Người trồng mía lao đao vì nghẽn đầu ra

Trong nhiều năm qua, cây mía được coi là cây trồng chủ lực của nhân dân trên địa bàn một số huyện của Cao Bằng, nhất là tại huyện Hạ Lang, bởi lẽ nó đã trở thành một trong những cây trồng mang lại thu nhập ổn định, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Thế nhưng, thời gian gần đây, người dân trồng mía nguyên liệu bước vào vụ thu hoạch thì lại chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân lao đao.

Người dân trên địa bàn xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang bắt đầu vào vụ thu hoạch với nỗi lo đầu ra cho cây mía trong thời điểm dịch Covid-19. Ảnh: Bảo An

Người dân trên địa bàn xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang bắt đầu vào vụ thu hoạch với nỗi lo đầu ra cho cây mía trong thời điểm dịch Covid-19. Ảnh: Bảo An

Từ năm 2007, cây mía nguyên liệu được huyện Hạ Lang triển khai trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích trồng ban đầu 80ha và không ngừng tăng qua các năm. Đến năm 2013, diện tích trồng mía đạt 946ha. Với năng suất mía trung bình đạt 55 tấn/ha, giá bán từ 1.000-1.100 đồng/kg, người trồng mía thu về 55-60 triệu đồng/ha, cao gấp hơn 2 lần so với các cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn xã Thị Hoa, tổng diện tích trồng mía là 176,94ha.

Mặc dù cây mía nguyên liệu xuất khẩu được xác định là cây trồng chủ lực, người dân trồng mía được huyện triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm đưa cây mía thành cây trồng mũi nhọn trong giảm nghèo bền vững, song do gặp khó khăn về vấn đề xuất khẩu, giao thông vùng nguyên liệu xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp của giá đường thế giới giảm... nên diện tích trồng mía của huyện mấy năm gần đây liên tục giảm. Tại nhiều địa bàn, thay vì mở rộng diện tích như trước, một số xã như Quang Long từng trồng 160ha, Lý Quốc trồng đến 100ha, nay người dân hầu như không còn mặn mà với cây mía. Cây mía nguyên liệu chỉ còn trồng tập trung chủ yếu tại các xã Thị Hoa, Cô Ngân, Thái Đức.

Có mặt tại xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang vào thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát và có những diễn biến hết sức phức tạp, chứng kiến những cánh đồng mía của bà con nơi đây đang đi vào mùa thu hoạch, thế nhưng những xe tải chất đầy mía vẫn nằm sát nhau bên vệ đường. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bên phía Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa thể mở lại các cửa khẩu, cũng như các đường mòn, lối mở. Điều này đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến việc xuất khẩu mía nguyên liệu của bà con nơi đây. Nguy cơ “mất trắng” đang hiện hữu vì chất lượng của mía sẽ bị ảnh hưởng do thu hoạch xong mà để quá lâu ngày không tiêu thụ được. Đây đang là bài toán vô cùng nan giải đối với bà con vùng biên giới Cao Bằng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lăng Văn Thành, ở xóm Tổng Nưa, xã Thị Hoa cho biết: “Mọi năm, đây là thời điểm gia đình tôi và các hộ dân xung quanh thu hoạch mía để chuẩn bị xuất sang huyện Long Châu và Ðại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho các nhà máy đường. Với diện tích 1,2ha, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch 80 tấn mía nguyên liệu, thu về khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất lãi khoảng 50 triệu đồng/năm. Thế nhưng, ở thời điểm này, dù có thu hoạch thì cũng không thể xuất sang Trung Quốc được. Tôi đang rất lo lắng vì không biết phải xử lý ra sao?”.

Theo ông Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Thị Hoa: “Lãnh đạo huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hạ Lang cùng với chính quyền xã đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo 2 huyện Long Châu và Ðại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc về việc tạo điều kiện giúp nông dân vùng biên Hạ Lang phát triển cây mía. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, việc xuất khẩu sang bên Trung Quốc là điều khó có thể thực hiện được khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp...”.

Trước tình trạng bà con trên địa bàn có thể sẽ “mất trắng” vụ mía trong mùa thu hoạch, Trung tá Nguyễn Mạnh Kường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thị Hoa, BĐBP Cao Bằng cho biết: “Hiện nay, bà con trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ thất thu trong vụ thu hoạch mía. Thế nhưng, trong thời điểm hiện tại, công tác phòng, chống dịch bệnh đang được các cấp, các ngành đặt lên hàng đầu, các khu vực đường mòn, lối mở cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Trước tình hình này, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã tham mưu cho chính quyền xã và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để có các hình thức hỗ trợ phù hợp giúp bà con trên địa bàn vượt qua khó khăn”.

Bảo An

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-trong-mia-lao-dao-vi-nghen-dau-ra/