Người trẻ chung sức bảo tồn văn hóa Châu Ro

Những điệu múa, bài hát là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Châu Ro. Và ngày nay, nó đang được lưu giữ, phát triển bởi những người trẻ giàu nhiệt huyết.

Các thành viên CLB Múa Trường Dân tộc Nội trú tỉnh trong một điệu múa mô phỏng của người Châu Ro lên nương rẫy.

Các thành viên CLB Múa Trường Dân tộc Nội trú tỉnh trong một điệu múa mô phỏng của người Châu Ro lên nương rẫy.

Gần Tết Nguyên đán Canh Tý, các thành viên CLB Múa hát tiếng dân tộc (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) tề tựu về Nhà Văn hóa dân tộc Châu Ro (ấp Tân Thuận, xã Long Tân) cùng nhau ôn luyện tiết mục múa, hát Ngày hội cồng chiêng. Họ đều là những người trẻ, tuổi từ 13 đến 16. Vừa hát, các bạn trẻ vừa nhún nhảy theo điệu nhạc: “Palây vơn de ui gel yri geh chhơ măg-gel daq Phoong dag lênh geh-gop plây n’cao yah”… (tạm dịch: Quê ta bao núi đồi, hoa rừng ngát hương nồng/Quanh co nước suối chảy, cây trái xanh núi rừng...). Thỉnh thoảng, một vài thành viên đề xuất động tác thay thế, tạo thêm phần mới mẻ cho điệu múa.

Anh Lý Hồng Nam, Bí thư Xã Đoàn Long Tân cho hay, CLB Múa hát tiếng dân tộc ra đời vào năm 2011, từ ý tưởng của các ĐVTN trong xã. Khi mới thành lập, CLB có 12 người, hiện nay đã lên gần 30 người. “Với sự hỗ trợ của các cụ cao niên trong cộng đồng người Châu Ro, GV Trường Dân tộc nội trú tỉnh, chúng tôi đã dàn dựng được một số tiết mục múa mang đậm dấu ấn văn hóa của người Châu Ro. CLB không chỉ là sân chơi cho các bạn trẻ, mà còn để phục vụ các hoạt động dịp lễ, Tết”, anh Nam nói.

Là một trong những thành viên đầu tiên của CLB, Lý Thị Yến Thi đã thuộc hàng chục điệu múa của đồng bào mình. Thi nói: “Sinh hoạt ở CLB, em đã được các thầy, các anh, chị hướng dẫn. Em thấy những điệu múa Châu Ro rất gần gũi, mang vẻ đẹp lao động”.

Tương tự, tại Trường Dân tộc Nội trú tỉnh, CLB Múa dân tộc được thành lập từ năm 2001, với lực lượng chính là HS. Chiều thứ Bảy, thầy Dương Văn Củng, GV của trường hướng dẫn CLB ôn các bài múa mô tả hoạt động gieo trồng của người Châu Ro. Thầy Củng cho biết, những động tác trong đời sống, sản xuất của người Châu Ro như: tưới cây, trỉa hạt, mời khách… đã được chuyển tải thành những động tác múa đơn giản. Khi múa, những chiếc lục lạc trên tay các em phát ra âm thanh vui tươi, rộn rã. “Tôi mê từng điệu múa của người Châu Ro từ nhỏ. Lớn lên, tôi tìm kiếm, học hỏi từ các nghệ nhân, người lớn tuổi, bổ sung kiến thức về múa truyền thống, từ đó truyền lại cho các em để các em không quên văn hóa dân tộc mình”, thầy Củng nói.

Hiện nay, CLB không chỉ biểu diễn trong trường mà còn tham gia biểu diễn trong các “sân khấu” lớn hơn, như: Lễ hội của người Châu Ro; lễ/tết của huyện Châu Đức, TX. Phú Mỹ; Liên hoan hát, múa dân tộc khu vực, toàn quốc…

Thầy Đào Phước, Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú tỉnh cho biết, cùng các nghệ nhân tại thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, trường đã sưu tầm, lưu giữ các điệu múa, cách đánh chiêng, làm đàn tre… của người Châu Ro để truyền dạy cho HS.

Những năm qua, Trường Dân tộc Nội trú tỉnh đã nỗ lực bảo tồn văn hóa Châu Ro bằng việc duy trì CLB múa dân tộc, hát dân ca Châu Ro. Đồng thời, trường cũng hỗ trợ truyền dạy cho các CLB hát, múa tiếng dân tộc ở Long Tân (Đất Đỏ), Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ), Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc)… những động tác múa, bài hát Châu Ro để đồng bào không quên nền văn hóa dân tộc mình. “Nét đặc biệt của các CLB hát múa dân tộc là sự tham gia của thanh niên trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm đa số, nên có sự nhiệt huyết, mới mẻ. Chúng tôi muốn truyền lửa, tạo sự đam mê cho các em, từ đó các em sẽ là những hạt nhân để tiếp tục nhân rộng các bài múa, điệu hát của người Châu Ro”, thầy Phước nhấn mạnh.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202001/nguoi-tre-chung-suc-bao-ton-van-hoa-chau-ro-888538/