Người trẻ bảo tồn trang phục cổ

Nhằm tái hiện trang phục cổ các triều đại phong kiến Việt Nam, mới đây hàng loạt dự án do các bạn trẻ thành lập đã được triển khai. Sự đồng hành này tạo nên những 'làn gió' mới trong việc phục dựng lại các nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Trình diễn các trang phục cổ. Ảnh: Mạnh Hà.

Với vai trò cố vấn của các dự án, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã có những chia sẻ về hành trình kết nối đặc biệt này.

PV: Là nhà nghiên cứu trẻ về văn hóa, lịch sử Việt Nam hiện nay, anh đánh giá sao về những ứng xử của người trẻ với văn hóa truyền thống?

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: Nhìn vào bức tranh văn hóa hiện nay, tôi cho rằng nhiều người chỉ nhìn vào cái tiêu cực của văn hóa Việt như tính bừa bãi, vô tổ chức, hay đơn cử nhất là văn hóa xếp hàng. Tuy nhiên chiều sâu vấn đề thì lỗi là hiện nay không ai định hướng cho sự phát triển văn hóa, để phát triển theo kiểu “mạnh ai người ấy được” vì vậy cái nét văn hóa truyền thống tốt đẹp thì mất đi, trong khi cái dở cái không phù hợp lại được phát huy.

Ở đây tôi muốn nói đến yếu tố giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ hiện nay, trách nhiệm thuộc về chính gia đình nhưng nếu ngay cả các bố mẹ cũng không hiểu về văn hóa truyền thống lại là điều hết sức đáng buồn. Nhưng đây chỉ hoàn toàn là một phần của thực tế. Khi tôi ra cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”, nhiều bạn trẻ tỏ ra hào hứng đọc và có nhiều chia sẻ thú vị. Điều đó chứng tỏ người Việt nói chung và người Việt trẻ nói riêng rất muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc, tìm về cái gốc văn hóa Việt Nam. Vì vậy các gia đình nên dành thời gian chia sẻ với các con về văn hóa dân tộc, đưa con đi đến ngôi chùa, mái đình chỉ cho con đây là ai, chữ kia chữ gì… những cái rất đơn giản nhưng dần dần cùng với thời gian thế hệ trẻ sẽ biết cái văn hóa của cha ông để từ đó điều chỉnh hành văn hóa của mình sao cho đúng.

Vậy phải chăng đây là lý do để anh đồng hành trong vai trò cố vấn cùng các bạn trẻ trong các dự án?

- Cá nhân tôi luôn nhìn người trẻ với con mắt bao dung. Các bạn trẻ làm có sai, có đúng nhưng đây là các viên gạch nền, sau các bạn ý sẽ có thế hệ kế cận làm tốt hơn nữa. Chính vì lý do đó, tôi thích hợp tác với các bạn trẻ hơn. Nhưng nói như thế, không có nghĩa tôi sẽ không hợp tác với những người có kinh nghiệm. Thế hệ nào cũng thế thôi, sẽ có độ vênh nhất định. Ưu điểm của các bạn trẻ là họ nhìn nhận về văn hóa truyền thống không bị cứng nhắc và bảo thủ. Trong khi truyền thống đó không phải là bất biến. Mỗi triều đại lại có truyền thống khác nhau. Người trẻ nhìn xâu chuỗi theo dòng lịch sử, truyền thống xuất phát từ thời nào, sự lựa chọn của các bạn ấy là tìm các nét hay, nét đẹp để giới thiệu cho công chúng. Đó là một trong những ưu điểm rất mạnh của các bạn trẻ.

Trong thời gian qua, cách xây dựng phục trang trong phim lịch sử Việt Nam đang bị lên án vì có tính sáng tạo “lai tạp”, ảnh hưởng của nhiều quốc gia khác. Theo anh nguyên nhân do đâu?

- Trong số các bộ phim lịch sử của nước ngoài, đặc biệt của châu Á có thể thấy họ đầu tư kỹ lưỡng cho việc tái hiện trang phục cổ một cách chuẩn chỉ. Còn về cái gọi là yếu tố thuần Việt, thì trước tiên xin hãy bỏ cho tôi từ “thuần” đi. Văn hóa Hán cũng vậy, văn hóa Việt cũng vậy, đều mang tính hỗn dung. Tách rời từng yếu tố mà suy xét cội nguồn, sẽ thấy nhiều yếu tố được coi là thuần nhất kia vẫn mang tính chất ngoại lai. Nhưng nằm trong một chỉnh thể, với phương thức kết hợp riêng biệt, thì văn hóa Việt ở từng thời kỳ vẫn có những nét đặc sắc riêng biệt. Xét riêng ở góc độ lịch sử trang phục, có thể khẳng định, trang phục cung đình Việt thời Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn đều rất khác biệt. Ngay trang phục dân gian trải qua các thời cũng không đồng nhất. Không suy xét ngọn nguồn, không chỉn chu kỹ lưỡng trong việc tìm hiểu, tiếp thu các kết quả nghiên cứu, đặc biệt cứ mang tâm lý “thuần Việt”, quanh quẩn trong cái ao làng thì sẽ chẳng thể làm nên một bộ phim hay.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức.

Tuy nhiên, xét cho cùng một bộ phim lịch sử thành công cần kết hợp thành quả nghiên cứu của nhiều lĩnh vực. Sự chuyên nghiệp trong trang phục thôi chưa đủ. Ngoài phục trang, còn có bối cảnh sinh hoạt, không gian văn hóa, phong tục, ngôn ngữ chữ viết...

Anh nghĩ sao về những động thái tích cực của các dự án phục dựng các trang phục cổ, cung đình trong thời gian vừa qua?

- Mốc thời gian càng đẩy sâu về quá khứ, cứ liệu lịch sử càng ít ỏi. Nói rằng từ thời Lý Trần đổ về trước không có cứ liệu lịch sử thì không đúng. Tất cả những động thái, dự án được triển khai là một sự cố gắng khảo chứng tất cả những tư liệu tương quan cốt để vẽ ra diện mạo trang phục của từng thời, dù vẫn tồn tại những khoảng mờ nhạt. Tôi tin rằng, những bạn yêu thích tìm hiểu, nghiên cứu trang phục cổ, sẽ tiếp tục đào sâu hơn nữa, phát hiện nhiều điều mới mẻ hơn nữa.

Tuy nhiên, xu hướng này là chung, không chỉ Việt Nam mà cả Hàn Quốc, Malaysia... Sau khi trải qua những cơn sang chấn văn hóa giữa các luồng văn hóa ngoại lai, người Việt có nhu cầu định vị lại, cái này của Việt Nam, cái kia của ngoại lai và đi sâu tìm hiểu nguyên nhân. Đó là nhu cầu chính đáng và cần cổ vũ việc tìm về truyền thống của người trẻ để họ hiểu về nguồn gốc và quá trình phát triển của dân tộc. Khi người ta đã hiểu ra thì sẽ yêu và trân trọng các giá trị cốt lõi ấy. Còn bây giờ, nhiệm vụ của người trẻ là đi tìm và củng cố, định vị lại bản sắc, văn hóa dân tộc. Còn nhiệm vụ của những người đồng hành như tôi là khích lệ, động viên người trẻ dấn thân và khám phá nhiều hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn anh!

Minh Sơn (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/nguoi-tre-bao-ton-trang-phuc-co-tintuc412600