Người trẻ đòi hỏi cuộc sống thoải mái quá sớm?

Thế hệ trẻ ngày nay không đặt công việc và tiền bạc lên hàng đầu. Họ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, tinh thần và sẵn sàng từ chối những việc làm gây áp lực.

Vài tháng qua, Nguyệt Chu (24 tuổi, quận 8, TP.HCM) thường tắt thông báo trên điện thoại, laptop 2 tiếng trước khi đi ngủ.

Thay vì tất bật trả lời email, xử lý yêu cầu đột xuất từ cấp trên tới lúc thiếp đi như trước, cô sẽ dành trọn khoảng thời gian này cho những sở thích cá nhân, kết nối với bạn bè và “sạc pin” cho tinh thần.

“Trước đây, tôi luôn vô thức đem cảm xúc căng thẳng, ức chế từ công việc vào giấc ngủ, thậm chí trằn trọc cả đêm khi nghĩ tới loạt deadline còn dang dở.

Giờ đây, tôi sẵn sàng từ chối những hạng mục đột xuất nhưng không quá cấp bách, chỉ tăng ca 1-2 tiếng/ngày và nói ‘không' với làm việc vào ngày nghỉ”, cô nói.

 Nguyệt Chu rèn thói quen phân biệt rạch ròi khoảng thời gian cho công việc và cá nhân để duy trì sự cân bằng trong cuộc sống. Ảnh minh họa: Swaddle.

Nguyệt Chu rèn thói quen phân biệt rạch ròi khoảng thời gian cho công việc và cá nhân để duy trì sự cân bằng trong cuộc sống. Ảnh minh họa: Swaddle.

Thế hệ đòi hỏi cân bằng

Chia sẻ với Zing, Nguyệt Chu cho biết cô đang làm việc tại một công ty giải trí. Công việc này yêu cầu sự đa nhiệm, linh hoạt về thời gian và phương thức làm việc.

Vì thế, cô từng bị stress nghiêm trọng khi phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ cùng lịch họp dày đặc mỗi ngày.

Mải miết với những cuộc điện thoại, email từ sáng tới tối, Nguyệt Chu dường như đánh mất khái niệm về thời gian dành cho công việc và cuộc sống cá nhân.

Thậm chí, cô từng bị mất ngủ nguyên một tuần vì căng thẳng, phải đi khám vì sức khỏe và khả năng tập trung suy giảm rõ rệt.

“Sau khi tới bệnh viện, bác sĩ kết luận tôi bị stress nặng nhưng cơ thể không tự ý thức được. Tôi được kê thuốc và yêu cầu không tiếp xúc với bất kỳ thông tin gì liên quan đến công việc trước khi đi ngủ để điều chỉnh trạng thái tâm lý”, cô nói.

Nhiều người trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, suy giảm sức khỏe vì áp lực công việc. Ảnh: Đào Phương.

Kể từ đó, Nguyệt Chu yêu cầu chính mình phải từ chối công việc. Thay vì cống hiến cho các deadline, dự án như trước, cô cố gắng dành thời gian cho bản thân và gia đình. Tất cả những gì cô mong muốn là trạng thái cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư.

“Chỉ khi cơ thể phát tín hiệu tiêu cực, tôi mới nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe và việc phân chia rạch ròi thời gian làm việc - giải trí. Việc nói ‘không’ với những yêu cầu đột xuất không cần thiết và duy trì kỷ luật trong cuộc sống giúp tôi làm việc hiệu quả và khỏe mạnh hơn”, cô bày tỏ.

Tương tự Nguyệt Chu, Khánh Linh (23 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng không hề đề cao sự cống hiến, tận tâm quá mức trong sự nghiệp.

Kết thúc công việc lúc 18h, cô thở phào nhẹ nhõm và bắt đầu tận hưởng khoảng thời gian dành riêng cho mình.

Khánh Linh cho biết cô ưu tiên sự cân bằng trong cuộc sống hơn tiền bạc hay vị trí sự nghiệp. Ảnh: NVCC.

“Mỗi khi tan sở, tôi như được ‘hồi sinh’, tràn trề năng lượng cho một buổi tối bận rộn của mình. Tôi dành thời gian cho những sở thích cá nhân như nấu nướng, xem phim, học ngoại ngữ và làm tình nguyện viên cho một tổ chức”, Gen Z này chia sẻ.

Linh cho biết nhiều bạn bè của mình tận dụng sức trẻ để đạt thu nhập cao cùng vị trí đáng ngưỡng mộ, nhưng cô lại luôn cố gắng để tìm kiếm sự cân bằng.

Cuộc sống lý tưởng đối với Linh là có thu nhập vừa đủ và có thời gian chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần.

“Trừ một vài dự án đặc biệt trong công việc, tôi luôn thu xếp để về nhà đúng giờ, không nán lại tăng ca. Tôi cũng dành trọn hai ngày cuối tuần cho những sở thích cá nhân và coi đó là thời gian ‘nạp năng lượng’. Tôi không nghĩ tăng ca hay đặt công việc lên trên tất cả là lối sống phù hợp với mình”, cô cho hay.

Gen Z từ chối áp lực

Câu chuyện Gen Z (người sinh năm từ 1996 đến 2012) với những cá tính khác biệt so với thế hệ trước vốn đã được bàn luận trong nhiều năm gần đây.

Ở khía cạnh công việc, Gen Z khẳng định được sự năng nổ, chủ động, sáng tạo và tràn đầy nhiệt huyết.

Tuy nhiên, đối với một số người, thế hệ trẻ này dường như đòi hỏi sự cân bằng, nhàn hạ quá sớm và ít chịu được áp lực công việc. Bằng chứng là họ thường từ chối làm việc thêm giờ, sẵn sàng từ bỏ những vị sếp khó tính.

Thậm chí, không ít Gen Z còn lập tức cắt đứt liên lạc (ghosting) với công ty nếu như cảm thấy mệt mỏi, không hài lòng.

Chia sẻ với Zing, anh Đào Lê Tâm An, chuyên viên tâm lý, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, Đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng đời sống, xã hội thay đổi theo mỗi thời kỳ và vì thế chúng ta không có hệ quy chiếu phù hợp để so sánh tâm lý của Gen Z với những thế hệ trước.

Anh Tâm An nhận xét Gen Z là một thế hệ chú trọng đời sống tinh thần, không muốn rơi vào vòng lặp “dùng sức khỏe kiếm tiền rồi lại dùng tiền khám sức khỏe". Ảnh: Phương Thảo.

Anh từng lắng nghe tâm sự của nhiều Gen Z về công việc. Theo đó, các bạn trẻ ngày nay không còn quá đề cao thu nhập và sự nghiệp. Họ từ chối tham gia vào vòng lặp “dùng sức khỏe kiếm tiền rồi lại dùng tiền khám sức khỏe".

“Với góc nhìn của nhiều người, có lẽ Gen Z rất sung sướng và không giỏi chịu áp lực. Nhưng số liệu thống kê năm 2018 của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ lại dẫn chứng ngược lại với 77% người trưởng thành thuộc Gen Z đang gặp áp lực trong công việc. Con số này ở nhóm người trưởng thành nói chung chỉ là 64%”, anh nói.

Theo anh Tâm An, lĩnh vực tâm lý học và sức khỏe tâm thần phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam vào giai đoạn mà Gen Z trưởng thành. Do đó, đời sống tinh thần được người trẻ quan tâm nhiều hơn với mong muốn hướng đến sự hạnh phúc thực chất. Không ít bạn trẻ lựa chọn lối sống kiếm tiền vừa đủ và hài lòng với thực tại.

“Trước đây, người ta nói rằng ‘Áp lực sẽ tạo ra kim cương'. Nhưng bây giờ, Gen Z tự tin tuyên bố ‘Tôi là con người, không muốn là kim cương'”, anh bày tỏ.

Tuy nhiên, cũng theo anh Tâm An, ranh giới giữa tâm lý hài lòng thực chất và không cầu tiến, theo đuổi giá trị phù phiếm là rất mong manh. Việc xác định phải tùy theo tâm lý và hoàn cảnh sống của mỗi người.

Anh cho rằng người trẻ không chỉ đang sống cho chính mình mà còn gắn bó với gia đình, bạn bè và xã hội. Việc chọn lẽ sống không hy sinh, ưu tiên quyền cá nhân không có nghĩa là họ được phép mặc kệ quyền lợi của người khác.

“Giả sử một bạn trẻ cảm thấy văn hóa công ty không phù hợp với mình và quyết định nghỉ ngang, không báo trước, không tuân thủ theo hợp đồng lao động thì đó không phải là tự do mà là tùy tiện”, anh nói.

Để người trẻ có thể đạt được sự cân bằng trong tâm lý, anh Tâm An đưa ra nhận định rằng đầu tiên là họ phải liệt kê được những giá trị có sức ảnh hưởng đến bản thân. Sau đó, họ cần chấm điểm mức độ mong muốn của mình dành cho những giá trị này.

“Ví dụ, bạn mong muốn phát triển năng lực bản thân thì cần đầu tư thời gian vào sách vở, các khóa học để nâng cao kỹ năng chuyên môn. Nếu bạn yêu cầu tinh thần được thư giãn, bạn nên chú ý nghỉ ngơi, làm những điều mình yêu thích. Khi viết ra thành các gạch đầu dòng, người trẻ dễ dàng quan sát cách bản thân đang vận hành trong một thế giới hỗn độn.

Một người đi lạc không đáng sợ bằng một người không biết mình phải đi đâu. Hãy chắc chắn rằng bạn hình dung ra đích đến, tức là mục đích sống của mình, còn phương pháp có thể dần dần tìm hiểu”, anh chia sẻ.

Trang Minh - Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-doi-hoi-cuoc-song-thoai-mai-qua-som-post1305885.html