Người trẻ học và làm bao nhiêu là đủ?

Dạo gần đây, một câu nói của Shark Thái Vân Linh gây nhiều ý kiến trái chiều về việc người trẻ làm việc và học tập như thế nào là đủ. Theo đó, bà đưa ra lời khuyên “Các bạn không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm”. Vậy người trẻ làm việc, nghỉ ngơi trước 7 giờ đều là chưa đủ? Thước đo nào để đo sự “đủ” đó? Trong bối cảnh mới, liệu việc áp dụng kinh nghiệm thành công của người khác vào bản thân mình có thật sự đúng đắn?

"Điều cơ bản nhất là các bạn đi làm từ 9h sáng đến 6h chiều về, nhưng sau đấy các bạn phải làm thêm cái gì đó nữa. Nghĩa là: Các bạn không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm rồi. Các bạn có thể ở lại làm thêm công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, tới khi về rồi cũng có thể nghiên cứu thêm nữa".

"Điều cơ bản nhất là các bạn đi làm từ 9h sáng đến 6h chiều về, nhưng sau đấy các bạn phải làm thêm cái gì đó nữa. Nghĩa là: Các bạn không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm rồi. Các bạn có thể ở lại làm thêm công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, tới khi về rồi cũng có thể nghiên cứu thêm nữa".

"Chỉ có như vậy các bạn mới có đủ sự chuẩn bị để nắm lấy cơ hội", Shark Thái Vân Linh kết luận. Thật ra, ý nghĩa của lời khuyên này chủ yếu là muốn các bạn trẻ hãy cố gắng hơn, chăm chỉ hơn, tranh thủ trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng nếu muốn thành công. Khi còn trẻ, đây là khoảng thời gian cần sự nỗ lực nhiều nhất để tiến đến mục tiêu của mình, tất nhiên, điều này không có gì sai. Ông bà từ xưa vốn đã nói “có công mài sắt có ngày nên kim”, nhưng nếu xét sâu hơn, thành công giờ đây cũng có nhiều hình nhiều dạng, nhiều định nghĩa. Vì thế mà cách để thành công cũng có muôn hình vạn trạng.

Có một điều có thể chắc chắn, không ai dám khẳng định mình là hình mẫu của sự thành công. Tiền bạc, vật chất, địa vị,… giờ đây có còn là thước đo, là chuẩn mực? Với nhiều người, phải có danh tiếng, phải sống trong nhung lụa xa hoa mới được gọi là thành đạt. Nhưng với một số người, họ chỉ cần sống hạnh phúc, yên ấm, cơm đủ no áo đủ mặc đã được gọi là thành công lớn nhất của đời người. Vì thế, nỗ lực của từng cá nhân sẽ khác nhau, chung quy lại, họ biết điều gì khiến cho cuộc sống của mình thoải mái nhất.

Có người làm việc từ 5 giờ sáng đến tận tối khuya, họ chỉ làm công việc tay chân, phổ thông bình thường, vì thế mà xã hội hiếm khi đánh giá họ là người thành công. Cũng có những người mỗi ngày chỉ làm việc một vài tiếng, nhưng họ kiếm được nhiều tiền, họ có địa vị, ngay lập tức được công nhận là những người thành đạt. Đây là những kiểu thường thấy trong chuẩn mực đánh giá sự thành công hiện nay? Liệu điều này có còn đúng?

Một anh công nhân làm công việc bốc vác hàng hóa, anh hoàn toàn có thể tăng ca thêm, nhưng điều này có đảm bảo cho sức khỏe lâu dài hay không? Việc anh cố gắng chăm chỉ hơn có giúp cho thành công sau này của anh hay không? Có thể thấy, mỗi ngành nghề lại có sự khác nhau về chuẩn thành công, chung quy lại, mỗi người chỉ cần nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình chính là điều cần nhất.

Muốn thành công, phải nỗ lực, đó là điều không có gì để bàn cãi. Nhưng nỗ lực bao nhiêu là đủ mới chính là chuyện cần bàn. Không thể dễ dàng quy chụp người không làm việc nhiều, về trước 7 giờ là người không nỗ lực. Những người về sau 7 giờ cũng chưa chắc gì đã là người có cố gắng hơn. Hãy nhìn thành quả mà đánh giá, nhìn cách họ đạt được mục tiêu mà xem xét.

Nỗ lực cũng có nhiều dạng, có người tập trung trau dồi kỹ năng, có người lại chọn cách “ngoại giao” khéo léo, học hỏi từ nhiều môi trường khác nhau. Không phải chỉ cần ngồi trên bàn, nghiên cứu tài liệu, ở lại công ty đến khuya đã là chăm chỉ, là nỗ lực. Một số người họ có cách học khác, họ nghiên cứu đời sống, tìm ra những bài học, kiến thức mới từ chính những người xung quanh. Họ chẳng cần ở lại sau 7 giờ, vùi đầu vào đống tài liệu hay lý thuyết, họ thực hành, quan sát rồi rút ra kinh nghiệm. Đâu thể nói những người như thế là thiếu cố gắng.

Mỗi cá nhân có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, thậm chí cùng là anh chị em trong một gia đình, ngay từ khi sinh ra họ đã khác biệt. Có người thông minh, chỉ cần học tập 1 tiếng mỗi ngày là đủ, nhưng cũng có những người, họ phải mất 1 ngày hay 1 tháng để thuần thục được một kỹ năng nào đó. Điều kiện môi trường xung quanh, bối cảnh sống khác biệt cũng sẽ mang lại sự khác biệt trong nỗ lực làm việc và học tập. Một vài bạn trẻ không chỉ có nhiệm vụ học tập và làm việc, họ còn có trách nhiệm với gia đình, họ không thể đảm bảo mình có thể ở lại công ty tận khuya, chỉ chăm chăm vào làm việc, vậy họ không thể thành công hay sao?

Một số bạn trẻ không quan trọng lắm về chuyện lương tháng hay địa vị, họ yêu thích tự do, muốn khám phá và sống hạnh phúc. Vậy bắt họ phải ở lại công ty sau 7 giờ có phải là việc đi trái lại với mục đích sống và quan niệm thành công của họ hay không? Một số người khác, họ muốn thành công theo định nghĩa cơ bản: tức là phải có tiền, có địa vị,… họ ở lại sau 7 giờ, chăm chỉ học hỏi làm việc, rồi sao nữa? Lấy gì đảm bảo họ sẽ có được cái mình muốn?

Nếu như một người lãnh đạo nhìn vào thời gian nhân viên của mình ở lại sau giờ làm để đánh giá người đó có năng lực và nỗ lực hay không thì thật là sai lầm tai hại. Chính xác nhất, hãy nhìn vào kết quả, chất lượng công việc họ mang đến cho công ty. Ai cũng mong muốn có một nhân viên chăm chỉ, nhưng sự chăm chỉ của họ lại khá vô nghĩa khi chúng không mang lại kết quả gì. Ngược lại, một nhân viên “đi muộn về sớm”, nhưng luôn hoàn thành tốt công việc, mang lại lợi nhuận, hiệu suất cao, có phải vẫn hơn chăng?

Mỗi người có một cách thành công cho mình, có người nhờ nỗ lực, có người nhờ may mắn, những người được cho là “hình mẫu” của sự thành công liệu đã có thể đại diện cho tất cả mọi cá nhân khác, điều này còn phải bàn lại.

Có nhiều ý kiến nhận xét cho rằng “khi bạn thành công, điều gì bạn nói cũng thành chân lý”, câu nói này có phần châm biếm nhưng lại khá sâu cay. Nhưng ở xã hội ngày nay, mọi thứ đã khác, sự phát triển buộc người trẻ phải có cái nhìn đúng đắn hơn, tự đánh giá bản thân mình, biết mình là ai, mình cần gì. Những người, tạm được gọi là “thành công”, họ cũng chỉ là một cá nhân trong xã hội, thành công trong một lĩnh vực nhất định nào đó. Bạn không thể áp đặt toàn bộ cuộc đời, kinh nghiệm của họ vào bản thân mình.

Có một hình mẫu là không sai, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước cũng không hề sai, tuy vậy, học hỏi cần đi kèm với chọn lọc. Đừng xem bất cứ lời nói nào cũng là “chân lý”, nghe qua có vẻ đúng, nhưng nó không thể đúng với mọi người, mọi hoàn cảnh. Xã hội luôn vận động, thời thế luôn thay đổi, áp dụng kinh nghiệm cũng cần xem xét lại chúng có thật sự phù hợp với bối cảnh hay chưa. Nếu như bạn xem trọng hạnh phúc gia đình, mái ấm chính là thành công của bạn, thì đừng ngại ngần về nhà đúng giờ, dành thời gian cho những người bạn yêu thương.

Các bạn trẻ luôn được khuyến khích phải nỗ lực, nhưng trước tiên hãy xác định rõ mục tiêu của mình là gì rồi hãy chọn cách phù hợp để phấn đấu cho mục tiêu đó. Đừng ngại đi ngoài những đánh giá chung của xã hội, chính bản thân bạn mới là người hiểu rõ mình muốn gì. Bạn có thể làm việc 3 tiếng một ngày, hoặc 24 tiếng một ngày, điều đó là tùy thuộc vào bạn. Nhưng đến cuối cùng, bạn có đạt được điều mình mong muốn, có cảm thấy thoải mái với công việc đang làm hay chỉ thu lại toàn sự chán nản và mệt mỏi, quyết định là ở bạn!

Hơn hết, đừng dễ dàng đánh giá người khác chỉ vì họ khác biệt so với “chuẩn” của xã hội. Một người rời khỏi chỗ làm sớm không có nghĩa là họ thiếu cố gắng, thiếu chăm chỉ. Đừng đánh giá sự thành công bằng những “chuẩn” thông thường, mỗi người có một ước mơ riêng, có cách sống riêng, hãy tập trung vào bản thân mình trước khi phán xét hay quy chụp kinh nghiệm sống của mình lên người khác.

Bài viết: Anna
Thiết kế: Phan

Anna

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/song-tre/hoc-duong/nguoi-tre-hoc-va-lam-bao-nhieu-la-du-57237.html