'Người trẻ phải khai phá, tiên phong, thay đổi'

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh điều này tại buổi đối thoại với đoàn viên thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước chiều 16/3 với chủ đề 'Thanh niên Việt Nam - Vững tin tiếp bước'.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam chủ trì buổi đối thoại.

Trải qua 11 năm, chương trình đối thoại với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn là diễn đàn để đoàn viên, thanh thiếu nhi cả nước trao đổi, đối thoại với thủ lĩnh thanh niên Việt Nam, luôn được đông đảo đoàn viên, thanh niên quan tâm và trở thành hoạt động ý nghĩa, có dấu ấn đậm nét trong Tháng Thanh niên.

 Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (ngồi bên trái) đối thoại với đoàn viên thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (ngồi bên trái) đối thoại với đoàn viên thanh niên, thiếu nhi trong và ngoài nước. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Buổi đối thoại bắt đầu từ 14h ngày 16/3, được tường thuật trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, gồm nhiều nội dung: Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; giải đáp thắc mắc; tiếp thu những đề xuất, kiến nghị, hiến kế của đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi; thông tin đến đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi những nội dung cốt lõi của Chương trình công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021 và Tháng Thanh niên 2021; các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Chương trình đối thoại có hơn 70 điểm xem trực tiếp qua phần mềm Zoom, từ các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, với sự tham gia của các bạn thanh niên tiêu biểu ở trong và ngoài nước.

Trao đổi về chủ đề đối thoại: "Thanh niên Việt Nam - Vững tin tiếp bước", anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: Mỗi giai đoạn trong lịch sử đất nước, thanh niên đều có cho mình niềm tin. Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, niềm tin ấy là đất nước được hoàn toàn giải phóng, non sông gấm vóc thu về một mối. Chính niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác Hồ, vào ngày hòa bình độc lập đã nuôi dưỡng ý chí, khát vọng đấu tranh, để những tên tuổi anh hùng như Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm… mãi lưu danh trong sử sách.

Trong giai đoạn kiến thiết đất nước, niềm tin sắt son của triệu triệu thanh niên gửi gắm vào công cuộc đổi mới, đất nước đã xuất hiện những thanh niên tiêu biểu, anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Trong bối cảnh hiện nay, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong vận hội mới, thanh niên Việt Nam càng được củng cố niềm tin, đó là động lực để các bạn trẻ tiến quân vào khoa học, làm chủ công nghệ. Chúng ta đã có rất nhiều gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu trên các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chương trình đối thoại luôn được đông đảo đoàn viên, thanh niên quan tâm và trở thành hoạt động ý nghĩa, có dấu ấn đậm nét trong Tháng Thanh niên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bạn Nguyễn Thị Diệp Anh, Bí thư Đoàn phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội đặt câu hỏi: “Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Đoàn triển khai 3 phong trào hành động cách mạng và 3 chương trình đồng hành với thanh niên. Bí thư thứ nhất đánh giá như thế nào về mức độ triển khai các phong trào và chương trình hành động của Đoàn trong giai đoạn vừa qua và định hướng trong thời gian tới, về phạm vi ảnh hưởng, tác động của các chương trình đồng hành đối với các đối tượng thanh niên?"

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Sau quá trình triển khai các phong trào, chương trình, chúng tôi rút ra 3 quan điểm lớn: Muốn phát huy thanh niên, cần phải đồng hành với thanh niên; bối cảnh thanh niên hiện nay có nhiều sự thay đổi, đa dạng, phân tầng, nên cần có phong trào nhánh cụ thể vào từng đối tượng thanh niên; phong trào thanh niên phải được đo đếm bằng hiệu quả làm lợi cho cộng đồng, xã hội, đất nước. Khi sơ kết giữa nhiệm kỳ cho thấy, 3 phong trào hành động cách mạng và 3 chương trình đồng hành với thanh niên được triển khai rộng khắp, đồng đều đến mọi đối tượng thanh niên”.

Bạn Hoàng Thanh Tùng, đoàn viên tại Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đặt câu hỏi: "Hiện nay, có một bộ phận thanh niên đang xa rời những định hướng, giá trị, lý tưởng sống tốt đẹp, đề cao nhu cầu hưởng thụ. Trước thực trạng này, Đoàn Thanh niên làm gì để định hướng, giáo dục, vun đắp lý tưởng, khát vọng, hoài bão cho thanh niên?"

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn khẳng định thanh niên hiện nay vẫn luôn có niềm tin vào Đảng, vào Nhà nước, vẫn luôn có khát vọng cống hiến cho Tổ quốc. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn khẳng định thanh niên hiện nay vẫn luôn có niềm tin vào Đảng, vào Nhà nước, vẫn luôn có khát vọng cống hiến cho Tổ quốc. Tuy nhiên vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận hiện nay là một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thậm chí, một số ít thanh niên bị lôi kéo, có những việc làm đi ngược lại truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng, của dân tộc.

Anh Nguyễn Anh Tuấn hứa sẽ có một chương trình riêng để tăng cường lý tưởng cách mạng, lối sống văn hóa cho các bạn thanh thiếu nhi và nhi đồng. “Tôi cũng mong rằng đoàn thanh niên các cấp tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy đảng cùng nhau phối hợp với các gia đình tạo được một môi trường tốt nhất cho thanh thiếu niên để giáo dục, vun đắp lý tưởng, khát vọng, hoài bão cho thanh niên”, anh Tuấn nói.

Thu hút nguồn nhân lực về nước làm việc

Bạn Trần Thiện Quang - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc hỏi: "Nhiều bạn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài có mong muốn trở về nước lập nghiệp, tìm kiếm việc làm, tuy nhiên còn băn khoăn về môi trường làm việc và việc đãi ngộ có tốt hay không. Trước lựa chọn ở lại nước ngoài và trở về nước đóng góp, nhiều bạn không khỏi lo lắng. Từ góc độ của Đoàn, xin Bí thư thứ nhất cho biết giải pháp nào để hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về nước làm việc, đóng góp cho đất nước trong thời gian tới?"

“Đây là câu hỏi không mới khi nói về sự băn khoăn của người trẻ Việt Nam đi ra nước ngoài học tập, công tác. Với bối cảnh công nghệ số hiện nay, ranh giới giữa các quốc gia không còn lớn như cách đây 10 năm trước nữa. Chúng ta hoàn toàn đóng góp được vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, về trong nước thì đóng góp trực tiếp, cụ thể hơn, nhiều hơn.

Điều kiện Việt Nam bây giờ rất tốt. Các bạn thấy, rất nhiều thanh niên nước ngoài tìm đến Việt Nam tìm đến cơ hội làm việc trong các tập đoàn kinh tế, cũng như cơ hội lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.

Buổi đối thoại nằm trong các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh nếu còn những rào cản, thì người trẻ phải là người khai phá, tiên phong, thay đổi. Nếu ngồi chờ thay đổi theo ý mình, thì mới về công tác cống hiến thì không có ai đi đầu khai phá, cống hiến cả” - Bí thư thứ nhất Nguyễn Anh Tuấn trả lời.

Bạn Lê Anh Tiến, CEO Chatbot Việt Nam, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 trong lĩnh vực kinh doanh - khởi nghiệp đề nghị Bí thư thứ nhất cho biết quan điểm đánh giá về những vấn đề Đoàn Thanh niên các cấp đã thực hiện được trong hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn, trang bị kiến thức kỹ năng khởi nghiệp?

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết có các nguồn vốn cơ bản để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp như vốn thông qua tín dụng chính sách. Tuy nhiên nguồn vốn này chỉ phù hợp với các bạn thanh niên nông thôn, và vay vốn chỉ lên tới 1 tỷ đồng không cần thế chấp, nhưng có nhiều bạn chưa thực sự biết làm đề án kêu gọi vốn, chưa thực sự thuyết phục để kêu gọi đầu tư. Cùng với đó, vốn đến từ các quỹ thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên chưa có nhiều cuộc gọi vốn, chưa có kết nối đến các nhà đầu tư cho các bạn trẻ. Vốn từ Ủy ban của các địa phương ủy thác vào quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp; đến nay 8 tỉnh thành phố đã có vốn ủy thác vào quỹ hộ trợ thanh niên lập nghiệp, tạo cơ chế về mặt nguồn vốn cho các bạn thanh niên.

Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bạn Lò Bá Chầu (dân tộc Dao), huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đặt câu hỏi: "Trung ương Đoàn có các giải pháp, cơ chế gì để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế, tháo gỡ những khó khăn cho thanh niên tại các Làng thanh niên lập nghiệp do Trung ương Đoàn đầu tư xây dựng trong thời gian tới?"

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Quản Bạ chưa có làng thanh niên lập nghiệp, hiện tỉnh Hà Giang chỉ mới có một làng thanh niên lập nghiệp tại huyện Vịnh Xuyên. Mô hình Làng thanh niên lập nghiệp được xây dựng thí điểm từ 2001-2020, sau đó phát triển tiếp ở biên giới. Về cơ bản, những làng này đã góp phần tạo ra công ăn việc làm, giữ vững được an ninh trật tự, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia.

Tuy nhiên các làng đều trong những vùng sâu vùng xa khó khăn về giao thông, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm làm ra, có hiện tượng cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều thanh niên bỏ làng đi khi hết hỗ trợ ban đầu.

Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn sẽ phối hợp cùng các đoàn cơ sở, các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp bàn giao công nghệ, đầu tư, củng cố lại cơ sở vật chất tại địa phương để duy trì dân sinh, xây dựng các khu vui chơi học tập cho trẻ em, xây dựng lại đường xá, cơ sở giao thông hạ tầng và triển khai các mô hình sinh kế đến từng hộ gia đình.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/nguoi-tre-phai-khai-pha-tien-phong-thay-doi/425980.vgp