Người trọn đời với sử Việt

GS. Phan Huy Lê (từ trần lúc 13h06 ngày 23/6/2018 tại Bệnh viện Bạch Mai, hưởng thọ 84 tuổi) đã để lại khoảng trống lớn cho giới sử học trong và ngoài nước.

GS Phan Huy Lê.

Viết tiếp truyền thống gia đình

GS Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934, tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy vốn nổi danh về khoa bảng với những tên tuổi lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú… GS. Phan Huy Lê đã sống trọn những năm tháng tuổi thơ tại quê nhà, thừa hưởng truyền thống gia đình và quê hương, định hình cá tính và nhân cách trước khi hòa nhập vào cuộc sống xã hội.

Năm 1952, chàng trai 18 tuổi Phan Huy Lê rời quê hương ra học dự bị Đại học ở Thanh Hóa. Tại đây, ông có cơ hội được tiếp xúc với những trí thức cách mạng hàng đầu của đất nước. Năm 1956, ông tốt nghiệp cử nhân, sau đó ông được nhận chức danh Trợ lý giảng dạy Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1958, khi mới 24 tuổi, ông đã trở thành chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại. Ông liên tục là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ Khóa II (1990–1995) đến khóa VI (2010-2015) và là Chủ tịch danh dự khóa VII (2015 – 2020)...

GS. Phan Huy Lê được biết đến là người dự cảm từ trong chiều sâu lịch sử Việt Nam có con đường đi của mình. Ông từng chia sẻ “Đất nước ta không rộng lớn lắm, lịch sử không để lại những công trình kỳ vĩ như Kim tự tháp, Vạn lý trường thành... Nhưng ông cha ta đã tạo dựng, lưu giữ và truyền lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một di sản thật vô giá với giang sơn tươi đẹp, đa dạng…”. Ở đó, theo ông đó chính là cội nguồn sức mạnh trường tồn của dân tộc, là nội lực lớn lao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, của công cuộc phục hưng dân tộc.

Dấn thân vào nghề Sử như một sứ mệnh thiêng liêng, GS. Phan Huy Lê luôn quan niệm: Kinh tế - xã hội là cơ sở nền tảng của toàn bộ lịch sử. Vì vậy, những ấn phẩm đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của ông là “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ”, “Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn”…

Tự ý thức trách nhiệm công dân phải tham gia vào cuộc chiến đấu của dân tộc, từ sứ mệnh của người dân yêu nước, GS. Phan Huy Lê chuyển sang nghiên cứu về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và những trận đánh lớn trong lịch sử. Ông tổ chức hàng loạt chuyến điều tra khảo sát thực địa tại các vùng chiến trận, để mở rộng thêm nguồn sử liệu và hiểu một cách cụ thể, nhiều góc độ về các sự kiện lịch sử vốn được ghi chép hết sức cô đọng trong sử cũ.

Ông đã mở ra nhiều phương hướng nghiên cứu và đào tạo mới về lịch sử, gắn liền với nhu cầu của đời sống thực tiễn. Những công trình “Khởi nghĩa Lam Sơn”; “Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”; “Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc”; “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288”... được hoàn thành trong điều kiện như thế và đã trở thành những tác phẩm lịch sử quân sự tiêu biểu, còn mãi với thời gian.

Thành công trên nhiều lĩnh vực

Có thể nói, đỉnh cao trong các công trình của GS. Phan Huy Lê bắt nguồn từ trách nhiệm cao cả của một người thầy, vì theo ông dạy đại học phải dạy kết quả nghiên cứu của chính mình. Hiếm thấy có một học giả có khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn.

Trong thời gian cống hiến của sự nghiệp, ngoài việc giảng dạy chính ở Khoa Lịch sử, ông còn dạy cho nhiều lớp ở Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)... Ông là một trong những chuyên gia đầu tiên của nền giáo dục mới Việt Nam tham gia giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn và phản biện nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngành Sử học, ông còn được giao trách nhiệm xây dựng hai ngành học mới là Đông phương học và Việt Nam học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Và từ đây đã đào tạo trên 500 cử nhân các chuyên ngành Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học và Đông Nam Á học…

Ông là người đi đầu khai mở và xây dựng quan hệ giao lưu, hợp tác với hầu hết các nhà Việt Nam học danh tiếng và các tổ chức nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế Việt Nam học, đặt Việt Nam vào vị trí trung tâm của Việt Nam học toàn thế giới… Và hơn hết, tên tuổi của ông đã trở thành niềm kiêu hãnh của học trò và đồng nghiệp. Những đóng góp lớn trong cuộc đời của Giáo sư Phan Huy Lê sẽ trở thành điểm tựa vững chắc cho sự nghiệp nghiên cứu sử học Việt Nam sau này.

Ngọc Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/nguoi-tron-doi-voi-su-viet-tintuc408128