Người trẻ cảm nhận về hòa bình

Với mỗi người trẻ, cảm xúc khi nhắc về hai từ 'hòa bình' dù khác nhau đến đâu vẫn có điểm chung, đó là cảm giác hạnh phúc, an yên, sự phát triển kinh tế bền vững, giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Cuộc sống thanh bình, an yên là cảm xúc hòa bình mà người trẻ cảm nhận được - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong buổi sáng bình yên

“Tôi thích nhất khoảnh khắc mỗi buổi sáng, thức giấc, nhìn sang bên cạnh con gái mình đang ngủ an yên và trước mặt mình, lọ hoa đang xòe cánh. Hòa bình là đây chứ đâu, nó không phải những định nghĩa khô khan nữa, hòa bình với tôi có thể cảm nhận trong nụ cười của con gái, trong một buổi sáng cả nhà ăn sáng, đọc báo, uống trà…”, đó là chia sẻ của Phạm Minh Trang, 27 tuổi, cựu sinh viên University of the west of England (Vương quốc Anh), đang làm việc tại một ngân hàng ở Q.3, TP.HCM.

Lê Chí Tài, 24 tuổi, sinh viên Trường Friedrich Alexander Universität (Đức), Phó chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Đức, nói với PV Thanh Niên: “Hòa bình là biểu tượng của sự bình yên, nơi không có đổ máu, chiến tranh. Điều mà bất cứ nước nào, bất cứ ai trên toàn thế giới đều mong muốn nhưng không phải nơi nào cũng có được. Là một người con đất Việt học tập xa quê hương, những ngày 2.9 này, trong tôi là nỗi nhớ nhà da diết, tôi nhớ những con phố rợp trời cờ đỏ sao vàng, nhớ những bữa cơm mọi người quây quần bên nhau cùng đón một ngày quốc khánh đoàn viên nhất. Chúng tôi ở nước Đức và luôn mong muốn có thể giới thiệu thật nhiều tới bạn bè quốc tế văn hóa, lịch sử của VN tới bạn bè quốc tế. Xây dựng tình hữu nghị Việt - Đức bằng cách làm của người trẻ, theo tôi cũng là một cách gìn giữ và vun đắp hòa bình”.

Với Trần Chân Thiện Mỹ (19 tuổi), sinh viên Học viện Ngoại giao (Hà Nội), cho biết: “Tôi luôn tự hào nói với bất cứ một công dân nước bạn nào, khi đến bất cứ đâu, rằng tôi sinh ra và lớn lên ở VN, đất nước bình yên vô cùng với những con người thân thiện. Tôi muốn đưa cho bạn bè quốc tế xem hình ảnh biển người đổ ra đường với cờ hoa rực rỡ chào đón đội tuyển U.23 VN. Tôi muốn chỉ cho bạn bè xem chợ nổi ở miền Tây, những cánh đồng bát ngát ở đồng bằng sông Cửu Long… đất nước mình bình yên, tự hào quá đỗi”.

Anh Đỗ Quang Ba (39 tuổi), Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá người VN tại Nhật Bản, xúc động: “Tôi là một người được sinh ra sau chiến tranh, nhưng có lẽ vì bố tôi là thương binh thời đó, nên tôi được gợi lại những ký ức chiến tranh qua những lời kể của ông. Thấu hiểu được cuộc sống và sự vất vả của thời chiến nên mỗi sáng thức dậy tôi thật hạnh phúc khi có được những cảm nhận thật bình dị của cuộc sống. Mỗi sáng nhìn thấy các cụ già tập dưỡng sinh, các cháu nhỏ í ới rủ nhau tới trường, ngoài đầu ngõ các bà các cô họp chợ buổi sáng bán đủ mọi thứ… chỉ cần thế thôi là đã thấy sự yên bình và ấm no của cuộc sống hòa bình”.

Văn hóa mạnh, kinh tế độc lập

Phượt thủ nổi tiếng Hoàng Lê Giang, người VN đầu tiên chinh phục Bắc cực, thì cho biết mình suy nghĩ một góc nhìn khác về hòa bình: “Thế giới nhìn chung vẫn còn nhiều biến động, trong tương lai thì những vấn đề quá tải dân số, ô nhiễm môi trường sẽ châm ngòi cho những chiến tranh khác. Nhưng tôi nghĩ chiến tranh bây giờ không dừng ở súng đạn mà phức tạp hơn, thông qua kinh tế, văn hóa, qua đầu tư. Hòa bình chỉ có thể có khi đất nước có văn hóa mạnh và rõ ràng, kinh tế độc lập”.

Còn anh Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: “Lớp người trẻ sinh sau 1975 thật may mắn được sống trong hòa bình, không phải hy sinh mất mát trên chiến trường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gánh vác trọng trách nặng nề đó là xây dựng đất nước. Bằng những hành động thiết thực lao động sản xuất, ra sức học tập, mang những kiến thức tiên tiến từ nước ngoài về áp dụng giúp cho kinh tế, xã hội VN ngày một phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay”.

Sống tốt hơn mỗi ngày

Trần Việt Hoàng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết lễ Quốc khánh 2.9 là dịp để tự hào, trân quý và nhìn nhận lại giá trị của hòa bình, tự do, độc lập và quyền làm chủ đất nước.

“Cũng dịp này, tôi đã rút ra được nhiều bài học giá trị về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu gan dạ, kiên cường, sẵn sàng hy sinh thân mình cho Tổ quốc. Từ đó, nuôi dưỡng trong chúng tôi tinh thần yêu nước, ý chí học tập, lao động sáng tạo không ngừng để góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”, Hoàng nói.

Lê Anh Vũ, sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), cho rằng thường đọc những tin tức thế giới, biết rằng nhiều nước trên thế giới vẫn còn chiến tranh, những mối nguy về bom đạn. “Nghĩ về VN, mình được sống trong hòa bình, mà cảm phục những anh hùng đã ngã xuống vì đấu tranh cho độc lập tự do, hạnh phúc dân tộc. Với riêng mình, những dịp như 2.9 đã khơi gợi niềm tự tôn, tự hào dân tộc với bản thân”, Vũ cho biết.

Còn Nguyễn Hải Châu, du học sinh ở Anh, tâm sự rằng bên cạnh những dịp tết, thì những ngày lễ như Quốc khánh là ngày mà Châu nhớ VN da diết. “Trường mình học có du học sinh của nhiều nước. Các bạn kể rằng đất nước họ vẫn còn đánh bom, bạo động. Nghe vậy mình cảm thấy tự hào hơn và quá đỗi may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong một đất nước hòa bình, xinh đẹp, hiền hòa”, Châu kể.

Hoa khôi Nét đẹp sinh viên TP.HCM năm 2017 Nguyễn Thị Thanh Nga chia sẻ: “Giới trẻ như tụi em được sống trong một đất nước hòa bình và xinh đẹp như VN bây giờ, trong khi thế giới vẫn còn nhiều quốc gia đang phải đối mặt với chiến tranh thì bản thân em thực sự cảm thấy trân quý hơn nền hòa bình”.

Thúy Hằng - Xuân Phương - Lê Thanh - Đăng Nguyên

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/nguoi-tre-cam-nhan-ve-hoa-binh-999196.html