Người trẻ muốn làm, hãy thử!

Nguyễn Tuệ Anh – nữ chuyên gia, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Phát triển quốc tế (Đại học Harvard, Mỹ), hiện đang nghiên cứu Chính sách công tại Trường chính sách Blavatnik School of Government (Đại học Oxford)... chia sẻ với TG&VN rằng: 'Người trẻ muốn làm thì hãy thử, không thể biết được điều bất ngờ gì sẽ đến và ngỡ đâu mình sẽ tìm được chính bản thân mình'...

Chào TS. Nguyễn Tuệ Anh, Trưởng điều phối Nhóm nghiên cứu Kinh tế Phát triển của Mạng lưới các nhà kinh tế trẻ toàn cầu (Young Scholars Inititative - YSI) tại Viện Phát Triển Tư duy Kinh tế mới tại New York. Xin chị chia sẻ đôi nét về YSI?

YSI ra đời từ năm 2009 dưới sự bảo trợ của Viện Phát triển Tư duy Kinh tế mới (INET). Chúng tôi may mắn có sự hỗ trợ chuyên môn của 4 Giáo sư đoạt giải Nobel (Stiglitz, Akerlorf, Heckman và Spence) và rất nhiều giáo sư, chuyên gia hàng đầu thế giới. YSI hiện là mạng lưới của hơn 9000 nhà kinh tế và khoa học xã hội trẻ trên toàn thế giới, bao gồm gần 20 nhóm nghiên cứu chuyên ngành, thường xuyên bàn luận và nghiên cứu thực tế cũng như lý thuyết phục vụ cho một xã hội phát triển về học thuật và tư duy.

Nguyễn Tuệ Anh.

Ban đầu, khi mới bước vào nghiên cứu sinh, tôi có xin học bổng của YSI để tham gia đào tạo tại Lausanne (Thụy Sỹ), sau đó tiếp tục được hỗ trợ để trình bày nghiên cứu tại New York, Mỹ. YSI đã tạo điều kiện cho tôi tiếp cận các giáo sư đầu ngành và cho tôi cơ hội phát triển tư duy cá nhân. Tôi đồng hành với YSI trong nhiều sự kiện và nghiên cứu rồi đến năm 2016 thì trở thành Trưởng điều phối của nhóm nghiên cứu Kinh tế Phát triển. Đến nay, nhóm của chúng tôi đã tổ chức các hội thảo, trao đổi nghiên cứu tại rất nhiều nơi như Mỹ, Anh, Pháp, Nam Phi, Argentina, Đức, Italy, Hongkong (Trung Quốc)… và đã tài trợ cho hàng trăm nghiên cứu sinh và trợ lý giáo sư tham gia chương trình.

Thỉnh giảng tại rất nhiều trường đại học danh tiếng tại Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Singapore..., chị thấy người trẻ Việt có thế mạnh nổi bật gì?

Việc được mời đi thỉnh giảng tại các nơi là một điều may mắn với tôi vì có những người nhận ra trường hay viện nghiên cứu của họ muốn nghe bài nghiên cứu của tôi, và cũng là cơ hội tôi học hiểu thêm từ họ.

Từ kinh nghiệm gặp gỡ, trao đổi hay giảng dạy một số sinh viên Việt Nam thì tôi thấy họ thường chăm chỉ, lắng nghe và có nhu cầu muốn học, muốn tốt hơn. Đôi lúc tôi thấy các bạn ấy còn năng động hơn cả những sinh viên nước ngoài nữa, đặc biệt là sự quan tâm của họ dành cho nhau và dành cho giảng viên rất nhiều tình cảm.

Tôi cũng may mắn gặp được một số nhà khoa học, giảng viên người Việt đang làm việc tại Anh, Mỹ, Pháp thì thấy họ rất giỏi chuyên môn, có suy nghĩ sâu rộng và nhiệt tình hỗ trợ nếu có người đồng hương cần giúp. Tôi rất cảm kích tinh thần này của các anh chị. Có một số người đã cho tôi kinh nghiệm và niềm tin hơn vào con đường của mình đang đi.

Ngoài làm giảng viên, diễn giả, chuyên gia, chị còn dịch sách. Vậy đâu thực sự là công việc yêu thích của chị?

Đối với tôi, việc tìm hiểu điều mới, trải nghiệm mới thúc đẩy tôi làm nhiều việc, dù thời gian có hạn. Tôi luôn mong muốn học và tiếp thu kiến thức mới, qua đọc sách, trao đổi và nghiên cứu. Và tôi thường nghĩ, người trẻ muốn làm thì hãy làm thử, không thể biết được điều bất ngờ gì sẽ đến và ngỡ đâu mình sẽ tìm được chính bản thân mình.

Tôi thích được nghiên cứu, nhưng phải là đề tài tôi thực sự thích. Bên cạnh đó, tôi thích đi giảng, vì tôi mong muốn truyền đạt những gì mình biết cho những người muốn học và thấy kiến thức có ích. Đôi lúc tôi còn học được từ sinh viên về những tư tưởng và cách suy nghĩ đa chiều khác nên tôi thấy không có giờ giảng nào bị lặp lại. Còn những việc khác đều là sản phẩm của những sự hiếu kỳ và mong muốn được đóng góp cho xã hội.

TS. Nguyễn Tuệ Anh cùng với các giáo sư và đồng nghiệp YSI tại Đại học Oxford, Anh.

Với những trải nghiệm của bản thân, chị thấy cần có những kỹ năng gì để hội nhập thành công ở xứ người, thưa chị?

Tôi chưa thấy mình đã là người thành công trong xã hội, chỉ mới bắt đầu mà thôi. Trong thời gian học tập và làm việc ở ngoài nước, tôi thấy một vài điều đã giúp mình, đó là: khả năng ngoại ngữ, quan sát, lắng nghe và cởi mở.

Tôi học tiếng Anh nhiều năm và cũng giao tiếp nhiều trước khi đi du học nên khi mới sang Anh, tôi có thể nghe nói và đọc sách ổn, giúp cho việc giao tiếp với thầy cô, bạn bè trong trường, giao tiếp bên ngoài, đi lại và tìm hiểu cuộc sống mới dễ hơn chút. Tôi ước mình biết nhiều thứ tiếng để có thể học hiểu và đi nhiều nơi hơn.

Tôi nhận ra nơi nào cũng có cách sống, làm việc khác nhau, chỉ cần mình hiểu được cách đó thì việc hội nhập sẽ nhanh chóng hơn. Đồng thời, tôi từ nhỏ là người cởi mở, không câu nệ. Tôi thích tìm hiểu về công việc, sở thích, sở đoản của bạn bè nên cũng dễ có bạn bè. Tôi nghĩ dù ở đâu, sống chân thành, không vụ lợi, không phân biệt thì cũng tốt.

Công việc ở nước ngoài rất bận rộn nhưng chị vẫn trở về nước với các hoạt động ý nghĩa. Chị mong muốn kết nối gì với quê hương?

Tôi luôn nghĩ là nếu mình có thể làm được việc có ích và đóng góp cho đất nước thì mình sẽ cố. Chuyên môn của tôi là kinh tế và chính sách công. Những nghiên cứu của tôi có nhiều về Việt Nam và các nước đang phát triển. Tôi cũng hy vọng có những kết nối chia sẻ số liệu, thông tin và cập nhật nghiên cứu với các nhà khoa học khác để hiểu hơn về Việt Nam. Nếu có cơ hội thì kết hợp làm nghiên cứu chung.

Dự án thường niên như Trường hè Nghiên cứu (Vietnam Summer School in Research) mà tôi đồng sáng lập cũng là từ ước muốn đóng góp cho xã hội và kêu gọi ủng hộ cho bệnh nhân nhi. Tôi mong dự án có đầu tư chất lượng thì sẽ được mọi người ủng hộ, từ việc tham gia học, đến giúp đỡ tổ chức và tài chính. Năm 2018, trường hè đã có bước khởi đầu thành công. Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức tại Đại Học Kinh tế - Đại học Quốc gia, Hà Nội vào cuối tháng 7 này.

Tháng 5 tới, tôi rất vui mừng vì INET đã lựa chọn Đà Nẵng là nơi tổ chức Hội nghị Kinh tế trẻ toàn châu Á 2019 (YSI Asia Convening). Chúng tôi chào đón hơn 30 giáo sư đầu ngành, các chuyên gia kỳ cựu và hơn 300 nhà kinh tế trẻ trên toàn thế giới đến với Đại học Đà Nẵng. Tôi hy vọng qua sự kiện này, sẽ có nhiều sinh viên và chuyên viên nghiên cứu tại Việt Nam tham dự và chia sẻ.

Chị nghĩ gì về vấn đề thu hút tri thức người Việt ở nước ngoài vào xây dựng và phát triển đất nước - một vấn đề đang được Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm hiện nay?

Sự quan tâm này dành cho tri thức người Việt ở nước ngoài là điều đáng trân trọng. Đối với tôi, nguồn lực muốn phát huy thì trước tiên phải là nguồn lực mạnh. Những người Việt ở nước ngoài, dù có làm trong môi trường học thuật hay không thì ít khi họ quên đi nguồn gốc của mình lắm. Vì thế, dù ở đâu, miễn là người Việt sống tốt, học tốt, làm tốt, có vị trí, có giá trị thì cũng sẽ có ích.

Xin cảm ơn chị!

TRỌNG VŨ

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nguoi-tre-muon-lam-hay-thu-88500.html