Người tìm kiếm, nhân giống nhiều cây thuốc quý

Để bảo vệ nguồn gien cũng như giúp sinh viên nhận diện đúng các loại cây thuốc, ngoài việc đảm đương phòng khám Tuệ Lãn (quận 3, TP Hồ Chí Minh), lương y Nguyễn Đức Nghĩa đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước để sưu tầm, nhân giống nhiều cây thuốc quý…

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa sinh năm 1959 trong một gia đình có truyền thống nghề thuốc ở Bình Định. Năm 1986, ông theo học tại Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh. Hơn 30 năm theo học y học cổ truyền và hành nghề chữa bệnh cứu người, cũng từng đó thời gian lương y Nguyễn Đức Nghĩa tìm hiểu, tìm kiếm hàng trăm loài dược liệu quý để bảo tồn, duy trì nguồn gien, giữ lại cho nhiều thế hệ sau này học tập, tìm hiểu.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Trong Sách Đỏ Việt Nam (xuất bản năm 1995), một số loại cây thuốc quý như: bách hợp, tục đoạn, bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa), hoàng tinh, hoàng liên ba gai, hoàng liên ô rô sơn thù, bạch cập… được các nhà khoa học đề cập trước tiên. Do nạn phá rừng, biến đổi khí hậu, sự thiếu ý thức trong bảo vệ nguồn dược liệu quý cho nên việc báo động đỏ về các loại cây nêu trên ngày càng cấp thiết hơn. Vì vậy, tôi đã giành nhiều thời gian sưu tầm, nhân giống cây thuốc quý, trước là mình có nguồn thuốc quý để trị bệnh, sau nữa là để cho các sinh viên có mẫu cây để nghiên cứu, học tập”.

Vườn thuốc của lương y Nguyễn Đức Nghĩa nằm rải rác ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Lâm Đồng có nhiều cây thuốc quý hiếm được nhắc trong Sách Đỏ. Để có được “bảo tàng” cây thuốc quý, lương y Nguyễn Đức Nghĩa đã rong ruổi tìm kiếm khắp mọi miền đất nước với nhiều công sức, tiền của. Gần 20 năm qua, hễ có nguồn tin ở đâu có cây thuốc quý là lương y Nghĩa lại sắp xếp thời gian đi tìm kiếm.

Ông nhớ nhất là chuyến đi Sa Pa (tỉnh Lào Cai) vào năm 2009 để tìm giảo cổ lam, một loại "thần dược" quý hiếm. "Chuyến đi thành công ngoài mong đợi. Ngoài giảo cổ lam, chúng tôi còn tìm được bách hợp, đẳng sâm, hoàng tinh, ba kích, ngũ gia bì gai. Khi lên Sa Pa, chúng tôi được một người dân địa phương cho biết một cây thuốc mà thầy mo đã dùng để chữa khỏi bệnh tràn dịch màng phổi cho người nhà của họ. Là một vị thuốc chưa biết tên nên tôi đã đem về TP Hồ Chí Minh trồng, đợi lớn lên mới xác định tên khoa học của nó", ông chia sẻ.

Có lần nhận được nguồn tin xuất hiện cây bướm bạc chữa bệnh ung thư tử cung ở tỉnh Vĩnh Phúc, lương y Nghĩa đã từ miền nam ra tìm. Nhiều ngày ròng rã tìm kiếm nhưng không có cây bướm bạc nào, nhưng khi trở lại miền nam, lương y Nghĩa lại phát hiện cây bướm bạc này ở Đèo Ngang (Quảng Bình) và ở điện Hòn Chén (Thừa Thiên - Huế). Còn chuyến đi vào dịp cuối năm 2011, lương y Nghĩa phát hiện củ bình vôi trọng lượng 120 ký (đây là một loài cây mọc tự nhiên nhưng hiện không còn nhiều, có thân phình ra thành củ trông như bình vôi) trên ngọn núi hiểm trở ở tỉnh Khánh Hòa.

Trong các tài liệu đông y, củ bình vôi dùng để chữa hen, suyễn, ho lao, sốt rất công hiệu. Để đưa được củ bình vôi này về Đồng Nai, lương y Nghĩa cùng nhiều người khác phải hết sức cẩn thận khiêng xuống núi rồi dùng xe vận chuyển về…

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP Hồ Chí Minh cho biết: “Lương y Nguyễn Đức Nghĩa đã có công tìm kiếm, bảo tồn nhiều giống thuốc quý. Hiện, bộ sưu tập dược liệu của lương y Nghĩa rất phong phú và đa dạng, có nhiều loài quý hiếm. Chúng tôi đã nhiều lần nhờ vào bộ sưu tập của Lương y Nghĩa để giảng dạy cho học viên và giúp các em được tiếp xúc trực tiếp với nhiều cây thuốc quý, chứ không chỉ biết qua sách vở”.

Nhờ được GS,TS Đỗ Tất Lợi truyền đạt kiến thức và nhiều bài thuốc quý cộng với kinh nghiệm có được từ sự trải nghiệm thực tế, lương y Nguyễn Đức Nghĩa đã có nhiều đóng góp cho ngành y học cổ truyền của nước ta. Dù không còn trẻ nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng lại những chuyến tìm cây thuốc quý. Ông tâm niệm, gian khổ, nguy hiểm đến mấy cũng không sợ bằng sợ các loài dược liệu quý biến mất. Vì vậy, còn sức khỏe, còn quỹ thời gian là ông lại lên đường tìm cây thuốc về trồng và nhân rộng...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/35968602-nguoi-tim-kiem-nhan-giong-nhieu-cay-thuoc-quy.html