Người trắng tay may mắn

Khi mới lên tám tuổi, Tiến sĩ David Warren từng suýt là nạn nhân trong một vụ rơi máy bay. Lần thoát chết ngoạn mục ấy đã mở đường cho ông trở thành cha đẻ của một thiết bị làm thay đổi căn bản độ an toàn của ngành hàng không: Hộp đen máy bay.

Khi mới lên tám tuổi, Tiến sĩ David Warren từng suýt là nạn nhân trong một vụ rơi máy bay. Lần thoát chết ngoạn mục ấy đã mở đường cho ông trở thành cha đẻ của một thiết bị làm thay đổi căn bản độ an toàn của ngành hàng không: Hộp đen máy bay.

Món quà để lại

Cậu nhóc David Warren hét lên đầy sung sướng khi được cha tặng một chiếc radio nhân dịp sinh nhật. Nhưng, cậu không ngờ rằng đó là món quà cuối cùng của người cha trước khi bi kịch ập đến.

Nhà truyền giáo Rev Hubert Warren - cha của David - cùng 10 hành khách đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay khi đang trên đường đến Sydney tháng 10-1934, tai nạn hàng không đầu tiên trong lịch sử Australia. Không mảnh vỡ nào được tìm thấy và nguyên nhân vụ tai nạn mãi là ẩn số. David Warren cùng mẹ may mắn sống sót, vì họ dự định đi bằng tàu biển.

Mất cha, Warren càng thêm quý trọng chiếc đài radio kỷ niệm - thứ đã khơi dậy trong ông lòng yêu khoa học. Ông thường mày mò cách thức sóng vô tuyến hoạt động và thậm chí còn tự sản xuất những phiên bản radio thô sơ để bán cho các bạn học.

Bằng niềm say mê khoa học và tinh thần ham học hỏi, David Warren đã có bằng Khoa học tại Trường đại học Sydney và bằng Tiến sĩ Hóa học tại Trường đại học Hoàng gia Anh. Ông theo chuyên ngành nhiên liệu tên lửa và quyết định công tác tại Phòng nghiên cứu hàng không (ARL) thuộc Bộ Quốc phòng Australia.

Năm 1953, David Warren cùng các đồng sự được giao nhiệm vụ tìm hiểu vụ rơi máy bay phản lực thương mại đầu tiên trên thế giới - tai nạn bí ẩn như chính vụ việc đã cướp đi mạng sống của cha ông 20 năm trước.

Hiện trường vụ tai nạn chỉ có mảnh vỡ và xác người, không chút manh mối lý giải vì sao chiếc máy bay hiện đại bậc nhất khi ấy lại có thể gặp nạn. Giữa hàng trăm câu hỏi không lời đáp, David Warren bỗng nhớ về sản phẩm mà ông bắt gặp ở hội chợ tuần trước: Một chiếc máy ghi âm bỏ túi, giúp các doanh nhân ghi nhớ cuộc hẹn mà không cần ghi chép.

Một ý tưởng lóe lên trong đầu Warren. Ông dự định chế tạo một chiếc máy ghi âm đặt trong buồng lái máy bay, đủ cứng cáp để tồn tại sau tai nạn dù là thảm khốc nhất. Thiết bị đặc biệt này ít nhất sẽ giúp các nhà điều tra biết được các phi công trao đổi những gì trước khi thảm kịch xảy đến.

Phát minh bị chối bỏ

Tiến sĩ David Warren trình bày ý tưởng với cấp trên của mình ở ARL, nhưng ông ta lại gạt phắt đi. Vị sếp này cho rằng, Warren là nhà hóa học và “chỉ nên tập trung điều tra phần nhiên liệu máy bay mà thôi”. Tuy nhiên, ít lâu sau, cơ hội lại đến với Warren khi Tiến sĩ Coombes - sếp mới tại ARL - đánh giá cao phát minh của ông và đề nghị ông gửi báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền.

Bản báo cáo mang tên “Thiết bị hỗ trợ điều tra tai nạn máy bay” vấp phải sự phản đối quyết liệt của Hội đoàn phi công. Họ gọi sáng chế của Warren là “thứ nghe lén bẩn thỉu” và tuyên bố thẳng “sẽ không có chiếc máy bay nào chứa thiết bị này được cất cánh”. Cơ quan hàng không vẫn bảo lưu quan điểm: phát minh của ông “không có giá trị gì đáng kể”.

Không nản lòng, David Warren vẫn nghiên cứu và cho ra đời nguyên mẫu “hộp đen” đầu tiên từ tiền túi, đợi chờ “đứa con” của mình được khai sinh. Và ngày ấy đã đến vào năm 1958, trong chuyến ghé thăm bất ngờ của một vị khách bí ẩn người Anh.

“Phát minh tuyệt vời quá. Nào, lắp chúng vào một chiếc máy bay và đem đến Luân Đôn trình diễn thôi” - vị khách hồ hởi nói, sau khi sờ tận tay “hộp đen”. Người bí ẩn đó là Sir Robert Hardingham, lãnh đạo Ủy ban Đăng ký hàng không Anh, cựu phó nguyên soái Không quân Hoàng gia Anh.

Như một trò đùa của định mệnh, chiếc máy bay thử nghiệm hộp đen chở David Warren đến Anh gặp sự cố nghiêm trọng và suýt đâm xuống đất. “Tôi đã nghĩ nếu mình chết thì ít nhất chiếc hộp đen sẽ hoạt động và chứng minh lũ khốn ấy đã sai”, ông hồi tưởng. Nhưng Warren vẫn sống, để giới thiệu với cả thế giới phát minh có ý nghĩa quan trọng bậc nhất trong lịch sử hàng không quốc tế.

Điều thú vị là: Quê nhà Australia - nơi từng chối bỏ phát minh của Warren - lại là quốc gia đầu tiên trên thế giới cưỡng chế lắp đặt hộp đen trên tất cả máy bay quân sự và dân dụng. Kể từ năm 1960, hộp đen trở thành thiết bị tiêu chuẩn phải có trên mọi máy bay với vỏ ngoài sơn mầu cam tươi để dễ nhận biết khi tai nạn xảy ra.

Sự xuất hiện của hộp đen máy bay đã giúp giải đáp nhiều vụ tai nạn hàng không, điển hình như thảm kịch rơi máy bay ở New York (Mỹ) năm 1996 khiến 230 người thiệt mạng. Hộp đen máy bay đã ghi lại hai âm thanh rất nhỏ khoảng 400 Hz chỉ một giây trước tai nạn, đó là tiếng chập mạch trong đồng hồ thùng đựng nhiên liệu dẫn đến thảm kịch.

“Tôi là một gã may mắn”

Phát minh cực kỳ quan trọng, thế nhưng David Warren chẳng nhận được xu nào. Các công ty ở Anh và Mỹ đã “nẫng tay trên” thiết kế của ông để thương mại hóa hộp đen chỉ trong thời gian ngắn.

Thậm chí, các cơ quan chức năng ở Anh còn chần chừ không muốn công nhận phát minh của Warren vì “tư tưởng thực dân cho rằng người Australia làm sao mà sáng chế ra cái gì nên hồn!” - theo lời bộc bạch của con trai Tiến sĩ David Warren. Ngay cả ở Australia, mãi đến năm 2002, tức hơn 40 năm sau phát minh để đời, David Warren mới được trao tặng Huân chương Vì những đóng góp cho ngành hàng không.

Nhưng mặc cho những bất công ấy, David Warren vẫn hay tự nhận là “một gã may mắn”. Có lẽ với ông, ngắm nhìn phát minh của mình được ứng dụng khắp thế giới đã là hạnh phúc không gì sánh bằng.

David Warren qua đời năm 2010. Quan tài của ông được khắc dòng chữ “Không được mở ra” hệt như trên những chiếc hộp đen ngày nay. Một sự tưởng nhớ tếu táo, nhưng không kém phần sâu sắc, như chính con người ông vậy.

THẾ DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-vat_1/nguoi-trang-tay-may-man-625185/