Người trinh sát anh hùng

Đại tá Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển - nguyên Phó phòng Quân báo Quân khu 5, hiện ở tại Đà Nẵng là người có nhiều kỷ niệm về Bác Hồ dù chưa một lần gặp Bác.

Đại tá Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển - nguyên Phó phòng Quân báo Quân khu 5, hiện ở tại Đà Nẵng là người có nhiều kỷ niệm về Bác Hồ dù chưa một lần gặp Bác.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển (giữa, quỳ) tìm hài cốt liệt sĩ bên Lào.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển (giữa, quỳ) tìm hài cốt liệt sĩ bên Lào.

Kỷ niệm khó phai

Vóc dáng nhỏ nhắn, có lẽ vì thế Đại tá Nguyễn Đức Chuyển phù hợp làm trinh sát đặc công, một "nghề" để ông được tuyên dương Anh hùng năm 1996. Khởi đầu câu chuyện, tôi hỏi ông về tấm ảnh chân dung được treo trang trọng trên tường. Chàng lính trẻ quấn khăn dù, mũ tai bèo, tay cầm ống nhòm đầy khí phách. Thì ra tấm ảnh này được chụp năm ông 19 tuổi tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Quân khu 5 trên căn cứ. Một nhà báo chiến trường đã chụp và sau giải phóng gửi về Phòng Tuyên huấn rồi đến tay ông. Khi hỏi, chiếc ống nhòm lừng lẫy này có còn được giữ, Đại tá Nguyễn Đức Chuyển trả lời rằng, nó cùng với khẩu súng K54 và chiếc huy hiệu Bác Hồ tặng ông, từng được trưng bày ở bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam. Thế là kỷ niệm về Bác cứ thế tuôn trào từ ký ức sôi động của người anh hùng quê Mộ Đức, Quảng Ngãi.

Nhập ngũ vào Sư đoàn 2 khi mới 15 tuổi, anh trinh sát tên Chuyển đã ghi dấu ấn với đơn vị bởi sự quả cảm, gan lì, thông minh qua nhiều trận đánh. Nhiệm vụ của anh là cùng đại đội bám địch, tiền trạm để Trung đoàn 1 tác chiến, có thời cơ thì trực tiếp đánh vào các sở chỉ huy của địch. Trong trận Xuyên Trà (Duy Xuyên, Quảng Nam) năm 1967, khi được giao nhiệm vụ bảo vệ lực lượng của Sư đoàn vận chuyển lương thực từ vùng giáp ranh lên núi, bị vây ráp, ông đã cùng du kích xã đánh lui các đợt tấn công dồn dập của địch, không cho chúng vào nơi trú ẩn của bộ đội đi lấy gạo. Đặc biệt sau Mậu Thân 1968, địch khủng bố tàn khốc, đẩy quân giải phóng lên rừng sâu, núi cao. Đói, đau, đạn địch thử thách bản lĩnh người chiến sĩ, càng là dịp xuất hiện những anh hùng. Đơn vị ngày ấy đã làm bài dân ca khen ngợi các tấm gương dũng cảm trong đó có trinh sát Chuyển: "Nhớ Chuyển dũng mãnh kiên trung. Đánh Mỹ diệt ngụy, biết dùng mưu cao. Chia tay luyến nhớ Lưu Đào. Gùi hàng cũng giỏi địch vào đánh hay. Nhớ Uyển tài bắn máy bay. Trọng liên đã nổ từng bầy quạ rơi. Chiến công của Hảo sáng ngời. Trung liên anh bồi mỗi phát một tên...".

Ngày 19-5-1969, khi đang là đại đội phó trinh sát đặc công, anh Chuyển có vinh dự đặc biệt, đó là về Ban Chỉ huy Sư đoàn nhận huy hiệu Bác Hồ. Cùng dự với anh có 4 chiến sĩ đều nổi tiếng. Đó là Lê Hữu Tựu, Đặng Đình Trường (cả hai sau này được tuyên dương AHLLVTND), Phùng Ngọc Uyển và chiến sĩ Hảo (các nhân vật trong bài hát). Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Huy Chương sau khi gắn huy hiệu Bác Hồ lên ngực cho các dũng sĩ đã nhấn mạnh: "Lần đầu tiên có 5 người lính Sư đoàn 2 vinh dự được Bác chuyển huy hiệu vào tặng từ ủy nhiệm của Trung ương Cục miền Nam, Quân khu 5. Các đồng chí phải phấn đấu hơn nữa, xứng đáng với tình thương của Bác...". Khỏi phải nói niềm xúc động không thể thốt nên lời cứ như từng đợt sóng trào dâng trong lòng người lính trẻ. Chiếc huy hiệu trên ngực càng thúc giục Chuyển lập nhiều chiến công. Mơ ước một lần gặp Bác dù xa vời luôn nhen nhóm trong lòng anh.

Ngày 3-9-1969, Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Sư đoàn được tổ chức và anh được chọn báo công. Chưa kịp vui thì tin Bác Hồ từ trần làm anh và cả đơn vị bàng hoàng, đau đớn. Đại hội được tổ chức gọn lại, không có văn nghệ. Hai ngày sau thì lễ truy điệu Bác được tổ chức. Giữa núi rừng heo hút, không thể kiếm đâu ra nén hương hay dải băng tang, bàn thờ chỉ có tấm ảnh Bác bằng vải lụa. Gần 100 người về dự Đại hội kính cẩn, đứng nghiêm chào tiễn biệt Người mà nước mắt rơi lã chã. Ai cũng hứa sẽ thực hiện lời dặn của Bác đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Viết tiếp truyền thống anh hùng

Tháng 10-1970, Nguyễn Đức Chuyển tiếp tục được chọn đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua Quân khu. Tại đây, đơn vị được cấp trên đưa về gần 20 tấm ảnh chân dung Bác Hồ bằng lụa (bằng tờ giấy A4 bây giờ) nhằm để tổ chức các hoạt động trang trọng như lễ ra quân, kết nạp Đảng, tổng kết chiến đấu... ở các đầu mối. Biết xin cho mình riêng một tấm là điều không thể nhưng mong muốn sở hữu hình vị Cha già dân tộc cứ nung nấu trong lòng Chuyển. Thời cơ đến khi cả đoàn dừng hành quân, lội suối bắt cá. Đã nhắm mục tiêu là nắp ba lô của trưởng ban tuyên huấn sư đoàn nên tranh thủ mọi người không để ý, chàng trinh sát tinh quái rút một tấm ảnh Bác đem giấu.

Tuy nhiên vì vội vã, anh đã không thể gói lại túi ảnh tròn trịa như ban đầu. Khi đếm biết mất quà quý, vị trưởng ban động viên ai lấy thì nộp trả lại. Vậy mà Chuyển vẫn thi gan, chặc lưỡi, chắc rồi cũng qua, có lấy tiền bạc gì đâu mà sợ. Thế nhưng mọi việc rắc rối hơn khi trưởng ban quyết định lục ba lô từng thành viên hơn chục người. Bị phê bình tại chỗ, Chuyển chỉ biết gãi đầu nhận khuyết điểm, ấp úng thanh minh chỉ muốn có Bác bên mình. Thấy anh chàng trinh sát chiến đấu thì gan góc không ai bằng, đối mặt với cái chết không nao núng nay bỗng lóng ngóng sắp khóc, cả đoàn tha tội, không làm lớn chuyện. Sau này các thành viên dự Đại hội năm nào gặp lại, họ vẫn còn nhắc vui kỷ niệm ấy.

- "Yêu quý tấm huy hiệu Bác Hồ đến vậy sao chú giao cho bảo tàng?".

- Là cấp trên ra lệnh đó chứ!

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển kể tiếp, năm 1971 khi cùng Sư đoàn "Thép" tham gia chiến dịch Nam Lào, ông vẫn đeo chiếc huy hiệu bên mình. Một hôm có đoàn của Tổng cục Chính trị vào làm việc, nghe đơn vị giới thiệu, đã động viên đại đội trưởng Chuyển trao tặng bảo tàng khẩu súng, chiếc ống nhòm và tấm huy hiệu của Bác cùng anh lập công. Năm 1979, nóng lòng tìm lại kỷ niệm, ông Chuyển đã vỡ òa khi thấy tất cả được trưng bày trang trọng ở bảo tàng kèm chú thích về tên tuổi của mình. Niềm hạnh phúc ấy cứ theo mãi suốt đời binh nghiệp.

Khi được hỏi điều gì làm ông tự hào nhất hiện nay, người anh hùng khẳng định về tâm huyết muốn viết tiếp truyền thống anh hùng, tham gia tìm kiếm liệt sĩ, đặc biệt là liệt sĩ trên đất bạn Lào. Làm Phó Phòng Quân báo Quân khu, được học tiếng Lào một thời gian, lại từng chiến đấu ở xứ sở Triệu Voi thời chống Mỹ, cứu nước rồi sau này qua bên bạn, tham gia chặn đứng các nhóm phản động Việt Nam lưu vong, ông tính ra có gần 20 năm gắn bó với Lào. Ông cùng với các ban chuyên trách của Quân đội, Quân khu 5 đặt nền móng cho các đoàn tìm kiếm, quy tập hài cốt quân tình nguyện về nước.

Về hưu, ông tham gia Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Hội hữu nghị Việt - Lào Đà Nẵng, Ban liên lạc quân tình nguyện Việt Nam tại Lào của thành phố với hàng loạt chuyến giao lưu ý nghĩa. Với tiếng Lào thuần thục, cùng với trí nhớ xuất sắc của lính trinh sát, ông đưa các CCB Sư đoàn 2 hàng chục chuyến vượt suối sâu, đèo cao, rừng rậm hiểm trở qua Savannakhet hay Chămpasăk tìm đồng đội hy sinh. Ông đã được nhà nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Bộ Ngoại giao Lào tặng bằng khen về tìm kiếm liệt sĩ; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng bằng khen tại hội nghị điển hình người có công.

Những chuyến đi tìm liệt sĩ vẫn tiếp tục vẫy gọi và người anh hùng dù tuổi đã xấp xỉ 70.

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_211270_nguoi-trinh-sat-anh-hung.aspx