Người trẻ đừng đợi 'ý tưởng chín muồi' mới khởi nghiệp

Nhiều bạn trẻ hiện nay có nhiều ý tưởng lập nghiệp rất hay nhưng chưa mạnh dạn biến ý tưởng trở thành hiện thực. Khi cảm thấy ý tưởng độc đáo và mang tính thực tiễn cao các bạn trẻ cần hành động quyết liệt để nắm láy cơ hội.

Các diễn giả truyền đạt về kinh nghiệm khởi nghiệp trước hàng trăm sinh viên

Đây là kinh nghiệm về khởi nghiệp được ông Nguyễn Tuấn Khởi, CEO Mạng Khởi nghiệp Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm “Khi nào người trẻ khởi nghiệp?”, tổ chức sáng ngày 26/11 tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Tọa đàm “Khi nào người trẻ khởi nghiệp?” do Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam, Mạng Khởi nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P.Việt Nam) tổ chức với sự tham gia của nhiều diễn giả đã khởi nghiệp thành công và làm việc trong những công ty đa quốc gia.

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, chúng tôi luôn khuyến khích các sinh viên của mình phát triển kỹ năng, hướng đến lập nghiệp và khởi nghiệp. Tuy nhiên trước hết các bạn trẻ cần phải vững kiến thức chuyên môn, biết thế mạnh của mình là gì và trải nghiệm những thời gian quý báu tại trường học. Đồng thời qua những cuộc thi khởi nghiệp cũng sẽ giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm, các chuyên gia hướng dẫn sẽ giúp thanh niên, đặc biệt là sinh viên khởi nghiệp thành công.

CEO Mạng Khởi nghiệp Việt Nam Nguyễn Tuấn Khởi cho rằng, thực tế ở Việt Nam, sự tự tin về năng lực kinh doanh thường tỷ lệ thuận với độ tuổi. Tỷ lệ thanh niên (18 - 34 tuổi) nhận thức có khả năng kinh doanh ở Việt Nam là 55% trong khi tỷ lệ này ở trung niên (35 - 64 tuổi) là 68,6%. Trong khi đó, dường như thanh niên, đặc biệt là sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường lại là nhóm nhanh nhạy và nhìn nhận cơ hội kinh doanh tốt hơn, khi 58,7% thanh niên nhận thấy có cơ hội kinh doanh, trong khi tỷ lệ này ở nhóm người tuổi trung niên là 54,9%. Tỷ lệ thanh niên nhận thấy lo sợ thất bại trong kinh doanh là 43,8% thấp hơn mức 47,4% của những người trung niên.

Theo ông Khởi, để khởi nghiệp thành công yếu tố quan trọng nhất là người khởi nghiệp cần được đào tạo kiến thức nhất định. Tinh thần khởi nghiệp bắt nguồn từ những ý tưởng kinh doanh tiềm năng từ các bạn trẻ phần lớn là sinh viên. Tuy nhiên ý tưởng đó phải đi kèm với nhu cầu thực tế từ xã hội hay thị trường. Bởi khởi nghiệp không chỉ cần ý tưởng hay, độc đáo, mà quan trọng là ý tưởng đó phải có tính tiện dụng và khả thi trong thực tế.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh trao đổi kiến thức tại buổi Tọa đàm " Khi nào người trẻ khởi nghiệp ?"

Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc C.P. Việt Nam cho biết, qua 25 năm đầu tư tại Việt Nam C.P. Việt Nam luôn định hướng phải đào tạo một thế hệ nhân lực trẻ, giỏi lý thuyết, vững kỹ năng chuyên môn và thực hành xã hội. “Thực tế nhiều bạn trẻ sau khi làm việc tại C.P. Việt Nam đã rất trưởng thành, tự tin ra ngoài lập nghiệp. Những người có mong muốn gắn bó lâu dài với công ty sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để rèn luyện kỹ năng chuyên môn, tham gia học tập tại các quốc gia trên thế giới. nhờ đó C.P. Việt Nam hiện nay đã hình thành được nguồn nhân lực vừa trẻ tuổi vừa giỏi chuên môn”, ông Huy chia sẻ thêm.

Trong năm 2019, Mạng Khởi nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm phát triển Doanh nhân Việt Nam sẽ tổ chức chương trình Startup Journey với mong muốn người trẻ, sinh viên có được cơ hội tích lũy kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều mô hình khởi nghiệp hay trên khắp cả nước.

Tại buổi tọa đàm, Mạng Khởi nghiệp Việt Nam đã tổ chức “kick off” chương trình “Startup Journey” tại Việt Nam.Chương trình sẽ chính thức khởi động vào giữa năm 2019, với hình thức chuyến xe khởi nghiệp với 100 bạn trẻ có hoài bão đi qua các tỉnh, thành trên cả nước. Đồng hành cùng chương trình “Startup Journey”, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã phát động cuộc thi Hufi Young Leader với hàng trăm sinh viên có ý tưởng, kiến thức kinh doanh đăng ký tham dự. Những thí sinh đoạt giải cao, có ý tưởng khởi nghiệp hay sẽ được đặt cách tham dự chương trình “Startup Journey” 2019.

Năm 2017, cả nước có thêm 126.000 DN thành lập mới, con số cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Lần đầu tiên, Việt Nam có hơn 100.000 DN thành lập mới trong một năm. Đây là kết quả của tinh thần khởi nghiệp mà Chính phủ đã phát động kể từ đầu năm 2016.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-tre-dung-doi-y-tuong-chin-muoi-moi-khoi-nghiep-112354.html