Người thương binh 'Tàn nhưng không phế' làm kinh tế giỏi ở Đắk Nông

Để lại một phần thân thể trên chiến trường, ông Mạnh vẫn trở thành nông dân giỏi, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm trên quê hương Đắk Nông.

Trở về đời thường sau chiến tranh, đối mặt với không ít khó khăn, nhưng thương binh Phan Đình Mạnh ở tổ dân phố 2, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác "thương binh tàn nhưng không phế", trong cũng như xây dựng quê hương. Là thương binh hạng 1/4, để lại một phần thân thể trên chiến trường, ông Mạnh vẫn trở thành nông dân giỏi, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ở tuổi ngoài 70, thương binh hạng 1/4 Phan Đình Mạnh vẫn còn nhớ những ngày tháng được giao nhiệm vụ bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Năm 1971, bom đạn ác liệt đã khiến người lính 6 năm trận mạc bị thương nặng, cụt chân phải, gãy nát chân trái và cổ tay trái.

Ông Phan Đình Mạnh (đội mũ) trước ngôi nhà của ông Đoàn Tất Đắc, đang xây dựng trên diện tích đất do gia đình ông trao tặng.

Ông Phan Đình Mạnh (đội mũ) trước ngôi nhà của ông Đoàn Tất Đắc, đang xây dựng trên diện tích đất do gia đình ông trao tặng.

Với sức khỏe hao tổn 86%, ông Mạnh gặp rất nhiều khó khăn khi tới Đăk Song lập nghiệp năm 1997. Để vượt qua khó khăn khi không thể trực tiếp cày cuốc trên đồng ruộng, ông Mạnh dành nhiều thời gian đọc các tài liệu kỹ thuật nông nghiệp, đi thăm nhiều mô hình sản xuất để học hỏi kinh nghiệm rồi hướng dẫn, định hướng cho vợ con.

“Từ nhà vào rẫy theo đường chim bay cũng phải 4 - 5 km nhưng lúc đó không có đường mà cũng không có xe đi nên tôi chống nạng từ nhà vào trong rẫy. Sau này khi thành lập huyện mới có quy hoạch, có đường xá, kinh tế mình cũng vững nên lúc đó mình đầu tư xe, mua nhiều thứ khác để con cái làm ăn”, ông Mạnh kể lại.

Với 10 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái…mỗi năm trừ chi phí ông thu về lợi nhuận trên dưới 1,5 tỷ đồng. Ông trở thành cựu chiến binh làm kinh tế giỏi của địa phương, được nhiều người dân tìm đến học tập kinh nghiệm.

Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Mạnh còn tích cực hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa và nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng. Cụ thể, ông đã không ngần ngại tặng 2 lô đất mặt tiền Trung tâm thị trấn Đức An, huyện Đăk Song cho 2 thương binh có hoàn cảnh khó khăn để làm nhà ở.

Ông Phạm Văn Nhung ở cùng tổ dân phố cho biết, ông Mạnh còn cùng với các anh em đồng đội hiến 500m2 đất để chính quyền địa phương làm đường giao thông để giúp bà con có đường đi lại.

“Khi thành lập huyện Đăk Song chưa có đường giao thông, bà con đi lại rất khổ sở. Tôi với ông Mạnh bàn bạc hiến đất để người dân có đường đi lại cho thuận lợi. Khi có đường giao thông, đời sống bà con phấn khởi, đi lại thuận tiện, làm ăn kinh tế từng bước phát triển”, ông Nhung cho biết.

Ông Nguyễn Đình Liên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đắk Song cho biết, toàn huyện hiện có 2.000 hội viên, trong đó có 119 thương binh và 48 bệnh binh. Hầu hết các cựu chiến binh nói chung, thương bệnh binh nói riêng đều gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Trong đó, ông Phan Đình Mạnh là một tấm gương cựu chiến binh điển hình.

“Hội cựu chiến binh, thương bệnh binh của huyện đã thực hiện lời dạy của Bác, phát huy được vai trò bản chất của người lính bộ đội Cụ Hồ về đời thường nhưng vẫn tham gia trên nhiều mặt trận trong đó có lao động sản xuất, họ là những tấm gương sáng cho những đồng đội noi theo. Trong giai đoạn khó khăn về dịch bệnh tiêu, dịch heo nhưng với những tấm gương là cựu chiến binh và thương bệnh binh nhưng họ rất gương mẫu, chăm lo lao động sản xuất, nuôi dậy con cái, thể hiện như tấm gương của cựu chiến binh Phan Đình Mạnh”, ông Liên cho biết.

Cựu chiến binh Phan Đình Mạnh là một trong số hàng nghìn những thương binh đã và đang nỗ lực vượt lên khó khăn, hoàn cảnh để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Họ chính là những tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn, nhưng không phế”./.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-lam-kinh-te-gioi-o-dak-nong-988050.vov