần Văn Thắng sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc cho chè.

Để chè có năng suất thì không thể không phun thuốc trừ sâu, những năm trước đây, người trồng chè thường phun thuốc hóa học, vào vùng chè là ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu. Vì thế, môi trường, sức khỏe người trồng chè và cả người uống chè bị ảnh hưởng. Những năm gần đây, người trồng chè tỉnh Thái Nguyên nói chung, vùng chè đặc sản Tân Cương bao gồm sáu xã thuộc TP Thái Nguyên nói riêng ý thức rất rõ việc sử dụng thuốc hóa học ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mình, sức khỏe người tiêu dùng và môi trường nên chuyển sang sử dụng thuốc sinh học, thảo mộc phun để trừ sâu cho chè.

Mặc dù học vấn không cao, nhưng khác với phương pháp sản xuất, kinh doanh chè truyền thống ở địa phương, lâu nay anh Thắng được biết đến là người có tư duy đổi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chè của mình. Anh Thắng cho rằng, một trong những giải pháp để tăng thu nhập từ chè là phải giảm công lao động, giảm chi phí đầu vào trong quá trình chăm sóc chè, trong đó có khâu phun thuốc trừ sâu

Anh Thắng cho rằng, khâu phun thuốc trừ sâu mất khá nhiều thời gian, dù thuốc sinh học và thảo mộc thì ít nhiều cũng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe người phun. Thuê phun thuốc trên diện tích một héc-ta hết vài trăm nghìn đồng, để có một lứa chè, thông thường phải phun từ một đến hai lần, chi phí không phải là ít. Mặt khác, phun thuốc thủ công vừa tốn thuốc, hiệu quả không cao.

Khắc phục những vấn đề đó, anh Thắng đã đầu tư hơn 300 triệu đồng mua thiết bị bay, hay còn gọi là máy bay không người lái để phun thuốc cho chè của mình. Với thiết bị này, công lao động để phun thuốc đã được giải phóng, lượng thuốc được tiết kiệm và hiệu quả phun tăng lên.

Anh Thắng cho biết: Sau khi pha thuốc, nạp vào bình trên máy bay, chỉ cần ngồi một chỗ điều khiển máy bay đi phun thuốc với độ chính xác cao, theo ý định của mình. Dùng máy bay phun thuốc, thời gian tiết kiệm được 2/3, lượng thuốc tiết kiệm được một nửa, cánh quạt máy bay làm lá chè được phun cả mặt trên và mặt dưới nên sâu rơi xuống đất chết. Trong khi đó, phun thủ công thì lá chè chỉ được phun ở mặt trên, sâu ẩn nấp ở mặt dưới, khe, kẽ cây chè nên nhiều khi không chết, hiệu quả không cao.

Mặc dù vốn đầu tư cao, phí cấp phép sử dụng ba tháng một lần với số tiền 12 triệu đồng, nhưng anh Thắng rất hài lòng khi sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu.

Người nông dân này thường trăn trở, chè Thái vốn danh tiếng nhưng giá bán chưa tương xứng. Hiện nay, chè Thái Nguyên, giá một kg chè đinh là ba triệu đồng, trong khi đó với chất lượng tương tự, ở nước ngoài người ta bán với giá gấp hàng chục lần; hoặc mang chè đinh Thái Nguyên bán ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có giá chênh lệch gấp đôi. Tương tự như vậy, chè nõn Thái Nguyên bán tại nơi sản xuất chỉ có giá 600 nghìn đồng, nhưng mang đến nơi khác bán có giá trị gấp đôi, gấp ba lần và do người buôn bán hưởng.

Để nâng giá trị chè Thái nói chung, chè Thắng Hường của mình nói riêng, anh Thắng cho rằng, chè cần được quảng bá rộng rãi bằng nhiều hình thức, từ đó tiêu thụ nhiều hơn, mang lại thu nhập hơn cho người trồng. Một trong những giải pháp để quảng bá và tiêu thụ chè, anh Thắng và gia đình mình sẵn sàng mời khách du lịch trải nghiệm đồi chè của mình, mời về nhà thưởng trà và ăn kẹo lạc miễn phí. Đổi lại, du khách được chứng kiến việc chăm sóc, thu hái, chế biên chè theo quy trình sạch, từ đó yên tâm uống chè được sản xuất tại địa phương.

Chế biến chè tại cơ sở Thắng Hường.

Cơ sở chè Thắng Hường do anh Thắng làm chủ giải quyết việc làm cho nhiều lao động từ trồng, thu hái, chế biến đến lưu thông. Riêng với dây chuyền chế biến chè khép kín, cơ sở chè Thắng Hường thường xuyên có khoảng mười người làm, đã trở thành chuyên nghiệp, hai đến ba người đảm nhiệm một khâu, từ sao, vò, lấy hương, đóng gói, đưa chè đi tiêu thụ.

Hằng năm, anh Thắng thu mua hàng chục tấn chè tươi của nhân dân ở địa phương để chế biến. Để giữ thương hiệu chè Thắng Hường, các hộ nông dân bán chè nguyên liệu cho anh Thắng tuân thủ quy trình chăm sóc, tuyệt đối không để tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hái đúng thời gian, tiêu chuẩn kỹ thuật của chè đinh, chè nõn.

Dù chưa mạnh dạn đầu tư để từng bước phát triển lực lượng sản xuất như cơ sở Thắng Hường của anh Thắng, nhưng anh Thắng là một trong những người truyền cảm hứng, thúc đẩy các cơ sở và hợp tác xã chuyên sản xuất chè ở xã Tân Cương - trung tâm của vùng đặc sản chè Tân Cương sản xuất chè mang tính chuyên nghiệp, sản xuất sạch đạt tiêu chuẩn VietGap. Qua đó, góp phần phát triển thương hiệu chè đặc sản Tân Cương đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Bài, ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/39842202-nguoi-truyen-cam-hung-phat-trien-che-thai.html