Người trẻ đang định hình bức tranh xuất bản

Tại buổi gặp mặt với các đơn vị phát hành, xuất bản Việt Nam mới đây ở TPHCM, bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức), nhận định thị trường xuất bản thế giới đang phát triển mạnh nhất trong vòng 50 năm qua. Nhìn vào sự thành công của Hội sách TPHCM lần thứ 10 và Đường sách TPHCM, có thể thấy ngành xuất bản Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Một buổi giao lưu tại Hội sách TPHCM 2018. Ảnh: B.U

Tiềm năng dân số trẻ

Giờ đây độc giả đã có nhiều kênh tiếp cận sách nhưng Hội sách TPHCM vẫn thu hút đông đảo bạn đọc ở thành phố và một số tỉnh lân cận. Khoảng 1 triệu bạn đọc tham dự hội sách này; doanh thu hơn 60 tỉ đồng, tăng 20% so với lần 9 được tổ chức vào năm 2016. Theo bà Quách Thu Nguyệt, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sách TPHCM, sau 20 năm tổ chức, Hội sách TPHCM không chỉ thúc đẩy văn hóa đọc cho người dân thành phố mà còn tạo nên một thế hệ bạn đọc mới.

Bên cạnh sự thành công của Hội sách TPHCM 2018, ngành xuất bản còn chứng kiến sự đi lên của Đường sách TPHCM. Sau hơn hai năm thành lập, Đường sách được đánh giá là cú hích cho văn hóa đọc thành phố. Được độc giả thành phố cũng như du khách đón nhận nồng nhiệt, các đơn vị xuất bản, phát hành sách có gian hàng tại khu vực này đã bán ra một lượng sách khá lớn. Doanh thu đường sách năm thứ hai cao hơn năm trước, tổng cộng hai năm doanh thu được trên 67 tỉ đồng. Đây là một con số mơ ước của nhiều đơn vị làm công tác xuất bản ở thời điểm hiện tại.

Thị trường xuất bản hiện không chỉ sôi động ở doanh thu, số lượng đầu sách tiêu thụ mà còn chứng kiến nhiều sự chuyển đổi trong cơ cấu kinh doanh. Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc của Fahasa, cũng là Phó trưởng ban tổ chức Hội sách, cho hay các đơn vị tư nhân trong ngành xuất bản ngày càng lớn mạnh. Điều này trái với hơn một thập kỷ trước, ngành xuất bản chủ yếu tập trung ở các đơn vị nhà nước. Ông Thuận đánh giá, sự chuyển dịch này đã giúp thị trường sách Việt Nam phong phú, đa dạng và bắt kịp với xu hướng thế giới.

“Các đơn vị tư nhân không chỉ phát hành nhiều đầu sách mỗi năm mà chất lượng nội dung cũng được đầu tư kỹ càng. Dù nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà nước nhưng không phải nhà xuất bản nhà nước nào cũng cạnh tranh được với các đơn vị này”, ông Thuận nói.

Không chỉ Việt Nam mà nền xuất bản của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang có những chuyển biến tích cực. Trong buổi gặp mặt giới xuất bản Việt Nam gần đây, bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức), cho hay ngành xuất bản thế giới đang có tốc độ phát triển cao nhất trong vòng 50 năm qua. Bà Kaiser lý giải sự lạc quan của ngành xuất bản có một nguyên nhân quan trọng đến từ dân số trẻ và các mảng sách dành cho họ.

“Giới trẻ đang đọc nhiều sách hơn chứ không phải là ít đi như chúng ta tưởng”, bà Kaiser nhận định.

Với cơ cấu dân số trẻ như hiện nay ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, sự khởi sắc của ngành xuất bản trong nước không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới.

Cơn sốt tác giả trẻ

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều đơn vị phát hành, xuất bản nhận định tương lai của thị trường sách Việt Nam phụ thuộc vào độc giả trẻ. Sự phụ thuộc ở đây không chỉ về mức độ tiêu thụ mà còn ở xu hướng xuất bản, thể loại sách.

Bên cạnh những tác phẩm của các cây bút gạo cội hay các tác phẩm kén độc giả, thị trường xuất bản cũng chiều lòng đối tượng khách hàng là bạn đọc trẻ. Trong vài năm gần đây, nền xuất bản Việt Nam chứng kiến nhiều đầu sách của các tác giả trẻ trở thành best-seller. Chất lượng nội dung, giá trị nghệ thuật một số tác phẩm dù còn nhiều tranh cãi nhưng khó ai có thể phủ nhận rằng những cuốn sách này đã “đánh trúng” thị hiếu, tâm lý của người trẻ.

Các tác giả trẻ đã hâm nóng Hội sách 2018 bằng nhiều sự kiện giao lưu, ký tặng người hâm mộ. Theo ông Thuận, giờ đây, một số nhà văn không chỉ là người viết mà còn là thần tượng của giới trẻ. Họ có số lượng người yêu thích lớn nên có nhiều tác phẩm bán chạy. Để làm được điều này, tác giả phải duy trì được “sức nóng” của mình, phải thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với người hâm mộ.

Thế hệ tác giả 8X, 9X đã thật sự góp phần làm thay đổi bức tranh của ngành xuất bản Việt Nam. Nhiều đơn vị xuất bản nhận định, mối quan hệ giữa tác giả và bạn đọc đã không còn xa cách như những thập kỷ trước. Người viết giờ đây không chỉ quanh quẩn bên bàn viết mà phải ra ngoài quảng bá tác phẩm, tương tác với bạn đọc như những ngôi sao trong showbiz.

Trong số hơn 50 đầu sách được đặt làm tâm điểm trong Hội sách 2018, không thiếu các đầu sách do giới trẻ viết và hướng đến giới trẻ. Đó là: Đi như là ở lại – Lê Vũ Trường Giang, 1987 – nhóm tác giả, Mình nói gì khi nói về hạnh phúc – Rosie Nguyễn, Người xưa đã quên ngày xưa – Anh Khang, Hôm nay người ta nói chia tay – Iris Cao, Người trong đau khổ vẫn cười – Hamlet Trương, Chuyện những người cô đơn – Hạ Vũ, Nắm tay giữa lòng thành phố – T Phan…

Thanh Uyên

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: http://www.sgtiepthi.vn/nguoi-tre-dang-dinh-hinh-buc-tranh-xuat-ban/