Người trồng mía lao đao vì đường lỏng

Đường nội tồn kho, mía không tiêu thụ được, nông dân gặp khó vì đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh. Loại đường này đang trở thành nguyên liệu phổ biến trong ngành thực phẩm.

Sản phẩm đường cát đang gặp khó khăn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giá rẻ lại không phải chịu thuế

Anh K., đại diện doanh nghiệp hóa chất ở Q.Tân Bình (TP.HCM), giới thiệu: Thùng thiếc này là nước đường Hàn Quốc, còn thùng nhựa của Thái Lan, trọng lượng 25 kg/thùng. Hai loại này chất lượng và giá đều tốt, giá bán lẻ chỉ 15.000 đồng/kg, tương đương 375.000 đồng/thùng. Các loại đường lỏng của Trung Quốc giá thấp hơn một chút nhưng hiện đang hết hàng. Nếu mua đơn hàng trên 1 tấn sẽ có giá ưu đãi và giao hàng miễn phí trên toàn quốc. Theo anh K., khách hàng chủ yếu của loại đường mới này là các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, bánh kẹo, nước ngọt... Gần đây một số đại lý mua mỗi lần vài chục thùng về bán lẻ cho các nhà hàng, quán ăn. “Sử dụng đường lỏng có nhiều cái lợi. Giá thường rẻ hơn đường thông thường 2.000 - 3.000 đồng/kg mà độ ngọt lại cao hơn nên có lợi về kinh tế cho những người sản xuất”, anh K. nói.

Với nhiều người, đường lỏng rất mới, thậm chí lần đầu mới nghe thấy nhưng trên thị trường loại đường này đang được bán khá nhiều. Đây là lý do khiến sức tiêu thụ đường nội bị ảnh hưởng mạnh. Thống kê của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết: Tính đến ngày 15.4, tổng lượng đường tồn kho lên đến 681.000 tấn, tăng thêm 37.000 tấn so với cùng kỳ năm 2017. Tồn kho luôn đi cùng với giảm giá, giá đường tại kho hiện cũng chỉ còn 11.000 - 12.000 đồng/kg, giảm đến 5.000 - 6.000 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm 2017. Đường giảm, giá thu mua mía nguyên liệu từ ruộng cũng giảm trung bình 200.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều nơi mía quá lứa, trổ cờ không tiêu thụ được, người trồng mía lại rơi vào cảnh khốn khó.

Theo Hiệp hội Mía đường VN (VSSA), sản phẩm đường lỏng nhập khẩu đang cạnh tranh gay gắt với đường cát nội địa. Hiện nay VN nhập khẩu đường lỏng nhiều nhất từ Trung Quốc. Giá đường lỏng nhập khẩu về tới cảng TP.HCM chỉ khoảng 9.000 - 12.000 đồng/kg. Loại đường này chịu thuế nhập khẩu 0% nên đang tạo nên sức ép rất lớn lên đường sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp bánh kẹo giảm lượng tiêu thụ đường đến 30% để chuyển sang đường lỏng.

Không tốt bằng đường truyền thống

Theo VSSA, năm nay mía trúng mùa trên quy mô toàn thế giới khiến cung vượt cầu, giá giảm, nên các nhà sản xuất đường trong nước đang bị tác động kép. Ngoài xu hướng trên, họ còn phải cạnh tranh với đường nhập lậu từ các nước lân cận, đặc biệt là Thái Lan và bây giờ thêm đường lỏng. Với nguyên liệu chính từ bắp, năm nay bắp trúng mùa nên giá đường lỏng ngày càng rẻ.

Đường lỏng được chào bán trên nhiều trang mạng - Ảnh: Chụp màn hình

Một doanh nghiệp trong ngành mía đường bức xúc: “Mấy năm trước thuế nhập khẩu đường lỏng xuống 0%, chúng tôi kiến nghị các bộ ngành đã điều chỉnh tăng nhưng không hiểu sao bây giờ lại giảm xuống 0%. Vẫn biết VN đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với quốc tế, nhưng nhà nước phải có chiến lược, chính sách cho ngành đường trong nước chứ thế này thì không doanh nghiệp nào cạnh tranh nổi”.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Hải, Tổng thư ký VSSA, cho biết đường lỏng là sản phẩm được cấp phép nhập khẩu và giảm thuế theo lộ trình tùy theo các hiệp định thương mại tự do mà VN ký với đối tác. Nhưng mức thuế 0% mà VN áp là sớm hơn lộ trình đã cam kết. Chính vì vậy, mới đây VSSA có văn bản kiến nghị các bộ ngành áp thuế nhập khẩu với đường lỏng từ 10 - 20%.

Ông Hải cũng cảnh báo, đường lỏng có nguy cơ gây ra các bệnh về tim mạch, tiểu đường, béo phì... nhiều hơn đường thông thường (đường saccarozo). Từ những năm 1960 - 1970, Mỹ nghiên cứu sản xuất được đường từ tinh bột, trong đó bắp là nguyên liệu hiệu quả và kinh tế nhất. Tuy nhiên, sau này có những nghiên cứu chỉ ra những tác hại của nó lớn hơn đường thông thường nên Mỹ và nhiều nước khuyến khích hạn chế sử dụng loại đường này bằng cách đánh thuế rất cao. Thậm chí Philippines còn cấm nhập khẩu đường lỏng.

Chí Nhân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nguoi-trong-mia-lao-dao-vi-duong-long-967502.html