'Người trẻ Việt đang loay hoay, giằng xé'

Nhà văn Dương Thụy cho rằng dù xã hội đã thoáng hơn, song người trẻ Việt vẫn loay hoay giữa các giá trị cũ, mới, sống theo bản năng cho mình hay sống lý trí nghe theo lời bố mẹ.

Là tác giả của nhiều đầu sách best-seller dành cho giới trẻ, nhà văn Dương Thụy luôn quan tâm tới cuộc sống, tình yêu, các vấn đề của người trẻ. Tham gia giao lưu tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 chiều tối 21/4, chị chia sẻ những quan điểm của mình về người trẻ hôm nay, văn hóa đọc và những trang viết của mình.

Đừng đọc theo trào lưu

- Hội sách trực tuyến trên book365.vn. Chị nhìn nhận thế nào về hình thức này?

- Hội sách online giúp cho các bạn ở xa, không phải Hà Nội, TP.HCM, có điều kiện giao lưu trực tuyến với tác giả được kết nối. Nhưng online cũng không nên là hình thức duy nhất. Nếu không vì dịch bệnh, tôi vẫn muốn có hội sách trực tiếp đến mua sách, hưởng không khí, giao lưu trực tiếp với bạn đọc. Bởi người với người giao lưu trực tiếp vẫn đáng quý. Mặt đối mặt, chụp chung tấm hình thì vui.

Một năm có một, hai lần hội sách. Nên tôi muốn song song cả hai hình thức, đan xen thì rất hay.

 Nhà văn Dương Thụy. Ảnh: Blog Dương Thụy

Nhà văn Dương Thụy. Ảnh: Blog Dương Thụy

- Theo chị, làm sao để một người yêu thích việc đọc?

- Đầu tiên, đừng nên đọc theo trào lưu. Đọc là niềm vui của mình, chứ đừng đọc theo ép buộc, đề nghị của người khác.

Có bạn vào nhà sách thấy cuốn này trông hay hay, thấy người khác khen thì mua. Không nên như vậy, mà cần chọn cuốn sách phù hợp với mình, có như vậy mới lật từ trang đầu tới trang cuối, việc đọc mới ý nghĩa.

Đọc sách thấy hay rồi thì nên giới thiệu với bạn bè, những người có nhu cầu, sở thích giống mình. Đó là cách để lan truyền văn hóa đọc từ cổ xưa tới giờ, từ đó có các cộng đồng cùng đọc sách, khuyến khích nhau đọc sách.

Tiếp xúc với người đọc sách nhiều, tôi thấy họ sống hạnh phúc, thành công. Họ đọc sách thì sống nhiều cuộc đời hơn, thay vì tự bản thân trải nghiệm.

Sách luôn là người bạn bổ ích mà mỗi người phải tự khuyến khích đọc, hơn là mình chờ nhà nước hay tổ chức nào khuyến khích.

-Văn hóa đọc của giới trẻ Việt có gì khác với nước khác? Ta cần học gì nước bạn để vốn hiểu biết phong phú hơn?

- Tôi đi châu Âu, Nhật nhiều thấy các bạn lúc nào cũng cầm trên tay cuốn sách. Túi của người phụ nữ luôn có kích thước để vừa cuốn sách. Trên phương tiện giao thông công cộng, họ đọc nhiều, trên tàu điện ngầm, xe bus, tôi thấy họ luôn đọc sách.

Bạn trẻ mượn sách trong thư viện, người lớn hơn đi làm không vào thư viện thì mua sách đọc. Ở nước ngoài, sách đắt hơn so với giá ở Việt Nam. Nhưng họ vẫn mua và đọc.

Đó là thói quen đã hình thành. Bởi đọc là niềm vui, họ tìm thấy niềm vui trong sách thì cứ đọc. Con cái thấy cha mẹ như vậy thì cũng đọc thôi.

Khi ra ngoài thấy một người đọc sách ta dễ thiện cảm hơn người lướt điện thoại. Đó là người ham học hỏi, có tấm lòng rộng mở, nhân ái.

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều diễn đàn đọc sách, bạn trẻ đọc kha khá, đó cũng là tín hiệu lạc quan.

Văn hóa đọc ở mỗi nơi khác nhau, có khi nó xuất phát từ môi trường gia đình, xã hội.

Nhiều bạn đi du học để chụp hình, khoe mạng xã hội

- Quan tâm và viết về những người trẻ, chị nhận thấy người trẻ Việt hiện nay ra sao?

- Các bạn trẻ Việt Nam hiện nay đang bị một giằng xé giữa việc sống theo chủ nghĩa cá nhân hay theo gia đình.

Bạn trẻ Việt kiếm ra tiền muốn đi du lịch, hưởng thụ, trong khi cha mẹ muốn các bạn vun vén, lập gia đình. Các bạn giằng xé sống cho mình hay sống cho người khác.

Các bạn hiện nay nhận ra cuộc sống ngắn, nhiều áp lực, tại sao phải sống theo ý người khác. Họ băn khoăn nên nghĩ ngắn hay tính dài, cho bản thân sung sướng rồi giúp người khác, hay sống theo ý người khác trước rồi mới nghĩ tới bản thân.

Rồi những quan niệm phương Tây được tiếp cận. Phương Tây có khi họ cho rằng “tình dục đi trước, tình yêu đi sau”. Việt Nam giờ đã sống thoáng hơn, nhưng vẫn còn đó những giằng xé sống bản năng kiểu phương Tây hay theo lý trí, gia phong truyền thống.

Tôi rất muốn viết cuốn sách về việc bạn trẻ loay hoay chọn lựa. Chọn lựa là mạo hiểm, không bao giờ tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai.

Phiên bản tiếng Anh cuốn Oxford thương yêu của Dương Thụy.

- Chị có lời khuyên nào với những bạn nói vì đọc sách của chị mà muốn đi du học nước ngoài?

- Đó là mong muốn chính đáng, ai cũng muốn đi để nạp kiến thức, trải nghiệm nền văn hóa mới, cuộc sống mới.

Hiện nay, thế hệ đi du học có điều kiện, nên muốn đi khi còn rất trẻ. Đi sớm như vậy có thể chưa đủ trải nghiệm, tài chính chưa nhiều, cảm giác cứ đi đã rồi tính sau.

Thế hệ trước thì cứ có học bổng mới đi. Còn bây giờ các bạn cứ đi rồi tính. Khi đi như vậy, các bạn bị chi phối bởi mạng xã hội: Chụp hình món ăn, phong cảnh, bạn nước ngoài. Khoe tôi đi du học, khoe đang ở nước ngoài… các bạn bị phân tâm.

Với bạn đọc sách của tôi mà nói muốn đi du học, nếu các bạn có học bổng thì tôi rất mừng. Bạn nào tự túc mà đi sớm quá tôi có phần lo, sợ các bạn chưa đủ bản lĩnh, đi bị chi phối bởi nhiều thứ thì khó học hỏi được nhiều. Bạn nào qua tuổi đại học rồi, thì đó cũng là điều tôi khuyến khích.

Rất khó để viết cảnh giường chiếu mà không sượng

- Các nhân vật trong truyện của chị có nguyên mẫu ngoài đời?

- Những nhân vật trong truyện hoàn toàn là hư cấu, nhưng cảm xúc người đi du học là có thật, vì tôi đã đi du học, gặp khó và được giúp đỡ.

Càng viết tôi càng thấy thế giới bên ngoài rất rộng lớn. Người tốt nhiều hơn người xấu, người hướng thiện nhiều hơn. Mặc dù khó khăn, nhưng hãy bước chân ra ngoài.

- "Oxford thương yêu" và "Beloved Oxford" đã bán 120.000 bản. Vậy bản tiếng Anh phát hành ở thị trường nào?

- Cả hai bản đều phát hành ở Việt Nam. Đôi khi khách du lịch nước ngoài lang thang nhà sách, thấy sách bản tiếng Anh thì mua, có người đọc xong thì viết email cho tôi.

Tôi nhận email của du khách nước ngoài đến Việt Nam, họ nói hãy dịch tiếp các cuốn khác ra tiếng Anh. Tôi rất muốn nhưng chưa có điều kiện làm được.

Sách Venise và những cuộc tình Gondola của Dương Thụy.

- Chị có phải “phân thân” không khi vừa làm việc trong môi trường đầu tư kinh doanh cần sắc lạnh, vừa viết nên những trang văn mộng mơ, bay bổng?

- Điều cần thiết ở đây là cân bằng chứ không phải “phân thân”. Tôi rất cảm ơn vì mình có khả năng viết, khả năng hư cấu. Với tôi, viết là niềm vui, chứ không phiền toái hay đau đơn gì hết. Có khi ban đêm ai ngủ thì ngủ, tôi cứ ngồi viết. Giống như người chơi thể thao, có bị đau cơ bắp, chấn thương, họ vẫn chơi.

Viết là niềm vui, tạo thêm động lực, năng lượng để cân bằng cuộc sống.

- Vì sao “Cáo già, Gái già và tiểu thuyết diễm tình” có một số tình tiết nhạy cảm hơn các truyện khác của chị?

- Tôi thì không cho rằng truyện này nhạy cảm quá, lãng mạn thì có chứ không nhạy cảm.

Nhiều người email nói truyện của chị đọc giữa chừng cụt hứng, yêu đương không đi đến cùng. Yêu đương bản năng mà lý trí cứ xen vào không đi đến cùng. Tôi cũng muốn để nhân vật đi đến cùng, nhưng không sao viết táo bạo được.

- Truyện tình cảm, tình dục thường là gia vị thu hút người đọc. Chị nghĩ sao về những tình tiết này trong truyện?

- Khi viết truyện tôi muốn đưa vào chi tiết nhạy cảm hơn. Nhưng viết được chuyện tình dục không dễ. Viết viết về quan hệ giường chiếu, tả thực sao để khi đọc mà không thấy ngượng không dễ. Vì vậy nếu không chắc tay thì mình đừng viết. Viết không thoải mái thì đừng viết.

Sách của Haruki Murakami toàn chuyện nhạy cảm, mình đọc thấy thú vị. Nhưng viết được như vậy rất khó. Nhà văn viết về chuyện đó mà trong đầu đã tự kiểm duyệt rồi thì viết ra nó sượng lắm.

Y Nguyên (ghi theo giao lưu)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-viet-dang-loay-hoay-giang-xe-post1075968.html