Người thương tật, kẻ vướng lao lý vì… nghi bị ép xe

Phiên tòa vắng vẻ, ba bị cáo đều là những nam giới cao lớn, trẻ khỏe đã nhanh chóng khai nhận những tình tiết như trong cáo trạng.

Hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn, thậm chí gây án mạng sau va chạm giao thông rất dễ gây hậu quả khó lường và phải đối mặt với vòng lao lý.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Truy sát tài xế ô tô vì cho rằng bị ép xe

Ngày 25/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Phạm Ngọc Hưng (SN 1994, trú tại xã Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) về tội “Giết người”; bị cáo Thân Quốc Dũng (SN 1995) và Phan Minh Tú (SN 1995), cùng trú ở thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Phiên tòa vắng vẻ, ba bị cáo đều là những nam giới cao lớn, trẻ khỏe đã nhanh chóng khai nhận những tình tiết như trong cáo trạng.

Sự thành khẩn, ăn năn của các bị cáo cho thấy, họ cũng đang rất hối hận chỉ vì những phút bốc đồng, hung hãn mà phải trả giá đắt.

Theo hồ sơ vụ án cùng diễn biến tại phiên tòa cho thấy, khoảng 18h30 ngày 6/12/2018, Dũng và Hưng cùng một số người bạn, trong đó có Tú ngồi ăn uống và xem bóng đá tại quán bia Thu Hằng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Đến khoảng 21h30 cùng ngày, cả nhóm rủ nhau lên hồ Hoàn Kiếm chơi. Dũng điều khiển xe máy Honda Wave màu trắng chở Hưng.

Cả nhóm đi theo hướng Đại lộ Thăng Long - hầm chui Trung Hòa - Trần Duy Hưng vào trung tâm Hà Nội.

Khi đến hầm chui Trung Hòa, Dũng thấy anh Trần Minh Dương (trú tại Hà Nội) điều khiển ô tô đi sát vào xe máy của mình.

Cho rằng anh Dương chèn ép xe máy của mình nên Dũng đã điều khiển xe máy đuổi theo xe của anh Dương đến ngã tư Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám. Lúc này, xe ô tô của anh Dương đang dừng chờ đèn đỏ.

Dũng dùng xe máy chặn đầu ô tô của anh Dương và dùng tay đập mạnh vào cửa kính ô tô bên lái, bắt anh Dương xuống xe.

Do không hiểu chuyện gì đã xảy ra, sợ bị đánh nên anh Dương ngồi im trong xe ô tô nhưng Dũng vẫn tiếp tục dùng tay đập mạnh vào cửa kính.

Sợ bị vỡ cửa kính xe ô tô, anh Dương buộc phải xuống xe, cầm theo 1 chiếc tô vít để phòng thân.

Khi anh Dương xuống ô tô thì bị Dũng túm cổ áo, đấm vào mặt và bị Tú cùng 2 đối tượng khác xông vào dùng tay, chân đấm đá.

Bị đánh, anh Dương dùng tô vít đâm lại Dũng nhiều cái, gây thương tích cho Dũng, gây tỷ lệ tổn hại sức khỏe 4%.

Thấy 2 người đánh nhau, Hưng cầm dao nhọn xông vào đâm liên tiếp 8 nhát vào vùng ngực và lưng anh Dương.

Anh Dương cầm chiếc tô vít đâm lại Hưng 2, 3 cái vào vùng ngực và tay phải Hưng, làm đối tượng này bị thương tích, tổn hại 2% sức khỏe.

Bị đâm trọng thương, anh Dương chạy vào ô tô đóng cửa lại và được người dân đưa đi cấp cứu, điều trị kịp thời nên không tử vong.

Tuy nhiên, theo kết luận giám định, anh Dương bị tổn hại 73% sức khỏe.

Sau quá trình xét xử, HĐXX xác định Phạm Ngọc Hưng đã phạm tội “Giết người”. Việc anh Trần Minh Dương không chết là nằm ngoài ý thức của bị cáo.

Tương tự, Thân Quốc Dũng và Phan Minh Tú đã phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”. TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Ngọc Hưng lĩnh án 13 năm tù về tội “Giết người”.

Hai bị cáo Thân Quốc Dũng và Phan Minh Tú lần lượt bị tuyên phạt các mức án 18 tháng tù và 24 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Đối với hành vi gây ra thương tích cho Hưng, Dũng của anh Trần Minh Dương, các cơ quan tố tụng xác định hành vi này chưa đến mức phải xử lý bằng hình sự nên không đề cập xử lý.

Bài học cho người tham gia giao thông

Nhìn nhận về phiên tòa, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, ông rất buồn khi thấy chỉ những va chạm giao thông rất nhỏ, thậm chí chưa va chạm như vụ việc vừa rồi, lại dẫn đến án mạng khiến người thương tật, kẻ vướng vòng lao lý.

“Vụ án vừa xét xử, va chạm giao thông chưa xảy ra nhưng nhóm đối tượng đã hung hãn gây gổ, dẫn tới cả nhóm đều bị thương, trong đó nạn nhân bị thương tật tới hơn 70%.

Sự xốc nổi, bốc đồng, côn đồ của nhóm đối tượng đã phải chịu hình phạt thích đáng”, ông Quỹ nói.

Theo ông Quỹ, kể cả một vụ va chạm nhẹ không khiến ai bị xây xát gì, nếu giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thì có thể chỉ bị phạt hành chính.

Va chạm giao thông nếu không bắt tay hòa giải được với nhau thì đã có lực lượng chức năng, pháp luật giải quyết, có cơ quan bảo hiểm xử lý. Kể cả khi xảy ra TNGT, đã có cơ quan chức năng phân định, xử lý.

“Việc các bên tự ý áp dụng “luật rừng”, dùng sức mạnh để uy hiếp người yếu thế chỉ gây hậu quả nghiêm trọng hơn”, ông Quỹ nói.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tất cả hành vi sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn khi lưu thông hoặc sau va chạm giao thông đều dẫn đến hậu quả bất lợi cho hai bên.

“Do đó, khi tham gia giao thông nếu xảy ra mâu thuẫn, va chạm, TNGT, hai bên phải hết sức bình tĩnh, kiềm chế, ứng xử văn minh và đặc biệt luôn nhớ “mọi việc đã có pháp luật giải quyết, phân xử. Đừng để lâm cảnh tù tội chỉ vì những phút nóng giận nhất thời”, luật sư Cường khuyến cáo.

Theo quy định hiện hành, khi xảy ra TNGT mà nạn nhân thương tích trên 61% sẽ tiến hành chuyển cơ quan CSĐT khởi tố vụ án.

Nhưng sau TNGT mà xảy ra xô xát dẫn đến ẩu đả, đánh nhau, thì chỉ cần thương tích từ 11% trở lên, vụ việc đã được chuyển sang xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

Ngay cả thương tích dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại; có tổ chức; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội hai lần trở lên hoặc đối với hai người trở lên; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau, không có khả năng tự vệ thì vẫn có thể bị khởi tố...

Việt Hòa

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguoi-thuong-tat-ke-vuong-lao-ly-vi-nghi-bi-ep-xe-d553818.html