Người trẻ chật vật giấc mơ mua nhà Hà Nội

Để hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp với ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội đòi hỏi người trẻ phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, với dân văn phòng dường như điều đó đang trở nên xa xỉ.

Đối với người trẻ, nhà ở không chỉ là nơi an cư lạc nghiệp mà còn được xem như một món đầu tư, tích trữ tài sản lớn. Đặc biệt xu hướng hiện nay người trẻ còn muốn ra ở riêng để khẳng định khả năng độc lập của bản thân, cũng như có trải nghiệm cuộc sống thoải mái, hiện đại hơn. Tuy nhiên, bài toán an cư với họ chưa bao giờ là dễ dàng.

Cuộc sống ngày càng khó khăn khiến người trẻ phải “thắt lưng buộc bụng” để chăm lo cuộc sống. Giấc mơ an cư lập nghiệp với ngôi nhà nhỏ ở đô thị không quá xa tầm với, nhưng đòi hỏi người trẻ phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Nhà là một loại tài sản lớn, cần thời gian tích lũy cả đời chứ không phải ngày một ngày hai. Với người trẻ làm công việc văn phòng, mua nhà ở Hà Nội là điều vô cùng khó khăn nếu chỉ vào tiền lương.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phương Anh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng làm việc ở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết thu nhập hiện tại của cô là 8 triệu đồng/tháng.

Mỗi ngày, Phương Anh chi khoảng 100.000 - 150.000 đồng cho riêng tiền ăn; cộng thêm tiền trọ 3 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, chỉ tính riêng các khoản cố định cần phải chi đã tốn gần 7 triệu đồng trong khoản tiền lương.

Phương Anh cho biết, công việc hiện tại chỉ đủ trang trải cho cuộc sống, sau này lập gia đình, nếu chỉ dựa vào thu nhập của cô thì không có khả năng mua nhà.

Ảnh minh họa.

Công việc không có quá nhiều áp lực nên mức lương của Quốc Khánh, làm việc tại Cầu Giấy chỉ ở mức trung bình.

Quốc Khánh chia sẻ: “Muốn mua nhà cũng phải có hơn tỉ đồng trong tay khi đó mới có thể vay thêm ngân hàng vài trăm triệu đồng. Với thu nhập hiện tại, bố mẹ ở quê không mấy khá giả, mua nhà là điều quá xa vời với dân văn phòng như mình. Cho dù dự án có chính sách vay 70% giá trị căn hộ, thì với lãi suất hiện tại, việc trả lãi cũng trở nên khó khăn”.

Nhiều người làm ở công ty nước ngoài thu nhập khá hơn, dao động từ 18 - 20 triệu đồng, hiếm hoi lắm mới đạt từ 30 - 40 triệu đồng/tháng. Chưa kể, với các bạn trẻ đã có gia đình, các khoản chi như tiền sữa của con cái, tiêu pha lặt vặt, hiếu hỉ… tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ, sẽ chiếm một khoản đáng kể trong “gói chi tiêu” hàng tháng. Nên nếu không cân nhắc, tính toán kỹ sẽ dễ thâm hụt, tạo áp lực cuộc sống.

Đi làm từ khi còn học đại học, dù đã có khoản tài chính vững vàng nhưng Quốc Trung, sống tại Hà Đông vẫn đắn đo về việc mua nhà Hà Nội. Anh cho biết, lãi suất cho vay mua nhà cũng là một vấn đề mà anh quan tâm, cân đo đong đếm.

“Tôi luôn ao ước có căn nhà của riêng mình, nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến các thủ tục ngân hàng rườm rà, phức tạp lại thấy nản vì công việc khá bận. Không chỉ mất thời gian về thủ tục, tôi còn gặp khó khăn trong việc xác định khoản vay sao cho hợp lý với mức thu nhập hiện tại, rồi thời hạn vay, lãi suất,…. Nếu không biết cách tính toán kỹ các phương án tài chính, mỗi sáng thức dậy sẽ mệt mỏi vì gánh nặng nợ nần” – Quốc Trung chia sẻ.

Bên cạnh phần lớn người trẻ đang chật vật tìm nơi an cư cũng có nhiều bạn được gia đình “trải thảm” sẵn khi bắt đầu cuộc sống mới ở thủ đô. Anh Tín sống tại Hà Đông là một điển hình khi được bố mẹ mua cho căn chung cư cao cấp hơn 100m2.

Anh cho biết: “Tôi không có quá nhiều áp lực về tài chính. Nhà đã có sẵn, thu nhập mỗi tháng của tôi đủ để trang trải. Tôi vẫn còn dư dả một ít để gửi về cho bố mẹ”.

Thanh Mai sinh năm 1996, nhân viên văn phòng được gia đình mua nhà từ khi lên Hà Nội học đại học.

Mai tiết lộ, căn hộ 70m2 mua vào năm 2012, lúc đó khoảng 1,5 tỷ đồng. Mai cũng không quá để ý đến chuyện này vì khi đó còn nhỏ, chỉ biết là sắp học đại học và đã có nhà.

Cho đến tận bây giờ, khi đã có nhà và không phải đi thuê nhà, Thanh Mai cảm thấy rất biết ơn bố mẹ vì khi có nhà riêng, cô cảm thấy rất an tâm để tập trung học hành, không phải trải qua thời gian thuê nhà khó khăn như bạn bè đồng trang lứa.

Theo một số chủ đầu tư, hiện nay việc mua nhà chắc chắn sẽ càng khó khăn khi quỹ đất hạn hẹp, chủ đầu tư lớn không còn mặn mà với những dự án nhà giá rẻ, nhà dành cho người thu nhập thấp nên cơ hội mua nhà với nhiều người sẽ ngày càng xa vời.

Với những dự án dưới 3 tỷ đồng, áp lực tài chính thực sự là nỗi sợ của những người trẻ, với mong muốn có nhà, có nơi an cư lập nghiệp, khi muốn mua nhà buộc phải vay vốn ngân hàng.

Thế nhưng, nếu nguồn tài chính chưa đảm bảo mà sở hữu nhà quá sớm thì cả phần đời còn lại sẽ dành chủ yếu để đi trả nợ. Điều này cũng dẫn đến việc người trẻ không còn tiền để tận dụng các cơ hội đầu tư khác.

Thùy Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nguoi-tre-chat-vat-giac-mo-mua-nha-ha-noi-d191045.html