Người trẻ ham vui

Có bao nhiêu bạn trẻ trong số hàng vạn người đổ ra đường chào mừng sau mỗi chiến thắng của đội bóng đá U23 và Olympic Việt Nam hiểu biết về bóng đá, thực sự yêu bóng đá?

Điều này nói chung chẳng quan trọng gì bởi đây là lúc người ta cảm thấy được vui, được chia sẻ niềm vui, niềm tự hào. Song những người hiểu biết đã nhận xét rất có lý, rất thực tế rằng, với nhiều bạn trẻ chào mừng chiến thắng chỉ là cái cớ để được thể hiện mình, được hò hét, nhảy múa, phóng xe thỏa thích mà họ gọi là “đi bão”. Tiếp đó là ăn nhậu tới bến, thậm chí là đập phá trong cơn cuồng say không chỉ vì vui quá độ mà còn vì rượu, bia kích động, thách đố.

Không khác đám đông xuống đường kia là đám đông quay cuồng theo những tiết tấu nhạc điện tử trong các vũ trường, các lễ hội âm nhạc, hay đổ xô tranh cướp lộc, hoa trong lễ hội truyền thống... Chẳng hẳn là họ sành âm nhạc, hiểu biết hồn vía lễ hội cả đâu... Tuổi trẻ hiếu động, ham vui và dễ bị kích động là điều không lạ xưa nay song sự kích động bây giờ đến từ nhiều hướng, nhiều cách thức và phương tiện mới tinh vi, khó lường hơn và nguy hiểm hơn bội phần. Đặc biệt các các chất kích thích, gây nghiện kiểu mới như cần sa, “cỏ Mỹ”, “cỏ ca” (Canada) và nhất là các chất ma túy tổng hợp được lén lút từ nước ngoài đưa vào hay bào chế, tổng hợp ngay trong nước có tác động tức thì với nồng độ độc tố cực cao, đã đẩy độ nguy hại lên đỉnh điểm mới. Tai họa sốc thuốc làm 7 thanh niên bị chết tại Lễ hội âm nhạc “Du hành đến mặt trăng” vừa xảy ra tại Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) thực sự là chuyện sớm hay muộn đã tới.

Đau đớn thay, những đứa con, những người bạn thường ngày vẫn ngoan hiền là thế mà bỗng chốc trở thành kẻ nghiện ngập, sa ngã. Vì sao nên nỗi? Bắt đầu từ đâu? Một vài cuộc bạn bè tụ tập sinh nhật, rủ nhau đi chơi, đi ăn uống, đi hát rồi bị rủ rê, lừa gạt thành đàn đúm, a dua trong những thú vui, cảm giác mới lạ. Tuổi trẻ cần hòa đồng, cần bạn bè, cần giải trí, cần những cuộc vui và cần thể hiện mình. Nhưng chính nhu cầu tốt đẹp của những con người trong trắng ấy lại là chỗ yếu của họ. Cuộc tấn công của các loại “ma”, các loại cám dỗ từ bia rượu, cờ bạc, ma túy ngày càng tinh vi và hiểm độc do vậy xã hội và mỗi gia đình càng không thể không cảnh giác, chủ quan mà sao nhãng sự quan tâm đến từng đứa trẻ và người trẻ. Chúng ta không tán thành cách bao bọc, quản lý, kiểm soát một cách róng riết để con trẻ trở thành những chú gà công nghiệp khờ khạo, bỡ ngỡ. Nhưng các bậc cha mẹ, những người lớn phải gần gũi để hiểu những nhu cầu, sở thích của con em mình và những người trẻ để từ đó định hướng, uốn nắn để chính những người đang lớn biết phân biệt, chọn lọc điều hay lẽ phải, biết tự bảo vệ mình trước những mật ngọt cám dỗ.

Cuộc chiến chống lại sự xâm nhập và hủy hoại của mọi loại chất kích thích và ma túy không bao giờ có hồi kết ở mọi quốc gia, mọi môi trường xã hội. Các lực lượng chức năng của chúng ta đã phải đổ cả máu để ngăn ngừa và chống chọi lại nạn buôn bán ma túy. Các bệnh viện, trung tâm cai nghiện đã tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và công sức để giúp người nghiện hút chữa trị và trở lại cuộc sống bình thường. Các nhà trường, các tổ chức thanh niên, phụ nữ, các hội nhân đạo đã liên tục phát động, tổ chức các hoạt động giáo dục tập thể, các phong trào tình nguyện để hướng thanh niên đến với ý thức tập thể và cuộc sống lành mạnh... Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cũng được đầu tư, đẩy mạnh trên mọi cấp độ... Song tất cả những hoạt động ấy cần nhân lên thường xuyên, rộng rãi hơn, phủ kín mọi ngóc ngách cuộc sống để không một người trẻ nào không được hòa mình, được lớn lên trong môi trường tốt lành./.

SA MUỘN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nguoi-tre-ham-vui-550068