Người trở về từ chảo lửa Khe Sanh

Đã 50 năm, đại úy Hồ Văn Xang (khóm 6, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn vẹn nguyên ký ức những ngày đạn lửa nơi chiến trường Khe Sanh ác liệt. Sau những năm tháng thanh xuân cùng với đồng đội làm nên chiến thắng hào hùng, ông trở về đời thường gây dựng lại màu xanh trên mảnh đất đã bị cày nát bởi bom đạn, say mê thổi những điệu khèn tình tứ của đồng bào Vân Kiều....

Đại úy Hồ Văn Xang biểu diễn động tác bắn cung. Ảnh: QUANG ĐẠI

Đánh 100 trận, diệt 3 máy bay

Ở tuổi 74, ông Hồ Văn Xang có nước da ngăm đen đặc trưng của đồng bào Vân Kiều, người tầm thước, tóc còn xanh và nụ cười hồn nhiên, tươi trẻ. Nghe hỏi về những năm tháng chiến tranh, ông vào nhà, tìm cây ná đã lên nước đen bóng, cùng với mũi tên để làm “giáo cụ trực quan”. Đây là vũ khí, kỷ vật mà ông đặc biệt trân quý do cha ông, liệt sĩ Vổ Rơi, hi sinh năm 1967 để lại.

Tượng đài chiến thắng Làng Vây. Ảnh: Quang Đại

Thấy chúng tôi băn khoăn việc cha con ông không cùng họ, ông Xang giải thích: “Trước đây người Vân Kiều chưa có họ, sau này bà con đều lấy theo họ của Bác Hồ, với tâm nguyện ơn Bác, một lòng theo cách mạng”. Ông bảo: “Cây ná này có thể bắn mũi tên xa 100m, sát thương trong tầm 30m, thường được tẩm thuốc độc bằng nhựa cây trong rừng”.

Ông Xăng người gốc Lào (ở A Sóc, huyện Mường Noòng, tỉnh Salavan), sau hai nước xác định lại ranh giới thì xã A Sóc thuộc Việt Nam. Từ 16 tuổi, cậu bé Xăng đã được giao nhiệm vụ liên lạc, nuôi giấu cán bộ. Thông minh, nhanh nhẹn, thông thạo đường rừng, Xăng đã vượt qua được tất cả sự theo dõi, vây ráp của địch. “Lúc đó, tôi giấu tài liệu trong điếu thuốc lá hút dở, hoặc trong mơ cậu đựng ruốc…, địch không thể phát hiện được. Họ thấy tôi đưa cơm vào rừng, hỏi thì tôi nói đi rừng, đưa cơm theo để ăn. Hỏi có gặp cán bộ không, tôi hỏi lại: Cán bộ là chi hè, không biết”.

Đại úy Hồ Văn Xang được tặng thưởng nhiều huân, huy chương vì thành tích trong chiến đấu. Ảnh: Công Sang

Ngày 1.6.1963, Hồ Văn Xang chính thức gia nhập quân đội, biên chế C1, bộ đội địa phương. Qua thời gian phấn đấu, đến tháng 1.1968, Hồ Văn Xang là đại đội trưởng, chỉ huy 140 quân. Theo ông Xang, thời đó, chuẩn bị đánh lớn, quân đội ta được trang bị vũ khí đầy đủ, hiện đại: Súng cá nhân có CKC, AK 47, 3 khẩu 12 ly 7, vũ khí chống tăng, phá ngầm có B40, B41, trung liên, đại liên, cối 60, 82, ngoài ra còn một số vũ khí thu được của địch, cơ số đạn đầy đủ. Nhiệm vụ của bộ đội địa phương là phối hợp với quân chính quy, tham gia các trận đánh tiêu diệt các đồn bốt vành đai để dọn đường đánh các cứ điểm lớn tại Làng Vây, sân bay Tà Cơn…

Tổng cộng, trước và sau chiến dịch Khe Sanh, ông Xang và đồng đội đã tham gia trên 100 trận lớn nhỏ. “Bản thân tôi đã bắn cháy 3 máy bay địch, trong đó 2 máy bay F105, một máy bay lên thẳng”, ông Xang kể. Trong đó, có hai chiếc ông bắn tại địa bàn xã A Sóc, bằng súng Karang, nòng dài, băng đạn 8 viên, bắn thẳng khi máy bay địch bổ nhào thấp để chụp ảnh và bắn rocket. Chiếc thứ 3 ông bắn tại địa bàn xã Acha (thuộc Lào), với nguyên băng AK 47, bằng kỹ thuật bắn đón.

“Hỏa lực của địch rất mạnh”, ông Xang hồi tưởng về sự ác liệt của chiến tranh. Tuy nhiên, hỏa lực của ta cũng đã được trang bị rất tốt, có những thời điểm mạnh áp đảo. Đáng sợ nhất là những trận bom B52 rải thảm hoặc đánh tọa độ. Lượng bom đạn quá lớn, địch bất ngờ tập kích, máy bay bay tầm cao hỏa lực ta không ngăn chặn được, nên gây thương vong lớn. Có trận, đồng đội bị bom hy sinh nhiều. Còn khi đánh nhau, thì hầu như địch kháng cự yếu ớt, lo phòng thủ hoặc rút chạy, nên không gây thương vong nhiều cho bộ đội ta.

Tọa độ lửa sân bay Tà Cơn

Ngày 21.1.1968, ta đánh lớn vào Khe Sanh. Sau khi tiêu diệt các căn cứ bên ngoài, địch co cụm tại sân bay Tà Cơn và cứ điểm Làng Vây. Tuy nhiên, khi ta vừa nổ súng thì địch cho B52 rải thảm, gây nhiều tổn thất. Ta vừa đánh, vừa kêu gọi địch đầu hàng để giảm bớt thương vong. Nhưng địch ngoan cố nên tiếp tục gây thương vong cho ta.

Nghệ nhân Hồ Văn Xang và cây khèn của người Vân Kiều. Ảnh: Công Sang

Địch đã bị triệt nguồn tiếp viện bằng đường bộ, chỉ còn cầm cự bằng tiếp viện nhảy dù và tiếp tế bằng đường không. Nhưng súng phòng không ta đánh rát, máy bay phải bay cao, thả hàng từ trên cao nên bộ đội ta bắt được rất nhiều chiến lợi phẩm. Cứ điểm Làng Vây đã thất thủ, chỉ còn sây bay Tà Cơn.

Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, đêm 6.2.1968, ta đánh đòn quyết định. “Bắt đầu là màn pháo kích 130 ly, dội lửa lên đầu địch trong 30 phút, sau đó là xe tăng tấn công. Tuy nhiên, khi xe tăng vào thì trúng đạn chống tăng, một chiếc bị hư hỏng, một chiến sĩ gãy đùi, ta rút ra. 3h sáng, bộ đội đặc công được lệnh tràn vào, dùng B41, B40, bộc phá tấn công các cứ điểm, hầm ngầm kiên cố. Xong, xe tăng vào đánh tiếp, sau cùng bộ binh mới tràn vào giải quyết chiến trường”, ông Xang nhớ lại. Địch tháo chạy, một số chạy lạc vào rừng rồi mất tích, ta bắt được khoảng 20 lính.

Khi ông Xang và đồng đội tiến vào sân bay Tà Cơn, cảnh tượng tàn phá, ngổn ngang trên chiến trường còn vương khói đạn. Địch chạy vội, bỏ lại rất nhiều chiến lợi phẩm. “Nhưng tôi không tơ hào bất cứ một cái gì. Sau này có người chê tôi dại. Nhưng tôi là chỉ huy, phải làm gương cho lính, mà nói thật lúc đó không biết sống chết thế nào, chẳng nghĩ gì đến lợi ích vật chất”, ông Xang cười sảng khoái.

Hỏi “Đánh nhau, ông có sợ chết không?”, ông Xang cười: “Lúc đó, suy nghĩ cũng nhẹ nhàng, đơn giản. Đã đánh nhau thì sống chết cũng bình thường thôi. Nói thật là bom đạn nó tránh mình, chứ mình tránh sao được”. Lăn lộn trong chiến trường mưa bom bão đạn mấy chục năm, chỗ nào gian khổ nhất, chỉ huy Xang đi đầu, khi rút lui, ông lại là người rút sau cùng, mà bom đạn vẫn tránh ông, kể cũng khá kỳ lạ. Ông bảo: “Bố nói thật là bố có một cảm giác rất tinh nhạy, có thể phát hiện được địch từ xa, và cảm nhận được nguy hiểm đang rình rập, cộng thêm một chút may mắn”.

Sau nụ cười, ông ngậm ngùi, ánh mắt buồn xa xăm nghĩ về các đồng đội đã hy sinh, có người thân thể hòa vào đất mẹ, có người còn nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm do đồng đội, gia đình chưa tìm thấy hài cốt. Sau chiến tranh, mỗi người mỗi phương, mải mê mưu sinh, anh em trong đơn vị chưa có dịp hội ngộ để hàn huyên, ôn lại chuyện cũ.

Réo rắt điệu khèn

Năm 1975, ông Xang cưới vợ là người cùng dân tộc, cùng quê, rồi lần lượt sinh 8 con (5 trai, 3 gái). Năm 1985, ông nghỉ hưu với quân hàm đại úy, trở về mảnh đất vốn là chiến trường để làm nương rẫy, chăn nuôi. Đặc biệt, ông là người đầu tiên trồng lúa nước, và chỉ cho bà con Vân Kiều cách trồng lúa nước để có năng suất cao, ổn định hơn, giúp bà con đủ gạo ăn, đẩy lùi cái đói triền miên.

Nghệ nhân Hồ Văn Xang (thứ hai từ trái qua phải) cùng nhóm nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật. Ảnh: Công Sang

Ông còn tham gia hoạt động địa phương, là bí thư chi bộ năng nổ, mẫu mực trong nhiều năm liền, rồi Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hướng Hóa. Làm cán bộ, ông vẫn vẹn nguyên phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, hết lòng vì dân bản, được người dân rất mực tin yêu, kính trọng.

Vui chuyện, ông Xang lấy từ trên gác xuống chiếc khèn bè truyền thống của người Vân Kiều, được một nghệ nhân chế tác hết sức tinh xảo, thổi lên những âm điệu réo rắt, tình tứ. “Đây là điệu khèn ngày vui, ngày hội, chúc mừng nhau”. Lúc sau, âm điệu đổi thay, được biết đó là điệu khèn gọi bạn tình, để trai gái hẹn hò, tỏ bày tình cảm, gắn kết trăm năm.

Đại úy Hồ Văn Xang và tác giả. Ảnh: Công Sang

Bố Xang còn chơi được rất nhiều nhạc cụ như cồng chiêng, đàn ta lư, đàn tare…, là một thành viên nòng cốt của đội nghệ nhân của bản văn hóa Pa Nho. Sau phút vui, ông Xang lại lo âu, buồn bã khi thanh niên nhiều người không còn biết thổi khèn, chơi nhạc, một số nhạc cụ quý như cồng chiêng cũng bán đi…

QUANG ĐẠI - CÔNG SANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/nguoi-tro-ve-tu-chao-lua-khe-sanh-599317.ldo