'Người trẻ Việt giỏi nhưng thiếu chín chắn, ít quan tâm cộng đồng'

Cơ hội việc làm không thiếu nhưng sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp. Nhân lực trẻ của Việt Nam còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn.

Tại Diễn đàn Khai phá Năng lực Người Việt trẻ diễn ra tối 12/9 tại ĐH Fulbright, TP.HCM, các chuyên gia, nhà giáo dục cùng đi tìm lời giải cho bài toán thiếu hụt nhân lực trẻ chất lượng cao ở các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Những câu chuyện “cười ra nước mắt” trong đào tạo, tuyển dụng được các đại diện từ nhiều trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức xã hội chia sẻ. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ tại Việt Nam cũng được nêu ra dưới nhiều góc nhìn.

Sinh viên năm thứ ba không biết CV là gì

“Trong một buổi dạy. tôi yêu cầu các sinh viên năm thứ ba làm CV. Một bạn hỏi CV nên làm cá nhân hay theo nhóm”, một giảng viên nói khiến mọi người bật cười.

Một lãnh đạo doanh nghiệp kể nhân viên của anh từng đề nghị được tăng lương với… lý do vợ sinh thêm em bé.

Những câu chuyện đó phần nào cho thấy hạn chế của sinh viên sắp ra trường cho đến những người đã đi làm được một vài năm. Theo bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch ĐH Fulbright, người trẻ Việt có thể giỏi về mặt kiến thức và kỹ năng nhưng nhược điểm là thiếu chín chắn.

“Xét về kiến thức, học sinh chúng ta thuộc loại giỏi và thậm chí hơn hẳn nhiều nước trong khu vực. Điều này đã được chứng minh qua các kỳ thi, chương trình đánh giá quốc tế. Tuy nhiên, xét về độ trưởng thành, chín chắn, người trẻ tụt lại so với bạn bè cùng lứa ở các nước khác từ 2-3 năm và rất ít quan tâm đến cộng đồng”, bà Thủy nhận định.

Theo bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch ĐH Fulbright, học sinh, sinh viên Việt Nam ngày càng giỏi nhưng vẫn thiếu chín chắn. Ảnh: Huệ Lâm.

Với kinh nghiệm nhiều năm đào tạo nhân lực của mình, ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa Quản trị, cho rằng điều người trẻ thiếu nhất lúc này chính là sự tự tin, chủ động và tính tương tác cộng đồng.

Nhiều người có thể làm việc cá nhân rất tốt nhưng làm việc nhóm lại rất tồi, hay trong cuộc họp rất ít cánh tay xin tham gia thảo luận chung. Theo ông Hoàng, đây là những điểm yếu dễ thấy nhất nhưng lại khó khắc phục nhất của giới trẻ nói riêng và người Việt nói chung.

Tại diễn đàn, dự án giáo dục lớn nhất năm 2018 của UNESCO-CEP với tên gọi Talent Generation đã công bố những chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của người Việt trẻ.

Từ kết quả khảo sát 6.000 thí sinh về 10 năng lực cốt lõi của người trẻ, dự án đưa ra một vài con số nổi bật. Điểm trung bình tiếng Anh và IQ là 17,18 trên tổng 29 điểm. Điểm trung bình EQ thấp nhất với mức 3,27 trên tổng 10 điểm.

Báo cáo đưa ra kết luận: “Điểm mạnh của các thí sinh tham gia cũng như bạn trẻ Việt trong giai đoạn này là khả năng ngoại ngữ và chỉ số thông minh trí tuệ, nhưng chỉ số thông minh cảm xúc lại rất thấp và cần cải thiện nhiều hơn nữa”.

"Đừng tìm người phi thường làm điều tầm thường"

Để giải được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp theo các góc nhìn từ giáo dục, kinh tế đến chính sách. Trước hết, mỗi cá nhân cần ý thức được mình là ai. Xây dựng ý thức cá nhân là cần thiết để có thể tạo ra nguồn nhân lực không chỉ có kiến thức, kỹ năng mà quan trọng hơn là phẩm chất.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng gia đình, nhà trường nên để học sinh, sinh viên chủ động hơn. Thay vì bao bọc trong sự an toàn, các trường đại học, cao đẳng cần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh để người học có thể tự ý thức bản thân mình đang nằm ở đâu và làm quen với sự khốc liệt của môi trường làm việc trong tương lai.

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân sự chất lượng. Ảnh: Huệ Lâm.

Đáp lại những gợi ý từ phía các nhà tuyển dụng, đại diện các trường đại học cũng bày tỏ sự tâm quyết tâm thay đổi. Tuy nhiên, theo nhiều giảng viên, nhà đào tạo nhân sự, khối doanh nghiệp nên đưa ra những tiêu chí tuyển dụng rõ ràng hơn. Sinh viên ra trường cần có kỹ năng nhưng cụ thể đó là kỹ năng gì.

“Chúng ta đừng mong tìm người phi thường làm điều tầm thường, hãy cứ tìm người bình thường nhưng làm bằng cả trái tim thì lúc đó điều phi thường sẽ đến. Nhà trường hoàn toàn có thể nhận đặt hàng từ doanh nghiệp. Các anh cần gì ở sinh viên, kỹ năng về quản lý thời gian, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề?… Nên đi từ những điều nhỏ nhặt trước đã”, ông Đoàn Đức Minh, giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM, nói.

Từ góc nhìn của người phát triển chiến lược, ông Đỗ Hòa cho rằng vấn đề phát triển nguồn nhân lực trẻ cần được nhìn rộng ra. Theo những định hướng phát triển trong chính sách nhà nước, từ mỗi cá nhân, gia đình, giáo dục cho đến toàn xã hội cần đặt mục tiêu cụ thể để phát triển và “dám nghĩ đi rồi chúng ta sẽ làm được”.

Huệ Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-tre-viet-gioi-nhung-thieu-chin-chan-it-quan-tam-cong-dong-post876504.html