Người 'Thương binh tàn nhưng không phế' làm kinh tế giỏi ở Quảng Bình

Trở về từ chiến trường Campuchia với tình trạng sức khỏe bị suy giảm 81% - thuộc diện thương binh loại 1/4, ông Phạm Văn Liếc vẫn luôn nỗ lực để trở thành một nông dân giỏi, với mô hình nuôi cá chình trên sông thu được hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Ông Phạm Văn Liếc luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế".

Ông Phạm Văn Liếc luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế".

Trở về địa phương với cuộc sống đời thường sau gần 12 năm nhập ngũ cùng vết thương của súng đạn để lại tại chiến trường Phnom Pênh (Campuchia) những năm 1978, thương binh Phạm Văn Liếc (SN 1959, trú tại xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đến nay vẫn là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo về ý chí, nghị lực trong việc xây dựng và phát triển kinh tế gia đình, địa phương, đúng như lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Năm 1989, sau khi được đơn vị cho về phục viên với thương binh loại 1/4 – tỷ lệ suy giảm sức khỏe 81%, ông Phạm Văn Liếc bắt tay vào việc xây dựng phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ khác nhau như: nuôi cá, thỏ, gà, vịt... Từ vốn liếng ít ỏi có được ban đầu kết hợp việc luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở trong và ngoài địa phương, năm 2014, thương binh Phạm Văn Liếc đã mạnh dạn chuyển đổi và thực hiện mô hình nuôi cá chình thả lồng trên sông.

Các lồng nuôi cá chình đều được thương binh Phạm Văn Liếc tự tay thực hiện.

Với việc hiểu rõ điều kiện thời tiết kết hợp những thuận lợi về nguồn nước của dòng sông Kiến Giang, mô hình nuôi cá chình thả lồng trên sông với 6 lồng cá mang lại cho thương binh Phạm Văn Liếc thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

“Sau khi xuất ngũ, nhận thấy sức khỏe không đủ để có thể gánh vác việc ruộng đồng, ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ rằng “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi cùng vợ bắt tay vào thực hiện một số mô hình chăn nuôi như gà, vịt, thỏ... để xây dựng gia đình và nuôi con ăn học. Sau khi chuyển sang mô hình nuôi cá chình trên sông, cũng nhờ nhiều may mắn nên mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng 150kg cá bán ra với mức giá 600 nghìn đồng/kg” - Thương binh Phạm Văn Liếc chia sẻ.

Thương binh Phạm Văn Liếc, trú tại xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Ngoài việc phát triển kinh tế, thương binh Phạm Văn Liếc cũng là người thường xuyên tham gia các công tác xã hội trong thôn, xã, hội cựu chiến binh cũng như tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi cá chình của mình với bà con lối xóm. Ghi nhận những kết quả và nỗ lực của Thương binh Phạm Văn Liếc, năm 2019, ông được vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

“Trong những năm qua, đồng chí Phạm Văn Liếc vừa tham gia công tác hội ở địa phương nhưng cũng đồng thời làm tốt công tác phát triển kinh tế xã hội, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, đồng chí Liếc luôn gương mẫu đi đầu, xã xem đây là đồng chí có trách nhiệm và có phương thức làm ăn có hiệu quả để từ đó chúng tôi nhân rộng mô hình này cho nhiều thương binh khác trên địa bàn toàn xã” - ông Nguyễn Văn Đề, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy - cho biết.

Vợ chồng thương binh Phạm Văn Liếc đưa thức ăn cho cá.

Trong những ngày cuối tháng 7 thiêng liêng, những người lính năm xưa như thương binh Phạm Văn Liếc vẫn luôn hướng về những đồng đội, muốn được tìm để kể lại cho nhau nghe những chuyện chiến trường xưa và cả cuộc sống của họ hôm nay. Đó không chỉ là cảm xúc của lời nói trong từng câu chuyện mà đó còn là động lực để con cháu, thế hệ trẻ đi sau học tập, noi theo.

Bảo Thiên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/nguoi-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-lam-kinh-te-gioi-o-quang-binh-530859.html