Người Trung Hoa cổ đại nếu có vấn đề về răng miệng thì làm thế nào?

Người Trung Hoa cổ đại thật sự quan tâm đến vấn đề răng miệng nhiều hơn chúng ta nghĩ.

Ngày nay, chúng ta quan tâm nhiều đến sức khỏe răng miệng nên nghề nha sĩ có xu hướng phát triển và được trả lương cao. Vậy thì người xưa có chú ý đến các vấn đề răng miệng hay không?

Câu trả lời là có.

Người Trung Hoa cổ đại thích ăn ngọt từ rất sớm, nên họ khó tránh khỏi tình trạng sâu răng. Nếu lỡ bị sâu răng hay bị rụng mất thì họ phải xử lý như thế nào?

Hiện tại, có không ít người tin rằng Trung Hoa thời cổ đại không hề có nha sĩ. Nhưng họ đã lầm, từ hàng nghìn năm trước đã có rất nhiều người đảm nhận công việc chăm sóc răng miệng cho con người, tương tự như các nha sĩ hiện nay.

Trong quyển "Sử ký - Biển Thước xương công liệt truyện" có ghi chép rằng, Thương công (tức Thuần Vu Ý, một danh y thời Tây Hán) đã có trong tay cách thức chữa đau răng hữu hiệu.

Khi một đại phu nước Tề bị sâu răng, miệng đau đến mức chỉ ú ớ không nói nên lời, thì Thương công đã lập tức điều chế canh khổ sâm (tên khác là khổ cốt, địa cốt) cho người bệnh súc miệng 3 lần mỗi ngày. Sau 5 - 6 ngày súc miệng như thế thì ổn. Thương công cũng chỉ rõ nguyên nhân gây ra cơn đau răng của vị đại phu này là không súc miệng sau khi ăn và há miệng khi ngủ.

Trương Trọng Cảnh, một thánh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc, ông sống thời nhà Hán và có nhiều đóng góp khổng lồ cho Đông y. Ông là người đã phát minh ra phương pháp trám răng sâu ở thời cổ đại bằng hợp kim thủy ngân.

Mặc dù hợp kim thủy ngân có hại cho sức khỏe con người nhưng nó lại có thể giúp lấp đầy các lỗ hổng trên răng.

Đến thời nhà Tống, đã xuất hiện các thầy thuốc chuyên nghiệp chuyên lắp răng giả cho lão bách tính. Chi phí lắp răng giả phụ thuộc vào chất liệu của những chiếc răng giả này. Lúc đó, phổ biến nhất là răng giả bằng ngà voi, xương bò, gỗ đàn hương và nhiều chất liệu khác.

Để cố định răng giả trong hàm, họ thường sử dụng một sợi dây kim loại mảnh. Ngoài việc xử lý vấn đề răng hỏng, răng giả còn có vai trò trang trí.

Trên thực tế, người Trung Hoa cổ đại quan tâm đến vấn đề răng miệng hơn chúng ta nghĩ. Họ có lịch sử đánh răng từ rất lâu. Ngay từ thời tiền sử, người Trung Hoa xưa đã bắt đầu sử dụng ngón tay giữa như một bàn chải đánh răng.

Trong những bức bích họa ở Hang Đôn Hoàng (một ốc đảo nằm trên con đường tơ lụa xưa) có một bức vẽ một hòa thượng ngồi xổm trên mặt đất và dùng các ngón tay của mình đánh răng. Có thể thấy, người Trung Hoa xưa thật sự sử dụng cách thức này để vệ sinh răng miệng.

Ngoài ra, người Trung Hoa xưa còn có rất nhiều cách để làm sạch răng miệng mỗi ngày.

Mãi đến lúc người Ấn Độ phát minh ra "bàn chải dương liễu", dụng cụ đánh răng này đã được đưa đến Trung Quốc cùng với sự du nhập của Văn hóa Phật giáo. Bàn chải dương liễu được người xưa gọi là "mộc xỉ" và là bàn chải đánh răng sớm nhất ở Trung Quốc.

Từ xưa đến hiện tại, đau răng nói riêng và các bệnh răng miệng nói chung luôn là vấn đề gây phiền toái cho con người. Và người xưa cũng có nhiều cách riêng để bảo vệ và chữa răng đau mà chúng ta không thể ngờ đến.

Theo Phapluatbandoc

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nguoi-trung-hoa-co-dai-neu-co-van-de-ve-rang-mieng-thi-lam-the-nao-1505145.html