Người Trung Quốc chi gần 54 tỷ USD mua hàng xa xỉ giữa đại dịch

Doanh thu hàng xa xỉ của Trung Quốc tăng gần 50% trong năm ngoái khi giới nhà giàu và tầng lớp trung lưu không thể ra nước ngoài vì đại dịch...

Thị phần hàng xa xỉ của Trung Quốc trên toàn cầu tăng gần gấp đôi lên 20% trong năm 2020 - Ảnh: SCMP

Thị phần hàng xa xỉ của Trung Quốc trên toàn cầu tăng gần gấp đôi lên 20% trong năm 2020 - Ảnh: SCMP

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, năm 2020, các gia đình giàu có tại Trung Quốc đối mặt với một thách thức mới: Làm sao để mua sắm hàng xa xỉ khi mà họ không thể ra nước ngoài và mua sắm trực tuyến mặt hàng này cũng không khả thi?

"Trước khi đại dịch bùng phát, hàng năm chúng tôi du lịch nước ngoài rất nhiều, thậm chí sống ở nước ngoài một thời gian", Rachel, chủ một công ty thương mại điện tử ở thành phố Thâm Quyến, chia sẻ. "Năm ngoái, tôi đã phải chuyển sang mua sắm nhiều đồng hồ, kim cương và vàng hơn để bù đắp cho việc không thể du lịch nước ngoài".

Theo một báo cáo của hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company và bộ phận hàng xa xỉ của hãng bán lẻ trực tuyến Tmall, doanh thu hàng xa xỉ tại Trung Quốc tăng tới 48% lên 346 tỷ Nhân dân tệ (53,5 tỷ USD) trong năm 2020. Theo đó, thị phần hàng xa xỉ của Trung Quốc toàn cầu tăng gần gấp đôi lên 20%. Trong đó, dẫn đầu là mảng sản phẩm đồ da, trang sức với mức tăng hơn 70%, kế đến là quần áo cao cấp với hơn 40%. Doanh thu mỹ phẩm xa xỉ và đồng hồ cao cấp tăng lần lượt 25% và 20%.

"Tôi không đếm chính xác mình đã chi bao nhiêu cho tiêu dùng gia đình, nhưng tôi đã dành khoảng 600.000 Nhân dân tệ (93.000 USD) cho sở thích cá nhân, mua sắm và du lịch trong nước", Rachel nói và cho biết năm ngoái gia đình cô kiếm hàng triệu Nhân dân tệ nhờ các bất động sản tại Thâm Quyến.

Với Rachel và Liang Jialin, một chuyên gia IT tại thành phố Hàng Châu, chi tiêu cho cá nhân và gia đình của họ không thay đổi nhiều so với năm 2019 bất chấp dịch bệnh.

Năm ngoái, Rachel đã tự tặng mình một chiếc đồng hồ Breguet xa xỉ nhân dịp sinh nhật, còn Liang, với đam mê đồ sứ, đã chi khoảng 70.000 Nhân dân tệ (11.000 USD) mua một bộ đồ sứ Flora Danica gồm 6 chiếc của hãng Royal Copenhagen vào tháng trước.

Theo báo cáo Chất lượng Cuộc sống của Cá nhân Thu nhập cao Trung Quốc của hãng tư vấn Hurun, Trung Quốc hiện có 1,58 triệu hộ gia đình sở hữu tài sản có thể đầu tư trị giá ít nhất 10 triệu Nhân dân tệ (1,5 triệu USD). Báo cáo này cho biết chỉ số giá tiêu dùng xa xỉ của các hộ gia đình thu nhập cao tại Trung Quốc đã tăng 3,4% trong năm 2020, đảo chiều hoàn toàn so với mức giảm 0,3% của năm 2019 (lần giảm đầu tiên kể từ năm 2015).

Cảnh xếp hàng mua sắm tại một cửa hàng xa xỉ trong một trung tâm thương mại tại Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Chỉ số này đại diện cho giỏ hàng gồm 129 loại hàng hóa và dịch vụ cao cấp, bao gồm bất động sản, y tế, quản gia, giáo dục, du lịch, đồng hồ, trang sức, phụ kiện, mỹ phẩm, ôtô, du thuyền, máy bay, giải trí, thuốc lá, rượu và trà, tiệc cưới...

Các trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp và hãng ôtô cho biết lĩnh vực của họ cũng chứng kiến sự hồi phục đáng kể trong nửa sau năm 2020, khi giới giàu và tầng lớp trung lưu bắt đầu đẩy mạnh chi tiêu trong nước do không thể ra nước ngoài.

Tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, doanh thu hàng miễn thuế đạt 19,9 tỷ Nhân dân tệ (3 tỷ USD) trong năm 2020, tăng 191,6% so với năm trước. Tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc lên kế hoạch biến Hải Nam thành một "cảng thương mại tự do" tương tự như Hồng Kông và đang phát triển hòn đảo này trở thành một hoàn đảo mua sắm. Đây là một trong những nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước sau đại dịch Covid-19.

Trung tâm thương mại SKP Beijing - trung tâm mua sắm hàng xa xỉ và thời trang cao cấp lớn nhất Trung Quốc, dự báo đạt doanh thu khoảng 17,5 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2020, tương đương mức tăng trưởng khoảng 15%, theo tờ Beijing Business Today.

"Nhờ hiệu ứng của đại dịch, SKP thu hút được nhiều khách hàng từng thường xuyên mua sắm hàng xa xỉ ở nước ngoài", Xie Dan, phó tổng giám đốc của SKP cho biết.

Giới giàu Trung Quốc chi tiêu trong nước nhiều hơn trong đại dịch - Ảnh: Getty Images

Năm ngoái, khách sạn Raffles tại Thâm Quyến cũng thu hút được nhiều doanh nhân và khách hàng giàu có mới nổi từ Hồng Kông khi mà họ phải dành nhiều thời gian hơn tại thành phố này do bị hạn chế công tác nước ngoài.

Theo Veronique He, giám marketing của Raffles, khách nghỉ tại khách sạn được hưởng nhiều trải nghiệm xa xỉ và sáng tạo, bao gồm các gói ăn tối và thưởng trà cao cấp cùng thực đơn được chế biến bởi đầu bếp có sao Michelin.

Theo Hiệp hội Môi giới Ôtô Trung Quốc, doanh số xe xa xỉ tại nước này trong 11 tháng đầu năm 2020 đã vượt 3 triệu chiếc, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

"Có vẻ chúng ta vẫn chưa thể ra nước ngoài trong năm nay, vì vậy, có thể tôi sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các tour du lịch được thiết kế riêng và ôtô trong nước. Tuy nhiên, đây vẫn sẽ là khoản chi tiêu lớn nhất của tôi kể cả khi có thể mua sắm và du lịch nước ngoài", Liang chia sẻ.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/nguoi-trung-quoc-chi-gan-54-ty-usd-mua-hang-xa-xi-giua-dai-dich-20210118082841126.htm