Người tiêu dùng Việt mỗi năm chi 1 tỷ USD cho sản phẩm thủy sản

TGTTO Không chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu, dư địa của thị trường nội địa cho các sản phẩm thủy sản là rất lớn. Mỗi năm, người tiêu dùng Việt chi khoảng hơn 22 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD cho sản phẩm thủy sản.

Ông Đào Trọng Hiếu – Phó trưởng phòng phát triển thị trường thủy sản – Cục Chế biến – cho biết tại Hội thảo “Phát triển thị trường tiêu thụ cho thủy sản nội địa” diễn ra sáng nay (8/10), tại Hà Nội.

Về cơ cấu sản phẩm hải sản tiêu thụ nội địa, theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), năm 2017, con số này là gần 550 triệu tấn, trong đó, thủy sản đông lạnh đạt hơn 229 triệu tấn, nước mắm đạt hơn 208 triệu tấn, tiếp theo đó là thủy sản khô, đồ hộp thủy sản và các sản phẩm khác. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm về sản lượng là 5,5%/năm.

Ảnh minh họa

Ông Đào Trọng Hiếu cho hay, con số thống kê trên là chỉ mới có các sản phẩm hải sản, chứ chưa có con số thống kê cụ thể đối với các sản phẩm nước ngọt, nuôi nước lạnh.

Về cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm hải sản nội địa, ông Hiếu cho hay, doanh nghiệp có quy mô lớn là 140 doanh nghiệp, số cơ sở/doanh nghiệp có quy mô nhỏ/hộ là 3.838 cơ sở.

Về giá trị, giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa lên đến hơn 22 nghìn tỷ, tương đương 1 tỷ USD, đây là con số không nhỏ. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị cao hơn tăng trưởng bình quân về sản lượng, điều này cho thấy chất lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng của chúng ta càng ngày càng được cải thiện.

Mặc dù tiềm năng cũng như dư địa cho phát triển thị trường là rất lớn, tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Hiếu, chất lượng sản phẩm còn thấp, không ổn định, ít được chú trọng và cải thiện. Việc người dân làm theo truyền thống nên ý thức đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Trong khi đó, người tiêu dùng thu nhập còn thấp nên đòi hỏi chất lượng sản phẩm chưa cao. Cạnh đó, vẫn có thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống hoặc đã chế biến có chất lượng trung bình và thấp., sản phẩm không thương hiệu, nhãn hiệu, không có xuất xứ… “Thiếu thông tin và nguồn lực khiến cho việc phát triển thị trường thủy sản nội địa gặp nhiều khó khăn”, ông Hiếu nói.

Để thúc đẩy phát triển thị trường thủy sản nội địa, ông Hiếu cho hay, cần rà soát lại những chính sách đang thực hiện, để bổ sung, thay thế những chính sách không còn phù hợp, nghiên cứu đề xuất thêm những chính sách mới nhằm thu hút nhà đầu tư, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn sản phẩm về thực phẩm phù hợp; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng cho hoạt động của cơ sở…

Theo số liệu của FAO, mức tiêu thụ thủy sản bình quân của người Việt Nam năm 2017 đạt 31-32 kg/người/năm, ở mức trung bình của thế giới. Dự báo, con số này sẽ tăng lên mức 44 kg/người/năm vào năm 2020. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nếu biết nắm bắt thị trường.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nguoi-tieu-dung-viet-moi-nam-chi-1-ty-usd-cho-san-pham-thuy-san-14533.html